Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hợp tác với Bộ Thanh tra Campuchia về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra (TT) giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Trường Cán bộ Thanh tra (CBTT) bắt đầu lâm vào tình cảnh khó khăn: Cơ sở vật chất ở cả hai địa điểm bị hư hỏng, xuống cấp; Bộ máy biên chế vừa thừa, vừa thiếu, vừa yếu. Mỗi năm nhà trường chỉ tổ chức được 2-3 lớp, mỗi lớp 15 ngày.
Từ những khó khăn trên, lãnh đạo Trường đề xuất tháo gỡ, đã 2 lần trình lãnh đạo TTNN, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cuối năm 1991, lãnh đạo TTNN quyết định “Thu gọn nhà trường”. Cụ thể là:
– Cơ sở địa điểm và phương tiện thiết bị của trường ở hai khu vực giao cho văn phòng TTNN quản lý.
– Đội ngũ cán bộ của trường rút lại còn 6 người trong đó 1 người đang đi học; chuyển về làm việc tại trụ sở cơ quan TTNN 218 Đội Cấn, trong một căn phòng 12m2, không có biển hiệu tên đơn vị.
– Những yêu cầu cho nhiệm vụ, từ nay đều do văn phòng TTNN đảm nhận cấp phát, thông qua phê duyệt của Phó Tổng thường trực TTNN.
Bằng giải pháp “thu gọn” những điều kiện cần thiết cho nhiệm vụ, Nhà trường không còn được chủ động như trước, vì thế có nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Khó khăn chồng chéo:
– Chưa biết sẽ bằng cách nào để có địa điểm tổ chức lớp học;
– Kinh phí và phương tiện đi lại, tuy được văn phòng TTNN cấp phát, nhưng chắc chắn sẽ bị hạn chế và có phiền hà bởi cơ chế xin cho.
– Rất khó khăn trong việc mở rộng quan hệ, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị như: Tổ chức Hội nghị giảng viên kiêm chức; Chi phí bồi dưỡng giảng viên viết bài và giảng dạy, cũng như chi phí tiếp khách, quan hệ giao dịch v..v…
– Không có tư liệu phục vụ cho dạy và học, đành phải giảng chay và học chay, ảnh hưởng tới chất lượng bồi dưỡng.
– Đội ngũ cán bộ chỉ còn 6 người, trong đó 3 người là giảng viên (kể cả Phó Hiệu trưởng). Kiến thức lý luận và kinh nghiệm nghiệp vụ TT, giải quyết KNTC đều có hạn, trong đó lại đang bị phân tâm bởi giải pháp thu gọn. Chưa biết rồi đây số phận Nhà trường sẽ ra sao?
Thời gian này, tại cơ quan TTNN có ý kiến bàn tán “nên sát nhập số cán bộ này vào vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) hoặc vụ Tổng hợp nghiệp vụ (THNV) làm nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ”. Họ lập luận rằng: Trước đây khi chưa có Trường, việc bồi dưỡng nghiệp vụ, thường được thực hiện bằng hình thức tổng kết kinh nghiệm và tổ chức hội thảo để trao đổi. Kết hợp hướng dẫn thực hiện những văn bản mới về pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước, và những văn bản của TTNN … Đồng thời trong những năm 80, khi đã có Trường thì vụ TCCB cũng đảm nhiệm công việc bồi dưỡng, tập huấn về TTND; Vụ THNV đôi khi cũng cử cán bộ giúp TT Bộ, Ngành bồi dưỡng nghiệp vụ. Mặt khác, tại những nước mà chúng ta có đoàn đến tìm hiểu trao đổi kinh nghiệm, ở các nước này, ngành TT không có trường riêng. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ được giao cho vụ tổng hợp. Vì thế cũng nên suy nghĩ theo hướng này, có nên cứ nhất thiết phải có trường hay không?
Như vậy, với giải pháp “thu gọn”, nhà trường lâm vào tình thế khó khăn mới: “Trường không ra trường, Vụ không ra vụ”.
