Trường bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra được thành lập từ tháng 10 năm 1977, những năm tháng đầu chúng tôi chưa công tác tại Trường nên chưa biết nhiều về Trường. Từ cuối năm 1993 theo quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước, nay là Thanh tra Chính phủ, tôi được về công tác tại trường, lúc bấy giờ cơ sở vật chất của Trường còn thiếu thốn.
Thời điểm lúc đó, Trường chỉ có một phòng học cũng là hội trường để tổ chức các ngày vui, ngày lễ trong năm. Gần hội trường có một nhà hai tầng là nơi làm việc của Ban Giám hiệu và các Phòng ban của Trường, ngoài ra có một dãy nhà cấp 4 là phòng ở của học viên từ các địa phương tỉnh thành phố về học, bên cạnh có phòng Kế toán và bộ phận Y tế của Trường.
Tuy cơ sở vật chất của Trường lúc bấy giờ còn thiếu thốn, nhưng giáo viên và cán bộ công nhân viên của Trường đều đoàn kết nhất trí cao, đồng tâm hiệp lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao. Trường đã liên tục mở được nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại trường và các lớp ở các tỉnh, thành phố và các bộ ngành theo yêu cầu các đơn vị. Với sự nhiệt tình công tác có hiệu quả và tinh thần đoàn kết của đội ngũ giảng viên và cán bộ nhân viên trong Trường nên từ năm 1996 và nhiều năm sau đều được Tổng Thanh tra Nhà nước ghi nhận và tặng bằng khen. Đặc biệt năm 1997 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Trường, Trường đã vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3. Với kết quả đạt được một vấn đề đặt ra từ Ban giám hiệu và đội ngũ cán bộ công nhân viên của trường là cần phải nâng cấp Trường cả về cơ sở vật chất cũng như việc đào tạo. Trường đã tổ chức một cuộc họp có nhiều vụ trưởng trong Bộ giáo dục &Đào tạo và đại diện thanh tra Nhà nước đã đi đến kết luận: Trường cần nâng cấp cơ sở vật chất bao gồm việc mở rộng và xây dựng nhiều phòng học, hội trường và tăng thêm số lượng giảng viên, mới có thể đáp ứng được yêu cầu nâng cấp trường thành hệ đào tạo mới thành một trường Cao đẳng hoặc Đại học Thanh tra. Với tinh thần đó qua nhiều ngày đêm trăn trở, Ban giám hiệu Nhà trường cùng đội ngũ giảng viên, cán bộ công nhân viên của trường lúc bấy giờ đã quyếtđịnh phải xin đất để mở rộng trường là yêu cầu bức thiết của trường, vì lẽ đó trường đã có văn bản chính thức gửi Uỷ ban nhân dân xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm và Thành phố Hà Nội xin cấp đất để xây dựng trường mới.
Tôi còn nhớ cuộc họp đầu tiên vào hồi 14h30 ngày 27 – 02 – 1998, lãnh đạo Trường Cán bộ Thanh tra đã họp với Uỷ ban nhân dân xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Biên bản hội nghị ghi rõ:
Hồi 14h30 phút ngày 27 tháng 02 năm 1998 tại trụ sở Trường Cán bộ Thanh tra Nhà nước, Trường Cán bộ thanh tra đã họp với các đồng chí thay mặt cho Đảng uỷ, UBND, hợp tác xã nông nghiệp xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
– Trường Cán bộ Thanh tra Nhà nước:
+ Đ/c Trần Hậu Kiêm – PGS – PTS; Hiệu trưởng
+ Đ/c Tống Trần Cừ – Phó Hiệu trưởng
+ Các đồng chí đại diện cho các phòng ban của Nhà trường: Công Ngọc Hồi, Trần Đức Đại (Thư ký cuộc họp đ/c Trần Đức Đại).
– Xã Đông Ngạc
+ Đ/c Hoàng Đình Bản – Bí thư Đảng uỷ
+ Đ/c Hoàng Văn Quý – Chủ tịch xã
+ Đ/c Nguyễn Xuân Trường – Chủ nhiệm hợp tác xã
+ Đ/c Nguyễn Hữu Bân – Cán bộ địa chính
Tham gia phiên họp có đ/c Nguyễn Uy Hùng, Giám đốc dự án của Thanh tra Nhà nước.
