Thực hiện quyết định điều động của Tổng Thanh tra Nhà nước, tôi về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra từ ngày 2/6/2000 và tôi cũng nhận thông báo nghỉ chế độ từ ngày 5/10/2003. Thời gian công tác ở Trường không nhiều năm bằng những người tiền nhiệm như các anh Tước, anh Quang, anh Kiêm. Song, với tôi thực sự là những năm tháng đầy ắp những kỷ niệm không bao giờ quên.
Trong hoàn cảnh Nhà trường đầy khó khăn, thiếu thốn, bản thân cùng các anh chị em trong trường đều gắng sức vượt lên trên thực tại hoàn thành nhiệm vụ nhà nước, lãnh đạo TTNN giao và cũng đã đáp ứng được yêu cầu việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của hàng nghìn cán bộ, công chức của ngành Thanh tra và của Nhà nước trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ theo quy định của Nhà nước.
Với cơ ngơi của Trường ở xãm III, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, không thể nói đó là một ngôi trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của một cơ quan ngang Bộ. Nó tạm bợ, đơn sơ, nghèo nàn. Ấy thế mà đã có hàng ngàn cán bộ ngành thanh tra khắp các vùng miền của đất nước về đây dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong đó có cả những đồng chí giữ trọng trách của ngành như Chánh, Phó Chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện, cấp bộ, cấp sở. Ai có qua đây mới thấy các đồng chí cán bộ, nhân viên của Trường nhiều năm qua chịu đựng gian khổ, khó khăn, thiếu thốn như thế nào. Tôi thực sự cảm phục các anh lãnh đạo Trường các thế hệ tiền nhiệm về sức chịu đựng, về tinh thần tận tuỵ vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thanh tra của toàn ngành trong nhiều năm qua.
Về đội ngũ cán bộ, nhân viên, giảng viên, Nhà trường có tất cả 15 người, trong đó hai Lãnh đạo Trường, một phòng Hành chính – Quản trị với 6 người, phòng Tổ chức – Giáo vụ 7 người. Số cán bộ giảng dạy có 1 Phó Giáo sư – Tiến sĩ (đồng chí Hiệu trưởng cũ), 2 Giảng viên chính, 1 Thanh tra viên chính (Phó Hiệu trưởng) còn lại là trình độ cử nhân các ngành chưa qua thực tiễn công tác thanh tra.
Những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ giảng dạy là rất đáng quan ngại. Nhưng khó khăn gấp nhiều lần và khó vượt qua nhất là nhận thức về vai trò, vị trí của Trường Cán bộ Thanh tra đối với một số người với cương vị tham mưu cho tổng TTNN. Qua một thời gian dài nhận thức của một số vị ở Vụ Tổ chức cán bộ xác định vị trí vai trò của Trường Cán bộ Thanh tra không đúng tầm của một trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ duy nhất của toàn ngành Thanh tra. Người ta luôn đặt Trường Cán bộ Thanh tra ở hàng dưới các cục, vụ, viện và các đơn vị trực thuộc TTNN. Vì thế tham mưu cho Tổng TTNN thực hiện chế độ trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng chỉ là 0,7; Phó Hiệu trưởng 0,5; các Trưởng phòng thuộc trường là 0,3.
Trước khi tôi về nhận trách nhiệm Hiệu trưởng Nhà trường thay PGS. TS Trần Hậu Kiêm được nghỉ chế độ, anh Tạ Hữu Thanh, Tổng TTNN lúc đó đã mời tôi lên 3 lần thuyết phục tôi về Trường. Tôi thấy anh Thanh nêu ra những chính kiến thể hiện quyết tâm cao xây dựng Trường Cán bộ Thanh tra thành một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành từng bước ngang tầm nhiệm vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của toàn ngành Thanh tra. Anh bảo: phải nâng tầm cơ sở Trường Cán bộ Thanh tra lên, bố trí cán bộ Lãnh đạo Nhà trường phải chọn lựa những người đã qua thực tiễn hoạt động thanh tra, lại phải có nghiệp vụ sư phạm và đã qua công tác quản lý, lãnh đạo trường học. Nghe anh nói thế, tôi đành chịu và chấp hành sự phân công của Ban Cán sự TTNN, của Tổng TTNN.