Nhưng, “cái khó ló cái khôn”. Câu ngạn ngữ này khi ấy đã xuất hiện trong đầu những người còn lại của Nhà trường. Ngay sau khi ổn định nơi làm việc mới, Nhà trường đã họp thảo luận tình hình và những công việc cần làm. Đã thống nhất nhận định: Tình hình hiện nay thuận lợi chưa thấy, khó khăn thì nhiều. Tất cả cần phải nhanh chóng ổn định tư tưởng, tìm ra cách làm mới. Chỉ có chủ động, tự bản thân vận động, tích cực hoàn thành nhiệm vụ mới khẳng định được sự tồn tại của Nhà trường. Trước mắt tập trung vào hai việc:
– Thực hiện ngay một số lớp bồi dưỡng cho TT các tỉnh: Hòa Bình, Đắk Lắk, Kiên Giang, Hà Tây và TT Bộ Xây dựng yêu cầu giúp mở lớp.
– Chuẩn bị ngay một Tờ trình Tổng TTNN trong đó nêu rõ: Thực trạng của Trường; Cần thiết phải xây dựng mới chương trình bồi dưỡng vì chương trình cũ không còn phù hợp với yêu cầu mới; Quan tâm giải quyết kinh phí và phương tiện đi lại; Khẩn trương bổ sung cán bộ giảng dạy.
Tháng 8 năm 1992, Tổng TTNN yêu cầu Nhà trường báo cáo, trong buổi làm việc này có Phó Tổng thường trực TTNN, Vụ trưởng vụ TCCB và Chánh Văn phòng TTNN, cả năm cán bộ của Nhà trường cùng tham dự. Sau khi nghe Nhà trường báo cáo có một số ý kiến bổ sung, Tổng TTNN đã kết luận: “Việc thu gọn Nhà trường như hiện nay là giải pháp tình thế. Nội dung trong báo cáo đề cập là đúng và trúng, sẽ từng bước được giải quyết. Nhà trường cần khẩn trương thực hiện những công việc cần làm. Văn phòng và Vụ TCCB chú ý đề nghị của Nhà trường.”
Những việc đã làm và kết quả
“Được lời như cởi tấm lòng”, thế là từ đây mọi thắc mắc, băn khoăn về số phận Nhà trường được giải tỏa. Ngay sau đó nhà trường họp bàn thực hiện những công việc cần làm.
1. Về tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nay được thực hiện bằng hai hình thức.
a. Hình thức lớp bồi dưỡng tập trung theo khu vực. Hình thức này Nhà trường đề nghị Thanh tra Tỉnh, Thành phố có yêu cầu mở lớp bồi dưỡng tại chỗ, phối hợp để tổ chức lớp theo khu vực. Đề nghị này được TT các tỉnh, thành phố đồng tình ủng hộ. Tại các lớp này Nhà trường bước đầu đưa ra chương trình bồi dưỡng gồm 3 môn học đưa vào giảng dạy: Nghiệp vụ TT, giải quyết KNTC; Một số vấn đề cơ bản về pháp luật và quản lý Nhà nước; Một số vấn đề cơ bản về quản lý tài chính. Trong đó Nghiệp vụ TT là môn học chính, hai môn sau là bổ sung.
b. Hình thức lớp bồi dưỡng tại chỗ: Hình thức này đã được thực hiện từ đầu năm 1992. Nay vẫn tiếp tục khi TT Tỉnh, Thành phố, Bộ, Ngành có yêu cầu. Chương trình bồi dưỡng ở các lớp này, chủ yếu là Nghiệp vụ Thanh tra, còn hai môn bổ sung, Nhà trường gợi ý tập trung vào những vấn đề về pháp luật và chính sách thuộc chức năng quản lý của Bộ, Ngành và địa phương.
Trong các năm 1992-1993, Nhà trường đã tổ chức được 10 – 12 lớp, trong đó có 4 – 6 lớp bồi dưỡng theo khu vực, địa điểm tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức lớp bồi dưỡng theo 2 hình thức này tuy Nhà trường có khó khăn, nhưng thuận lợi cho người học giảm chi phí đi lại. Được TT các tỉnh, thành phố đồng tình. Coi như một cách làm mới của Trường Cán bộ Thanh tra. Được biết 2 hình thức lớp bồi dưỡng này đến nay vẫn được Nhà trường áp dụng.