Sau khi thảo luận tìm địa điểm mới cho Trường Cán bộ Thanh tra, hội nghị đi đến nhất trí:
1. Trường Cán bộ Thanh tra đang đóng tại xãm 3, xã Đông Ngạc: Trong quá trình hoạt động Nhà trường đã thực hiện tốt các quy định của địa phương và có đóng góp cho các phong trào của địa phương. Hiện tại nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường rất lớn.
2. Hiện tại Nhà trường gặp khó khăn:
– Trụ sở của Trường đóng trên khu đất tại xãm 3, xã Đông Ngạc không thể hợp thức hoá được.
– Nếu hợp thức được thì cũng không xây dựng nhà cao tầng được vì khu đất hiện trường đóng nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích lịch sử đình Vẽ và khu làng Cổ.
3. Hội nghị đi đến nhất trí: Đề nghị các cơ quan hữu quan của thành phố Hà Nội xem xét cấp cho Trường khu đất mới thuộc xã Đông Ngạc, theo giới thiêụ của địa phương, để Nhà trường xây Hội trường, giảng đường, khu làm việc của các phòng ban, khu nhà ở của học viên, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hội nghị kết thúc hồi 17h00 cùng ngày(1).
Sau cuộc họp nêu trên và liên tiếp trong năm 1998 trường và xã đã tổ chức nhiều cuộc họp khác để hoàn thiện hồ sơ gửi lên huyện và Thành phố và chỉ một năm sau Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 2526/QĐUB ngày 18/6/1999 cấp cho Trường Cán bộ Thanh tra 9980m2 đất và Nhà trường rất vui mừng với thành quả bước đầu để Trường có cơ sở xây trường mới và tiến hành những bước tiếp theo.
Đi đôi với việc xin đất xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường đã quan tâm đến nội dung giảng dạy bao gồm:
Pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; Vấn đề quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra; Thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra và Phương pháp tiến hành thanh tra… Đó là những nội dung nghiệp vụ chuyên ngành mang tính chất chuyên biệt bằng nhiều phương pháp nghiệp vụ riêng trong quá trình khai thác tài liệu, chứng cứ, chất vấn, bảo quản và sử dụng tài liệu để từ đó tìm ra những chứng cứ cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kết luận về một vụ việc thanh tra được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Ngoài ra, Trường còn bồi dưỡng một nội dung quan trọng khác, đó là việc xem xét và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Công việc này yêu cầu chính xác cao, bởi vậy đòi hỏi về trình độ nghiệp vụ của Cán bộ Thanh tra phải am hiểu trên nhiều lĩnh vực, từ văn bản luật pháp đến những vấn đề xã hội học, logic học và phải có tư duy phương pháp rộng mới có thể đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ được giao.
Trong nhiều năm qua, những nội dung về công tác nghiệp vụ được đúc kết, biên soạn trong nhiều tập bài giảng nghiệp vụ của Trường. Và đã được truyền thụ cho học viên. Qua thực tế đã cho kết quả khả quan, nâng cao được tay nghề cho học viên. Vì vậy học viên ra trường toả về mọi miền đất nước thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện không ít những sai phạm về quản lý nhà nước của nhiều cơ quan, đơn vị và đối tượng thanh tra, kiểm tra. Đã phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng, hoặc chi sai mục đích, nguyên tắc bằng nhiều thủ đoạn tinh vi mà nếu không có trình độ nghiệp vụ không thể phát hiện được. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, hằng năm đã thu hồi cho Nhà nước được hàng nghìn tỷ đồng, và từng bước phát hiện những kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước có hiệu quả cao.
Từ việc đúc kết những nội dung nghiệp vụ, nhiều phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ và giảng viên của Trường đã viết sách nghiệp vụ được xuất bản như: Hoạt động thanh tra nhân dân, Tâm lý học thanh tra, Chứng cứ trong thanh tra, Văn bản quản lý nhà nước trong thanh tra, Công tác kiểm tra tài chính trong doanh nghiệp… Trong số đó có cuốn sách nghiệp vụ được tái bản nhiều lần.