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp xúc với anh chị em trong Trường, làm việc tiếp với lãnh đạo TTNN vừa tham mưu đề xuất, vừa thỉnh thị yêu cầu, tới khoảng tháng 8/2000, tổng TTNN yêu cầu Nhà trường cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan trên TTNN triển khai ngay 3 việc trọng tâm, đột xuất:
Tiếp tục biên soạn và biên tập ngay bộ tài liệu giảng dạy nghiệp vụ nâng cao phục vụ việc thi nâng ngạch từ thanh tra viên lên thanh tra viên chính.
Cùng với Ban quản lý dự án TTNN (anh Nguyễn Văn Son làm Giám đốc) đốc thúc đơn vị thi công triển khai ngay thi công xây dựng ngôi trường mới ở xãm 6, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội – Trường hiện nay.
Kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên để tới năm 2003 nghiệm thu tiếp quản Trường mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một thời kỳ như cái mốc quan trọng, như điểm nhấn trong quá trình tồn tại và phát triển của Nhà trường.
Đương nhiên hàng năm Nhà trường vẫn phải mở các lớp nghiệp vụ cơ bản đều đặn, theo kế hoạch không dưới 1000 cán bộ, công chức của Ngành Thanh tra vẫn dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra vì theo khảo sát của Nhà trường, toàn ngành thanh tra năm 2001 có khoảng 9000 cán bộ công chức thì chỉ 46% số đó đã qua các khóa đào tạo nghiệp vụ thanh tra cơ bản. Trong khi theo quy định của pháp luật thì chỉ những người đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được cấp chứng chỉ mới được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên. Vì thế, yêu cầu được qua các lớp nghiệp vụ thanh tra do Nhà trường mở là rất bức xúc, là nguyện vọng thiết tha chính đáng của hàng ngàn cán bộ, công chức toàn ngành; là trách nhiệm của lãnh đạo TTNN, trong đó trực tiếp là trách nhiệm của Nhà trường.
Về những công việc trọng tâm, đột xuất do Tổng TTNN giao, phải khẳng định rằng, đó là những việc khó, thậm chí cực kỳ khó, đòi hỏi có quá trình, có thời gian, trí tuệ và trách nhiệm cao của cả lãnh đạo TTNN và anh chị em cán bộ, viên chức Nhà trường.
1. Trước hết là tập trung vào việc xây dựng chương trình biên soạn tiếp một số chuyên đề và biên tập hoàn chỉnh giáo trình nghiệp vụ nâng cao phục vụ thi nâng ngạch từ thanh tra viên (TTV) lên thanh tra viên chính (TTVC). Được sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Tổng TTNN, sự phối hợp tốt giữa Nhà trường, với các Vụ, đơn vị thuộc TTNN nên chỉ sau một thời gian tập hợp các tác giả, cộng tác viên, cán bộ giáo viên nhà trường tới hết quý III của năm 2000 các bản thảo của tài liệu giảng dạy nghiệp vụ nâng cao đã tập hợp đầy đủ và biên tập hệ thống theo trình tự logic và TTNN đã lập Hội đồng khoa học cấp Bộ nghiệm thu để chuẩn bị mở lớp vào ngay cuối năm 2000. Việc chiêu sinh, mở lớp do Vụ Tổ chức cán bộ đối chiếu tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi danh sách về TTNN. Lãnh đạo TTNN duyệt danh sách và Nhà trường tổ chức triển khai mở lớp. Kết quả là sau 1 tháng học tập nâng cao nghiệp vụ (tại cơ sở cũ của trường ở xóm III Đông Ngạc), cả 43 công chức toàn ngành thanh tra trên phạm vi cả nước về dự đều đạt kết quả được cấp chứng chỉ của Trường và tham dự kỳ thi nâng ngạch từ TTV lên TTVC đạt như mong muốn. Đây là lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao đầu tiên của Trường kết hợp với thi nâng ngạch, nên đa số là những cán bộ công chức đã qua công tác quản lý, nhiều đồng chí đã kinh qua các cương vị lãnh đạo, quản lý ở nhiều ngành, lĩnh vực được điều động về ngành thanh tra, nên kỷ luật học tập nghiêm túc, tự giác, và thể hiện ý thức tự nghiên cứu, tự nâng cao kiến thức rất cao. Các cán bộ lên bục giảng đều là những đồng chí giàu kinh nghiệm trong nghiệp vụ thanh tra, xét khiếu tố và quản lý điều hành ở các trường bạn, các vụ, viện, đơn vị TTNN và của Trường. Những năm sau, cứ cuối năm mở hai lớp, hai kỳ thi nâng ngạch TTV lên TTVC đều đặn, chưa có Trường mới thì đi thuê địa điểm, với các tỉnh phía Nam mở lớp ở 496 Nguyễn Đình Chiểu – TP Hồ Chí Minh.