2. Biên soạn lại chương trình bồi dưỡng: Nhà trường xây dựng hai loại chương trình:
a. Chương trình bồi dưỡng cơ bản, dùng cho đối tượng mới vào ngành.
b. Chương trình bồi dưỡng nâng cao, dùng cho đối tượng đã qua chương trình cơ bản.
Trước mắt tập trung xây dựng chương trình bồi dưỡng cơ bản, gồm 3 môn học (như trên đã nói).
Cũng cần nói thêm tại sao chương trình lần này lại có 2 môn học bổ sung. Đó là do hoạt động TT, giải quyết KNTC liên quan phải dựa trên kiến thức Quản lý Nhà nước và Quản lý tài chính. Trong khi đó những người mới bổ sung vào ngành TT, có người chưa được tiếp cận với 2 môn học này. Vì thế trang bị cho họ một số kiến thức cơ bản của 2 môn học này là cần thiết.
Việc biên soạn chương trình cơ bản được thực hiện theo trình tự: Dựa trên cơ sở chương trình đã có từ trước, Nhà trường căn cứ vào yêu cầu đổi mới hoạt động TT, giải quyết KNTC, dự thảo đề cương nội dung từng môn học; Đưa ra trao đổi trong hội nghị với các giảng viên kiêm chức và Vụ truởng các vụ TT để tham gia ý kiến, bổ sung, sửa chữa; Sau đó hợp đồng với giảng viên kiêm chức biên soạn, Nhà trường có trách nhiệm nghiên cứu, sửa chữa, bổ sung và thẩm định cuối cùng.
Có thể nêu lên một số đổi mới của môn Nghiệp vụ TT, giải quyết KNTC như sau:
– Đã bổ sung thêm một số bài mới như: văn bản quản lý hành chính và văn bản hoạt động TT, giải quyết KNTC; Công tác của Trưởng đoàn TT; Chứng cứ trong hoạt động TT; Tâm lý trong hoạt động TT, giải quyết KNTC…
– Tách bài giải quyết KNTC thành 4 bài riêng rẽ, có sửa chữa, bổ sung mới.
– Những bài khác cũng đều được viết lại có sửa chữa, bổ sung như bài: “Một số quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về TT” được đổi thành “Một số vấn đề cơ bản của TT”. Bài này được xem là cơ sở lý luận của nghiệp vụ TT…
Chương trình bồi dưỡng cơ bản được đưa vào giảng dạy tại các lớp tập trung theo khu vực Đà Nẵng, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh. Ở các lớp này, nhà trường đã thăm dò phản ứng của người học đối với chương trình bằng hình thức phát phiếu. Kết quả thu được: “Đa số cho là phù hợp với yêu cầu, có tác dụng thiết thực. Riêng môn Quản lý tài chính không nên đi sâu vào nội dung nghiệp vụ kế toán vì thời gian quá ngắn, học viên không tiếp thu nổi”. Tiếp nhận những ý kiến góp ý qua thăm dò, Nhà trường đã sửa chữa và điều chỉnh nội dung môn Quản lý tài chính. Từ năm 1993, chương trình bồi dưỡng cơ bản trở thành chương trình chính thức của Nhà trường, dùng cho đối tượng mới bổ sung vào Ngành.
Bằng kết quả hoạt động của hai năm 1992-1993, tổng kết hoạt động TT toàn Ngành năm 1993, Nhà trường được Tổng TTNN tặng bằng khen đồng thời được bổ sung 03 giảng viên trong đó một là Phó Hiệu trưởng. Từ đây hoạt động của Nhà trường đã có khởi sắc.
– Tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng hơn so với năm 1993, mỗi năm có hơn 1000 người được bồi dưỡng nghiệp vụ, trong đó có cả TTND.
– Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học “Tâm lý trong hoạt động TT, giải quyết KNTC”. Đề tài này xuất phát từ đề cương trao đổi trong nội bộ Nhà trường, vào cuối năm 1991, sau đó giảng thử ở các lớp trong năm 1993. Năm 1994, trở thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Tham gia nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiệp vụ Thanh tra” do vụ THNV chủ trì và đề tài khoa học “Tổ chức hoạt động của TTND” do vụ Văn xã (vụ 3) chủ trì. Kết quả nghiên cứu các đề tài này được bổ sung vào môn học Nghiệp vụ Thanh tra.