Công tác nghiên cứu khoa học về nghiệp vụ của trường là một nội dung quan trọng. Trường đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp trường và đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá kết quả xuất sắc, Hội đồng khoa học thanh tra Nhà nước cho phép được biên soạn thành các bài giảng nghiệp vụ đưa vào chương trình giảng dạy của trường.
Tuy nhiên, kinh nghiệp giảng dạy trong những năm gần đây cho thấy, học viên ngành thanh tra đã từng bước nâng cao trí thức về nghiệp vụ một cách toàn diện. Do vậy, đòi hỏi Nhà trường phải nghiên cứu về khoa học nghiệp vụ chuyên sâu và phải có nhiều tư liệu nghiên cứu thực tiễn phong phú mới có thể đáp ứng được. Cho nên, người giảng viên thanh tra ngoài phương pháp giảng dạy tốt còn phải nghiên cứu sâu về các tình huống cụ thể để gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, những “điểm nóng” phát sinh trong công tác quản lý nhà nước như về các mặt đất đai, bảo hiểm y tế, chế độ bồi thường trong đầu tư, xây dựng, những vấn đề tiêu cực trong giáo dục, văn hoá và đời sống xã hội.
Với những kết quả về xây dựng cơ sở vật chất của Trường và công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học như đã nêu trên đây, bước đầu đã có những kết quả đáng chú ý. Qua việc tiếp xúc với cán bộ Thanh tra nên các ngành Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Ngân hàng, Văn hoá, Giáo dục, Giao thông, Công thương… và các tỉnh thành viên được cử về trường học tập nghiệp vụ thanh tra, chúng tôi – những giảng viên giảng dạy tại trường cảm thấy tự hào với số lượng và chất lượng Nhà trường đã đạt được trong nhiều năm qua. Không thể không lưu ý đến nhiều đồng chí là cán bộ thanh tra viên ở các tỉnh miền núi xa xôi, những địa phương từ Mường La, Sơn Dương, Hát Lót đã về trường học tập, trong đó có nhiều cán bộ thanh tra viên là người dân tốc thiếu số, mới ngày hôm qua còn thấy trên trận tuyến đấu tranh chống tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương nhưng hôm nay đã có mặt tại trường miệt mài nghiên cứu nghiệp vụ thanh tra, môn học chuyên ngành mang tính khoa học phong phú và hấp dẫn. Khi trao đổi với cán bộ giảng dạy của Trường đồng chí Vũ Xuân Dũng, thanh tra viên thị xã Cam Đường, tỉnh Lào Cai tâm sự: Mới bước chân đến trường còn bỡ ngỡ không biết sẽ học môn nghiệp vụ thanh tra là học những gì, khi nghe các thầy giáo giảng dạy mới biết bài giảng nghiệp vụ thanh tra rất cần cho công tác của mình đồng chí nói: “Bây giờ suy nghĩ lại đã bao năm làm việc ở đơn vị là làm theo kinh nghiệm của những cán bộ thanh tra viên đi trước truyền cho, đến nay qua học tập mới thấy khi bước vào thanh tra một vụ việc cần có nghiệp vụ bài bản, khoa học dựa trên các văn bản pháp luật làm căn cứ. Ngoài ra, cần có sự hiểu biết rộng, nhiều kiến thức xã hội về tâm lý học, về chứng cứ trong hoạt động thanh tra, những kiến thức đó chắc chắn khi về đơn vị công tác sẽ thuận lợi hơn nhiều”.
Trong câu chuyện tâm sự với anh Lù Sinh Lền chánh thanh tra huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai nói: “Được về Trường học tập chúng tôi học tập rất chu đáo, chúng tôi có nơi ăn ở học tập đủ tiện nghi. Đặc biệt bầu không khí ở đây khá trong lành, mỗi sáng ra sân đi bách bộ một vòng quanh trường cũng thấy sự thú vị như ở chốn quê hương. Về việc tổ chức học tập của Trường không có gì đáng chê trách, các thầy giảng dạy đều say sưa, nhiệt tình, nhiều thầy giảng bài cả ngày không biết mệt mỏi. Ai bảo học môn nghiệp vụ thanh tra là khô khan, trong thực tế học viên đến trường học tập được nghe giờ giảng của các thầy cô giáo đã tiếp thu và cảm nhận các giờ học đã bổ ích và thiết thực. Các thầy cô khi giảng bài đã đề cập những nội dung nghiệp vụ cơ bản của bài giảng, đồng thời đưa ra những ví dụ minh hoạ sinh động tăng thêm tích hấp dẫn trong bài giảng đối với học viên”.