Hoàn tất được hệ thống bài giảng phần nghiệp vụ nâng cao đối với 7 chuyên đề, phục vụ kịp thời cho việc tổ chức thi nâng ngạch Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính thực sự là cố gắng rất đáng khích lệ của số cán bộ, công chức, nhân viên Nhà trường, các tác giả và những cộng tác viên tâm huyết. Với vai trò chủ biên, tôi tỏ lòng biết ơn các anh lãnh đạo tiền nhiệm của Trường qua các thế hệ và đặc biệt người Hiệu trưởng liền kề trước tôi là PGS. TS – nhà giáo ưu tú Trần Hậu Kiêm. Có được giáo trình nghiệp vụ công tác thanh tra – chương trình cơ bản mới có giáo trình nghiệp vụ công tác thanh tra nâng cao. Vì lẽ đơn giản có “cơ bản” mới có “nâng cao”. Tôi cảm ơn tập thể tác giả gồm các đồng chí: PGS.TS Trần Hậu Kiêm – Nguyên Hiệu trưởng, Vũ Như Ngô – Nguyên Vụ trưởng TTNN, Trần Đức Lượng – Vụ trưởng Vụ II (nay là Phó tổng TTNN), Mai Trung Sơn – Quyền Vụ trưởng vụ pháp chế TTNN, Chu Minh Hảo – Trưởng phòng Trường cán bộ TT đồng thời là thư ký biên tập, Tiến sỹ Ngô Mạnh Toan nay là Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra. Trần Đức Đại – GVC Chính trường Cán bộ Thanh tra. Có được hệ thống bài giảng bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chính là kết quả của một quá trình đầu tư trí tuệ tích luỹ nhiều năm, có kế thừa, phát triển. Nó đánh dấu như một cái mốc trong việc thực hiện pháp lệnh công chức (9/3/1998), thực hiện nghị định 95/1999/ND-CP của Chính phủ quy định việc nâng ngạch từ TTV lên TTVC của ngành Thanh tra phải qua kỳ thi.
Sau này, sang năm 2003, phần giáo trình nghiệp vụ nâng cao được bổ sung thành 10 chuyên đề được in tại Nhà xuất bản Thống kê có sự tham gia của đồng chí Đinh Thế Nghiệp – Phó Hiệu trưởng.