– Giảng viên mới bổ sung đi tìm hiểu thực tế hoạt động TT, giải quyết KNTC tại các đoàn TT và đoàn giải quyết KNTC, khi về viết thu hoạch.
– Một số cán bộ giảng dạy tham gia viết bài cho Tạp chí Thanh tra và báo Thanh tra, qua đó trao đổi nhận thức và kinh nghiệm trong hoạt động Thanh tra, giải quyết KNTC.
– Dự thảo chương trình bồi dưỡng nâng cao. Đây là một vấn đề mới, khi ấy Nhà trường chỉ có thể phác thảo đề cương. Nội dung gồm có: Chỉ đạo điều hành cấp TT Quận, Huyện, Thị xã; Chỉ đạo điều hành cuộc thanh tra diện rộng có nhiều đơn vị tham gia; Giải quyết KNTC đông người. Kết hợp hướng dẫn thực hiện một số văn bản mới về pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước và những quy định mới của ngành TT. Nhà trường dự định sẽ đưa ra tham khảo ý kiến các Vụ và giảng viên kiêm chức, sau đó đề nghị Tổng TTNN cho làm thử bằng hình thức tập huấn trao đổi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiến tới xây dựng thành chương trình chính thức.
– Làm đề án “Củng cố xây dựng Trường” trình Tổng TTNN. Tập trung vào một số điểm chủ yếu:
+ Sự cần thiết và cấp bách của vấn đề này, bởi vì nếu cứ để Trường trong tình trạng như hiện tại: “Trường không ra trường, Vụ không ra vụ” thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao.
+ Xác định chức năng của Trường là bồi dưỡng nghịêp vụ Thanh tra và những kiến thức có liên quan. Nếu có điều kiện sẽ làm chức năng đào tạo và bồi dưỡng.
+ Nhà trường phải có tính độc lập tương đối về quản lý tài chính, cơ sở vật chất và phương tiện đi lại. Về địa điểm, trong khi chưa tìm được địa điểm xây dựng mới, cần sửa chữa, nâng cấp cơ sở ở Đông Ngạc, Hà Nội, để tổ chức lớp tập trung ở phía Bắc. Ở phía Nam, khi tổ chức lớp sẽ thuê địa điểm tại TP Hồ Chí Minh.
+ Bổ sung cán bộ giảng dạy. Điều động thanh tra viên chính, có năng lực nghiên cứu giảng dạy về làm việc tại Trường. Cho cán bộ giảng dạy được điều chỉnh theo quy chế TTV (thời kỳ này cán bộ giảng dạy của Trường không được xếp vào ngạch TTV).
Tháng 10/1995, Tổng TTNN có buổi làm việc với Nhà trường, tham dự có: Phó Tổng thường trực TTNN, Vụ trưởng vụ TCCB, Chánh văn phòng TTNN. Sau khi nghe Nhà trường báo cáo đề án Tổng TTNN kết luận: “Nhất trí với những đề xuất của Nhà trường nêu trong đề án, có những vấn đề có thể giải quyết được, có vấn đề cần nghiên cứu như xếp ngạch TTV cho cán bộ giảng dạy.” Sau đó ra thông báo để các đơn vị trong TTNN biết, giao cho vụ TCCB và Văn phòng giúp trường thực hiện đề án.
Vậy là vị thế của Nhà trường bước đầu được khôi phục. Chắc chắn trong những năm tiếp theo, hoạt động của Nhà trường sẽ thuận lợi hơn và có những tiến bộ mới. Đây là điều mà những người làm công tác ở Trường Cán bộ TT thời kỳ 1992-1993 tâm đắc nhất.
