TÓM TẮT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ
TÀI/ CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC
Loại đề tài: Chuyên
đề khoa học
Tên chuyên
đề: “Việc thực
hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch
trong lĩnh vực đầu tư công”.
Chủ nhiệm chuyên đề: TS.
Trần Thị Thúy
Chức vụ: Giảng viên
Địa chỉ: Khoa Quản lí
nhà nước và Phòng, chống tham nhũng – Trường Cán bộ Thanh tra.
Điện thoại: 0912058081
Cơ quan chủ trì chuyên
đề: Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan và cá nhân phối
hợp: Không
Thời gian thực hiện: 10
tháng (từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2018)
1. Mục tiêu nghiên cứu
của chuyên đề
Thứ nhất: Mục đích của chuyên đề hướng đến việc phân
tích làm rõ việc thực hiện các quy định của quy định của Luật Phòng, chống tham
nhũng về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công.
Thứ hai: Phân tích làm rõ thực trạng thực hiện các quy
định của Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong lĩnh vực
đầu tư công, trên cơ sở đó chỉ ra những vấn đề thực tiễn đang đặt ra;
Thứ ba: Trên cơ sở thực trạng thực hiện các quy định
của Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư
công và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đưa ra những đánh giá về thuận lợi,
khó khăn trong việc giảng dạy nội dung này qua thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ thanh tra viên tại Trường Cán bộ Thanh tra. Đồng thời, có những kiến
nghị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung thực hiện các quy định của
Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư
công.
2. Nội dung nghiên cứu
Thứ nhất, Nghiên cứu những vấn đề chung về công khai minh bạch trong lĩnh
vực đầu tư công theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện công khai,
minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công là hoạt động có mục đích của cơ quan, tổ
chức, đơn vị nhằm hiện thực hóa các quy định về việc công bố, cung cấp thông
tin chính thức về văn bản và chấp hành đúng quy
trình trong lĩnh vực mua sắm công, xây dựng cơ bản, quản lý đầu tư xây
dựng cơ bản, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế
hợp pháp của các chủ thể tham gia lĩnh vực đầu tư công.
Vai trò của việc thực hiện công khai, minh bạch trong
lĩnh vực đầu tư công: Giúp cơ quan nhà nước,
người có thẩm quyền kiểm soát được người có chức vụ, quyền hạn – những người có cơ hội
tham nhũng; Là căn cứ xử lý hành vi tham nhũng (nếu có); Tạo cơ sở pháp lý cho
người dân tham gia vào quản lý nhà nước thông qua việc theo dõi, giám sát sự
công khai, minh bạch này, để từ đó phát hiện hành vi tham nhũng và cung cấp
thông tin, tố cáo người thực hiện hành vi tham nhũng; Tạo cho người dân ngày có
nhiều cơ hội hơn, thực quyền hơn trong việc thụ hưởng những lợi ích từ hoạt
động đầu tư công mang đến.
Nội dung quy định pháp luật về thực hiện công khai
minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công theo Luật Phòng, chống tham nhũng, bao
gồm:
– Nguyên tắc công khai, minh
bạch trong lĩnh vực đầu tư công.
– Hình thức công khai,
minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công.
– Nội dung công khai,
minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công.
+ Nội dung công khai,
minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công.
+ Công khai, minh bạch
trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Thứ hai, Nghiên cứu Thực trạng việc thực hiện các
quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai minh bạch trong lĩnh vực
đầu tư công.
Qua tổng kết 10 năm thực
hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, các quy định về phòng, chống tham
nhũng nói chung và công khai minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng là
cần thiết và có tính khả thi. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về
công khai minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công được rà soát, điều chỉnh, bổ
sung đã đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của công tác phòng, chống tham
nhũng, như: Về công khai minh bạch chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực
hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Về công
khai minh bạch trong xác định, phê duyệt tiêu chuẩn, định mức và cân đối, bố
trí vốn, kinh phí phục vụ đầu tư công, mua sắm công; Về công khai, minh bạch
trong quản lý, sử dụng chi phí, kinh phí được giao phục vụ đầu tư và mua sắm
công; Về công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu; Về công khai, minh bạch
việc quản lý, sử dụng tài sản công được mua sắm.