Ngoài ra, Nhà trường rất chú trọng việc tu sửa, bổ sung những nội dung của hệ thống bài giảng nghiệp vụ thanh tra cơ bản, hết sức trân trọng thành quả, công sức, trí tuệ của các đồng chí đi trước. Đồng thời, đề xuất những chuyên đề mới về nghiệp vụ thanh tra, cần được nghiên cứu, biên soạn để cán bộ công chức thanh tra có tài liệu nghiên cứu, học tập và vận dụng trong thực tiễn công tác, ví dụ như: chuyên đề Thanh tra các Dự án đầu tư xây dựng cơ bản, Trường đặt bài với đồng chí Chánh Thanh tra Bộ xây dựng biên soạn; chuyên đề Thanh tra Quản lý sử dụng đất đai do Chánh thanh tra Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường biên soạn; chuyên đề Thanh tra diện rộng, các chương trình dự án quốc gia do vụ III TTNN biên soạn; chuyên đề Thực hiện các quyền trong thanh tra do đồng chí Phạm Hưng chủ biên cùng đồng chí Phạm Đăng Dũng, cán bộ nhà trường biên soạn; Tâm lý học trong thanh tra do đồng chí Phạm Hưng chủ biên cùng PGS.TS Trần Hậu Kiêm biên soạn; chuyên đề Tình huống trong thanh tra do đồng chí Đinh Thế Nghiệp nghiên cứu, được ứng dụng trong giảng dạy ở Nhà trường (đồng chí Nghiệp nay là Phó Vụ trưởng TTCP). Tất cả các tài liệu này được lưu trữ ở Trường và Viện khoa học thanh tra.
2. Triển khai thi công xây dựng ngôi trường mới.
Trước hết phải ghi nhận sự cố gắng rất lớn của PGS.TS Trần Hậu Kiêm. PHT Tống Trần Cừ, giám đốc ban quản lý dự án Nguyễn Văn Son trong việc tham mưu, lập, trình, phê duyệt dự án, trong việc tìm địa điểm và xin cấp đất làm mặt bằng xây dựng Trường. Sự chỉ đạo, sát sao, và quyết tâm cao của lãnh đạo TTNN với tư cách là chủ đầu tư, làm việc với các cơ quan hữu trách để có vốn, mặt bằng, lựa chọn nhà thầu. Với tư cách là cơ quan được thụ hưởng công trình xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay, song đồng chí Tổng thanh tra Tạ Hữu Thanh yêu cầu Nhà trường cùng với Ban quản lý Dự án tiếp cận và đôn đốc quyết liệt để nhà thầu triển khai thi công sớm với yêu cầu đảm bảo tiến độ tới năm 2003 phải hoàn thành toàn bộ công trình, đảm bảo chất lượng, để quý III năm 2003 có thể nghiệm thu, khai trương, tổ chức mở lớp tại Trường mới. Với tư cách là Hiệu trưởng Nhà trường, đã bao năm khát khao có ngôi trường mới, lại được đồng chí Tổng TTNN động viên, khích lệ cùng với mọi thủ tục đã hoàn tất, nên mặc dù cán bộ quá ít, song Nhà trường đã tích cực chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án làm việc hết sức mình để sớm động thổ, triển khai thi công. Sau hơn 2 năm, ngày 17/6/2003 Nhà trường đã tổ chức khai trương, mở lớp đầu tiên tại Trường mới ở xãm 6 xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà nội – cơ ngơi hiện nay.
Trong quá trình thi công, Nhà trường thường xuyên quan tâm, giám sát độc lập và bất ngờ đã phát hiện bên cung cấp vật liệu chuyển hàng vạn gạch chất lượng kém vào công trình, buộc phải chở đi và thay bằng gạch chất lượng. Đồng thời yêu cầu cán bộ giám sát phải thường xuyên có mặt tại hiện trường trong quá trình thi công.
Chính sự quan tâm, sâu sát và thường xuyên, kịp thời chỉ ra những sai sót trong quá trình thi công nên cán bộ giám sát thi công và bên B đã kịp thời tiếp thu, khắc phục ở từng hạng mục công trình. Vì thế không còn những vướng mắc khi công trình đưa vào sử dụng.