Nguyên nhân và kinh nghiệm
Có được kết quả như trên, lẽ đương nhiên là nhờ sự chỉ đạo cụ thể của Tổng TTNN, có sự giúp đỡ nhiệt tình của các Vụ, Văn phòng TTNN của các giảng viên kiêm chức và của các tỉnh, thành phố. Nhất là sự cố gắng và tích cực của đội ngũ cán bộ Nhà trường, đã cùng nhau khắc phục khó khăn, hợp sức hoàn thành nhiệm vụ.
Kinh nghiệm của Nhà trường trong thời kỳ này là:
– Trong hoàn cảnh khó khăn do bị “thu gọn” như trên đã nói, rất cần sự chủ động trong hoạt động để khẳng định sự tồn tại của Nhà trường. Có như vậy mới có được sự chỉ đạo cụ thể của Tổng TTNN. Chú ý rằng, vào những năm 80 của thế kỷ trước, Chủ nhiệm Ủy ban TTNN khi ấy đã từng nói: “Thanh tra không có nghiệp vụ riêng, chỉ cần là Bí thư cấp ủy hoặc lãnh đạo quản lý là có thể làm được Thanh tra!!!”. Sau đó một thời gian dài, lãnh đạo Nhà nước cũng thiếu quan tâm chỉ đạo cụ thể với Trường CBTT. Cho nên trong tình thế đầu năm 1991 (như trên đã nói), nếu Nhà trường không nhanh chóng ổn định tư tưởng, thiếu chủ động trong việc tìm ra những cách làm mới và nhiêm vụ cần làm, thì khó có thể được Tổng TTNN quan tâm chỉ đạo cụ thể, và nguy cơ bị sáp nhập sẽ trở thành hiện thực.
– Coi trọng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, đây là điều kiện sống còn của Nhà trường khi ấy. Bởi vì chương trình bồi dưỡng đã có từ những năm trước nhưng không được bổ sung, sửa đổi, bộc lộ nhiều nhược điểm, thiếu sót. Nhận rõ điều này, Nhà trường đã tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình, nội dung mới cho từng môn học và khẩn trương tổ chức biên soạn lại như trên đã nêu. Chương trình bồi dưỡng cơ bản ở thời kỳ này tuy chưa thực sự hoàn chỉnh, song cũng được người học cho là phù hợp và có tác dụng thiết thực (thông qua phiếu thăm dò). Thực tế cho thấy trong khi cơ chế kinh tế và hoạt động thanh tra đã có nhiều đổi mới, nếu Nhà trường không nhanh chóng đổi mới chương trình bồi dưỡng thì sẽ khó lòng được người học chấp nhận.
– Mạnh dạn trong việc sử dụng cán bộ, khi ấy Nhà trường chỉ còn 6 người, trong đó 3 người trước đây làm công việc không liên quan đến giảng dạy. Trước yêu cầu nhiệm vụ, Nhà trường đã mạnh dạn giao cho 3 cán bộ này nhiệm vụ quản lý lớp, kết hợp nghe giảng bài (mặc dù có người tỏ ý không tin). Để những cán bộ này nhanh chóng đảm đương được việc giảng dạy nghiệp vụ, Nhà trường đã cử họ đi tìm hiểu thực tế tại các đoàn TT, đoàn giải quyết KNTC, công tác tiếp dân… trao đổi với họ về kinh nghiệm dạy. Bằng sự nỗ lực của bản thân, những cán bộ này đã từng bước trưởng thành, đảm đương được nhiệm vụ giảng dạy. Thực tế cho thấy khi ấy nếu Nhà trường không mạnh dạn trong việc sử dụng cán bộ mới, không tạo điều kiện để cho họ chứng tỏ khả năng thì khó mà đạt được những thành công kể trên.
– Những điểm nêu trên vừa là nguyên nhân, vừa là kinh nghiệm dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghịêp vụ của Nhà trường thời kỳ 1992-1995. Tới đây Trường Cán bộ Thanh tra sẽ bước sang thời kỳ mới nhiều thách thức song cũng đầy triển vọng. Đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ của riêng Nhà trường mà còn là chung cho toàn ngành Thanh tra. Chắc chắn Nhà trường đã dự liệu được hết những điều kiện cần và đủ để đảm đương trọng trách của mình. Xin chúc Nhà trường thành công trong vai trò mới.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)