Với quy định về công
khai minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công, bước đầu đã tạo ra cơ chế kiểm soát
vốn đầu tư công. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện cho thấy các quy định về
công khai minh bạch nói chung và trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng vẫn còn
nhiều hạn chế, như sau:
– Hiện nay các quy
định về quản lý tài sản Nhà nước nói riêng và tài sản công nói chung còn chồng
chéo và trùng lắp, được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn cho
các cơ quan, đơn vị trong việc thi hành.
– Ý thức về công khai
minh bạch của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động trong một số cơ
quan, đơn vị tham gia vào quá trình mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công vẫn
còn chưa cao. Việc công khai minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu vẫn còn
chưa thực hiện đầy đủ và đúng theo các quy định hiện hành.
– Quy định công khai,
minh bạch trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong Luật Quản
lý, sử dụng tài sản Nhà nước chưa cụ thể, chi tiết; quy định về việc phát hiện
các hành vi lãng phí trong mua sắm, sử dụng tài sản công chưa rõ ràng, chưa có
chế tài xử lý cụ thể.
3. Kết quả chính đạt được
Với định hướng công tác
đào tạo, bồi dưỡng trong những năm gần đây, Nhà trường luôn quan tâm đến việc
“tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng đáp ứng công tác
thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”. Vì vậy,
đào tạo, bồi dưỡng phải tập trung đầu tư có chiều sâu cả về chuyên môn nghiệp
vụ và kỹ năng, phương pháp giảng dạy nghiệp vụ thanh tra nói chung và nội dung
công khai minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng. Trên cơ sở phân tích
nêu tại phần kết luận, giảng viên xin nêu một số kiến nghị để nâng cao hơn nữa
chất lượng trong giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng nói chung và công
khai minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng, như sau:
Thứ nhất, Đối với giảng viên giảng dạy chuyên đề Luật
Phòng, chống tham nhũng: Tích cực nghiên cứu các vấn đề lí luận và thực
tiễn liên quan đến lĩnh vực đầu tư công; Thường xuyên cập nhập các văn bản chỉ
đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công; Tích cực nghiên
cứu khoa học nhằm nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề trong đầu tư công; Xây dựng
bài giảng và có kế hoạch tổ chức bài giảng hiệu quả. Đặc biệt, trong quá trình
giảng dạy, giảng viên cô đọng để người học nắm được một số sai sót trong thực
hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư công.
Thứ hai, Đối với Khoa Quản lý nhà nước và Phòng,
chống tham nhũng: Tổ chức buổi sinh hoạt
chuyên đề về lĩnh vực đầu tư công; Tổng kết thực tiễn, đặc biệt về các khía
cạnh và biểu hiện về tiêu cực, vi phạm trong lĩnh vực đầu tư công đưa vào trong
giảng dạy; Tham mưu cho Ban Giám hiệu, Hội đồng chuyên môn, Hội đồng khoa học
xây dựng tài liệu tham khảo về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư
công.
Thứ ba, Đối với Hội đồng chuyên môn: Để tổng kết
thực tiễn vào giảng dạy lý thuyết, cuối năm và 6 tháng đầu năm sau, Nhà
trường cần mời chuyên gia tại Cục phòng, chống tham nhũng; Vụ pháp chế của
Thanh tra Chính phủ; Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư … nói chuyện chuyên đề về
phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác “công khai, minh bạch về các lĩnh
vực, trong đó có đầu tư công” nói riêng sẽ đem lại cho giảng viên vốn kiến thức
thực tiễn, góp phần làm phong phú bài giảng trên lớp. Tổ chức các buổi hội thảo
về đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thứ tư, Ban Giám hiệu Trường Cán bộ Thanh tra: Nhà trường
cần có kế hoạch đổi mới khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh
tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, để thể hiện được vị thế
hàng đầu trong phạm vi cả nước về việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.
Trong đó, cần phân bổ thời lượng nhiều cho chuyên đề về Luật Phòng, chống tham
nhũng và cần tách các nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng thành nhiều chuyên
đề khác nhau. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của Bộ ngành, địa phương và đa dạng
hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường cần xây dựng chương trình bồi
dưỡng mang tính chất chuyên sâu về phòng, chống tham nhũng nói chung và “công
khai, minh bạch về trong lĩnh vực đầu tư công” nói riêng. Đặc biệt, Nhà trường
cần chuẩn bị tốt tài liệu bồi dưỡng nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng năm
2018 dưới hình phổ biến, tuyên truyền nhằm đáp ứng công tác quản lí nhà nước
của ngành Thanh tra./.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)