Ngoài ra, để nâng cao tính khái quát, tính thực tiễn phong phú đa dạng, lãnh đạo Trường đã mời các giảng viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong ngoài ngành, các đồng chí Lãnh đạo, các Vụ trưởng, Vụ phó, các Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ có nhiều kinh nghiệm thực tế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và quản lý nhà nước đến giảng và giải đáp những vướng mắc cho học viên.
Quá trình tổ chức và giảng dạy của Trường trong nhiều năm qua đã khẳng định Nhà trường là một địa điểm bồi dưỡng nghiệp vụ đáng tin cậy của ngành tranh tra. Chính vì lẽ đó, trong những năm gần đây các cơ quan đơn vị tranh tra của các bộ, ngành, thanh tra các tỉnh, Thành phố đã đề nghị Nhà trường tổ chức mở nhiều lớp học nghiệp vụ. Tuy nhiên, với số lượng giảng viên của Trường chưa nhiều, cơ sở vật chất còn rất hạn chế sơ với yêu cầu. Bởi vậy, việc tổ chức các lớp tại Trường còn mỏng. Để đáp ứng một phần yêu cầu trong nhiều năm qua, trường đã tổ chức các lớp theo khu vực cho cán bộ thanh tra viên liên tỉnh, các bộ ngành nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu chung trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của Trường.
Một vài suy nghĩ về hướng phát triển Trường Cán bộ Thanh tra trong những năm tới.
Nhiều năm nay đã bàn luận về hướng phát triển Trường Cán bộ Thanh tra không chỉ là trường bồi dưỡng nghiệp vụ và cần được nâng cao các hệ đào tạo đại học, trên đại học, để đáp ứng với yêu cầu của một trường duy nhất của Ngành Thanh tra. Qua các cuộc hội thảo trước đây có nhiều ý kiến phát biểu cho rằng điều đó là cần thiết nhưng muốn thực hiện được Nhà trường cần nâng cấp nhiều mặt bao gồm cơ sở vật chất của Trường, Đội ngũ cán bộ giảng viên và điều quan trọng là nội dung giảng dạy những gì, từ đó đòi hỏi mở ra những hướng phát triển mới của các môn học nghiệp vụ để có một số khoa ngành nghiệp vụ như khoa Cơ bản, Khoa Nghiệp vụ thanh tra, Khoa Chứng cứ trong hoạt động thanh tra, Khoa Đào tạo sau đại học trong hoạt động thanh tra, Khoa Giải quyết khiếu nại tố cáo, Khoa Xử lý thông tin trong hoạt động thanh tra, Khoa Văn bản pháp luật trong hoạt động thanh tra…
Trong thực tế những năm gần đây Trường đã có những bước phấn đấu và lớn lên không ngừng cả về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy tạo điều kiện cơ bản để nâng cấp trường theo hướng trở thành Học viện Thanh tra. Tuy nhiên để trở thành hiện thực Nhà trường cần có những luận chứng cụ thể cần thiết gửi đến cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ Giáo dục &Đào tạo chủ yếu các nội dung để bộ có cơ sở thẩm định bao gồm:
1. Về cơ sở vật chất hiện có tương đối ổn định, nhưng cần phát triển xây dựng mới, nhiều phòng học và hội trường, chỗ ăn ở của học viên không chỉ hàng trăm và có thể hàng nghìn học viên, sinh viên như Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh thuộc Bộ Công an. Muốn thực hiện tốt nội dung này chắc rằng phải xây thêm phòng học trên diện tích đã có và tất yếu sự phát triển trong tương lai cần đề đạt với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, xin cấp thêm đất để mở rộng diện tích mới.