3. Nâng cấp Trường Cán bộ Thanh tra
Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn.Trải qua nhiều năm, Trường Cán bộ Thanh tra lúc “thăng” lúc “trầm”, có lúc tưởng như không tồn tại. Từ 20/10/1977, Trường ra đời, với bề dầy thời gian như vậy so với nhiều Trường Cán bộ thuộc các Bộ, ngành cũng đáng kính nể lắm chứ. Trong khó khăn, gian khổ, nhiều thế hệ cán bộ giảng viên, viên chức, nhân viên nhà trường đã chịu đựng, vượt qua và từng bước trưởng thành như ngày hôm nay. Điều đáng nói là chính từ nhận thức của một số người có trách nhiệm trong việc tham mưu cho lãnh đạo, có biểu hiện tư tưởng không được khoáng đạt, cố tình đặt vị trí nhà trường ở tầm dưới các cơ quan đơn vị trực thuộc TTNN. Các đồng chí Hiệu trưởng trước tôi trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, gian khổ cùng cực như vậy vẫn làm việc hết sức mình, ấy thế mà người ta vẫn chỉ đề xuất phụ cấp trách nhiệm quản lý 0,7; PHT 0,5; trưởng phòng 0,3. Với tôi, đương nhiên không thể nào khác vì tôi đang làm Vụ trưởng phụ cấp trách nhiệm lúc đó là 0,8, người ta không thể kéo xuống được. Đồng chí Tổng thanh tra Tạ Hữu Thanh đã nhiều lần chỉ đạo với tôi là: ở trên này (các vụ, đơn vị thuộc TTNN) chế độ như thế nào thì ở Trường cũng thực hiện như vậy. Vì thế, khi Tổng TTNN uỷ quyền cho tôi ký quyết định bổ nhiệm đồng chí Cống Ngọc Hồi giữ chức Quyền trưởng phòng, tại điều 2: phụ cấp trách nhiệm tôi ghi 0,4. Thế là Vụ Tổ chức cán bộ lại có công văn yêu cầu tôi sửa quyết định hạ xuống 0,3. Đương nhiên tôi lại phải làm việc với lãnh đạo TTNN. Thế rồi đến năm 2003, khi tôi đã về trường mới, yêu cầu kiện toàn bộ máy, tôi đề xuất bổ nhiệm 2 đồng chí Phó Hiệu trưởng, trong đó phần phụ cấp trách nhiệm tôi cũng đề xuất là 0,6. Vụ Tổ chức Cán bộ TTNN lại tham mưu với tổng TTNN chỉ là 0,5. Việc này khiến Tổng TTNN Quách Lê Thanh lại phải đi hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung. Những việc làm như thế, trước khi tôi đề xuất đều có nghiên cứu và tìm hiểu các Trường ở các Bộ, ngành như: Trường Cán bộ Kiểm sát, Trường Cán bộ Giao thông vận tải, Trường Cán bộ Thương mại, Trường Cán bộ quản lý giáo dục, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc, miền núi. Tất cả các trường này đều thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý 0,8 với Hiệu trưởng, 0,6 với Phó Hiệu trưởng. Có người thân tình bảo tôi: trên quyết thế nào thì chấp hành như thế. Tôi lại nghĩ khác: bản thân tôi không liên quan gì đến con số 0,6 hay 0,8 phụ cấp vì tôi đương nhiên phụ cấp trách nhiệm 0,8 rồi. Nhưng lý do gì các đồng chí của mình lại chịu thấp hơn các đồng nghiệp ở các trường bạn. Hơn nữa, đây là vị thế của Trường, không phải vì lợi ích vất chất ở sự chênh lệch số tiền phụ cấp ít ỏi đó. Nhận thức là một quá trình nhưng riêng việc này nhận thức không khoáng đạt, không đúng của một vài người tham mưu, nó gây ra những bức xúc không đáng có, nó tạo thêm việc cho lãnh đạo TTNN trong lúc còn nhiều việc khác quan trọng đang bộn bề.