2). Về đội ngũ cán bộ giảng dạy là yêu cầu cần thiết của giảng viên, bao gồm: Giảng viên trong trường và giảng viên ngoài trường. Hiện nay có một số trường mới thành lập danh sách giảng viên trong trường còn rất mỏng họ phải mời và ghi tên danh sách giảng viên ngoài trường phần đông là những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, có học hàm học vị. Đối với ngành Thanh tra đây là một thế mạnh vì trong ngành đã có những chuyên gia giỏi, có học vị Tiến sỹ, Thạc sỹ, ngoài ra có đội ngũ những giảng viên ở học viện Chính trị Hành chính Quốc gia là một trong những đơn vị chuyên ngành quản lý nhà nước, văn bản quản lý với góc độ nào đó rất gần với hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Khi xây dựng đề án Học viện Thanh tra chắc rằng phải thành lập nhiều khoa mới đi liền với đội ngũ phòng ban, bộ môn, gắn liền với nội dung nghiệp vụ chuyên ngành trong các bài giảng nghiệp vụ, hiện nay cần nâng cao sự chuyên sâu theo từng nội dung cụ thể để có dự án về chương trình nội dung bài giảng chi tiết có tính chất nâng cao tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực tế không hề đơn giản, chắc chắn cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo của nhiều nhà khoa học trong và ngoài ngành tham gia.
Trong những năm trước đây chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng mô hình Trường Cán bộ Thanh tra nâng lên Đại học hoặc Học viện Thanh tra, ý tưởng đó được Tổng thanh tra Nhà nước nay là Tổng thanh tra Chính phủ cho phép tham gia trong đoàn đi nghiên cứu tại Trung Quốc và Thuỵ Điển, chúng tôi đã đến trường Đại học Sona (Thuỵ Điển) và đến Trung Quốc nghiên cứu. Qua nghiên cứu cho thấy hai nước nêu trên công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra, họ rất chú ý đến vấn đề phương pháp giải quyết một vụ việc mà ở nước ta thường gọi là giải quyết tình huống cụ thể. Trong một sự việc sai trái của đối tượng, thanh tra có thể có nhiều phương pháp giải quyết khác nhau, nhưng phương pháp nào là phương pháp giải quyết tốt nhất. Như vậy trong quá trình giảng dạy nghiệp vụ thanh tra hiện nay của Trường đề cập đến nội dung tình huống, mặt nào đó trùng hợp với phương pháp như nghiệp vụ nước bạn đã tiến hành. Tham khảo tài liệu như các nước đã đề cập chúng ta có thể nghiên cứu để hình thành một tổ bộ môn hay có thể một khoa về phương pháp nghiệp vụ tình huống thanh tra. Trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không chỉ ở nước ta và ở Trung Quốc cũng được chú ý, chắc rằng 2 nước còn có những mặt nào đó tương đồng. Bởi vậy chương trình nghiệp vụ thanh tra của Trung Quốc họ chú ý đến nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trái lại ở nước Thuỵ Điển có rất ít đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều này cũng phù hợp bởi lẽ Thụy Điển là nước có nền kinh tế phát triển cao và họ đã trải qua 200 năm không có chiến tranh. Vì vậy đào tạo và bồi dưỡng của họ là dựa vào trường Đại học Sona có khoa nghiệp vụ thanh tra, Học tập kinh nghiệm các nước để tiếp thu những nội dung phù hợp với nước ta nhằm bổ sung kiến thức xây dựng chương trình giảng dạy cho hệ đào tạo của Học viện Thanh tra trong tương lai.
Tóm lại, thông qua yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thanh tra viên nói chung một vấn đề đặt ra cần xây dựng mô hình Trường Cán bộ Thanh tra theo hướng phát triển mới đó là Học viện Thanh tra bao gồm cả đào tạo Đại học, sau đại học, đồng thời cả bồi dưỡng nghiệp vụ, ngắn hạn, dài hạn. Để trở thành hiện thực cần xây dựng Đề án tổng hợp và được bảo vệ ở Hội đồng cấp Bộ, có thể Liên Bộ có cơ sở khoa học sẽ đi đến thành công.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)