Với đội ngũ cán bộ giảng dạy ở Trường, tính đến hết năm 2000, Trường vẻn vẹn có 3 Giảng viên chính, 1 PGS. TS cùng 2 lãnh đạo. Bốn người còn lại là Chuyên viên, trong đó có đồng chí hết khung lương. Tôi đề xuất để các đồng chí học nghiệp vụ nâng cao và thi nâng ngạch lên Thanh tra viên chính. Trường Cán bộ Thanh tra muốn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ thanh tra, xét khiếu tố tốt, cần có các TTVC vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn tài liệu, vừa đứng lớp giảng dạy về nghiệp vụ. Trong khi Trường là cơ quan sự nghiệp trực thuộc TTNN, chưa nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nên nếu thi giảng viên chính sẽ rất khó cho anh em. Được lãnh đạo TTNN chấp thuận. Thế là từng khoá, Trường bố trí các đồng chí đi học nghiệp vụ nâng cao, đủ các điều kiện khác dự thi nâng ngạch. Kết quả là cả 4 đồng chí đều được bổ nhiệm TTVC, vừa đúng thời điểm tôi được thông báo nghỉ chế độ hưu trí cuối năm 2003.
Ý tưởng nâng cấp Trường Cán bộ Thanh tra trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của Ngành Thanh tra luôn thường trực trong tư duy và việc làm cụ thể của tôi và đội ngũ cán bộ công chức, nhân viên Nhà trường. Ngay từ năm 2002, tôi đã đề xuất chuẩn bị từng bước, có bước đi tích cực, chủ động và thích hợp để phấn đấu nâng cấp Trường Cán bộ Thanh tra thành Học viện Thanh tra. Tôi đã thể hiện chính kiến này trong bài viết đăng trong số Tạp chí Thanh tra của năm 2002. Ý tưởng chung tôi đề cập là: Trường Cán bộ Thanh tra vừa là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, vừa nghiên cứu khoa học về Thanh tra, nâng cấp thành Học viện Thanh tra. Mô hình này phù hợp với Luật giáo dục và cũng đã có trong thực tiễn ở Việt Nam. Nếu chuyển Trường thành Trường Cao đẳng Thanh tra, chỉ đào tạo công chức loại B sẽ không đủ điều kiện bổ nhiệm vào ngạch TTV. Trong thực tiễn Trường Cao đẳng Kiểm sát của Viện Kiểm sát tối cao đã là bài học, ngành thanh tra nên tránh. Cách đây hơn một năm tôi cũng đã chuyển tới đồng chí Hiệu trưởng đương nhiệm Nguyễn Thanh Hải bản viết này. Vì thế tôi rất mừng và tin tưởng vào hiện tại và tương lai tươi sáng trong việc nâng cấp Nhà trường. Nếu có gì cần tham gia thì vẫn là: phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên xứng tầm, nên quan tâm coi trọng chất lượng đội ngũ giảng viên. Giảng viên phải vừa có nghiệp vụ thanh tra, xét khiếu tố, phòng, chống tham nhũng vừa có nghiệp vụ sư phạm, có năng lực nghiên cứu khoa học, để từng bước bổ sung làm phong phú cho chương trình, giáo trình. Hình thành một “cây chương trình” theo hướng: Nhà nước quản lý đến đâu thì cần có thanh tra, kiểm tra tương xứng, và người thi hành công vụ thanh tra phải có nghiệp vụ chuyên sâu theo các “nhánh”, các “cành” của “cây chương trình”, trong đó bao hàm cả về nghiệp vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao với ngành Thanh tra và làm phong phú thêm nội dung chương trình, tài liệu của Nhà trường. Lãnh đạo TTCP nên có cơ chế tạo điều kiện cho đôi ngũ cán bộ giảng dạy Trường Cán bộ thanh tra hiện nay và Học viện Thanh tra sau này được tiếp xúc với thực tiễn hoạt động thanh tra, xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng. Bởi lẽ đơn giản: đi dạy cho người ta biết cày thì người dạy phải là thợ cầy giỏi. Người giảng về nghiệp vụ tranh tra phải là người có nghiệp vụ thanh tra giỏi đồng thời am hiểu tương đối toàn diện chính sách, pháp luật liên quan.
Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức chính là đầu tư cho sự phát triển của ngành Thanh tra. Tôi mong được các đồng chí lãnh đạo TTCP đã quan tâm, quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cho Nhà trường cả về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và nhất là đầu tư về con người để Nhà trường từng bước có được đội ngũ cán bộ, giảng viên ngang tầm nhiệm vụ của Học viện Thanh tra trong tương lai gần.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)