Nhà nước pháp quyền là
nhà nước mà ở đó công dân sống và làm việc theo pháp luật, mọi hành vi vi phạm
pháp luật cần phải được phát hiện và xử lý mà không có sự phân biệt giữa người
dân, cán bộ, công chức, viên chức. Việc xử lý hành vi vi phạm cần phải tuân thủ
theo đúng các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi
phạm. Hiện nay, pháp luật Việt Nam có hai hệ thống cơ quan chủ yếu thực hiện
việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đó là: Các cơ quan Tư pháp với các thủ
tục tư pháp; Các cơ quan hành chính nhà nước với các thủ tục hành chính.
1. Quan niệm về xử lý
tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Nhà nước pháp quyền là nhà nước
mà ở đó công dân sống và làm việc theo pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật
cần phải được phát hiện và xử lý mà không có sự phân biệt giữa người dân, cán
bộ, công chức, viên chức. Việc xử lý hành vi vi phạm cần phải tuân thủ theo
đúng các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam có hai hệ thống cơ quan chủ yếu thực hiện việc xử
lý các hành vi vi phạm pháp luật đó là: Các cơ quan Tư pháp với các thủ tục tư
pháp; Các cơ quan hành chính nhà nước với các thủ tục hành chính.
Với các vi phạm pháp luật được
xử lý bởi các cơ quan Tư pháp với thủ tục tư pháp thì đây là các hành vi vi
phạm pháp luật với tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội và phải xử lý
hình sự.
Với các vi phạm pháp luật được
xử lý bởi các cơ quan hành chính nhà nước theo thủ tục hành chính là hành vi vi phạm các quy tắc quản lý của Nhà nước
nhưng không phải là tội phạm. Tuy nhiên, có những hành vi vi phạm về quy tắc
quản lý nhà nước nhưng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng thì vẫn phải được xử
lý hình sự để đảm bảo tính răn đe.
Theo đó, Luật
Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định người có hành vi tham nhũng, người có
hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tùy theo mức độ vi
phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vi
phạm hành chính, thậm chí nếu gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường[1].
Như vậy, có
thể hiểu một cách đơn giản rằng xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật
về tham nhũng là việc cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định để xác định các
hành vi vi phạm, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật nhằm áp dụng
các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm đó.
2. Cơ sở xử
lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Mọi hành vi vi phạm pháp luật
phải được phát hiện và xử lý kịp thời, đây là một trong những yêu cầu cơ bản
của một hệ thống pháp luật hoàn thiện và có được đầy đủ sự tôn trọng, thực hiện
pháp luật một cách chính xác, thường xuyên, thống nhất bởi nhà nước và xã
hội, nhằm xây dựng một trật tự xã hội có kỷ cương, đảm bảo cho hoạt động của
toàn xã hội thống nhất, đồng bộ, vì một xã hội công bằng văn minh[2].
Do đó, có thể thấy rằng mọi hành vi tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật về
tham nhũng cần phải được phát hiện và xử lý. Do đó, để xử lý tham nhũng và hành
vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải dựa trên các căn cứ pháp
lý như sau:
Thứ nhất, phải dựa trên các quy
định của pháp luật phòng, chống tham nhũng. Có thể thấy rằng, Luật Phòng,
chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể về các hành vi tham nhũng và
hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, do đó căn cứ đầu tiên
phải xác định để xử lý các hành vi vi phạm đó là các quy định của pháp luật
phòng, chống tham nhũng
Thứ hai, phải dựa trên các quy
định của pháp luật về xử lý hình sự; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức;
xử phạt vi phạm hành chính. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng chỉ quy định
các hành vi vi phạm và việc xử lý các hành vi phạm pháp luật. Do đó, việc xử lý
hình sự, xử lý kỷ luật hay xử phạt vi phạm hành chính cần phải căn cứ vào các
quy định của pháp luật chuyên ngành, qua đó đảm bảo mọi hành vi tham nhũng,
hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải được xử lý.
Thứ ba, phải dựa trên tính
chất, mức độ của hành vi vi phạm
Mọi hành vi tham nhũng,
hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đều phải được xử lý, tuy
nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm này phải căn cứ vào tính chất, mức
độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, nó gắn liền với các hậu quả xảy ra trong thực
tiễn để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở để xác định hướng xử lý đối với các hành
vi vi phạm này. Dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, các
cơ quan có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử lý về hình sự, xử lý kỷ luật, xử
phạt vi phạm hành chính hay phải thực hiện trách nhiệm bồi thường.
Có thể thấy rằng, chủ thể
có hành vi vi tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng
chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong
đó, có cả những người giữ chức vụ, quyền hạn, do đó, việc xử lý vi
phạm cần phải có quyết tâm chính trị cao, tránh sự nể nang e dè trong việc xử
lý cán bộ. Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm của người người đứng đầu
trong việc chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính nói
chung và việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng, qua đó
đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính, các hành vi vi phạm phải được xử lý
nghiêm.
3. Kết quả xử lý tham
nhũng và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời
gian qua
Kết quả xử lý tham nhũng
Trong năm 2019 các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện và
xử lý nhiểu hành vi tham nhũng, theo đó: Cơ quan điều tra trong Công an Nhân
dân đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073
bị can phạm tội về tham nhũng; Viện Kiểm sát các cấp đã truy
tố 300 vụ/672 bị can; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát
nhân dân tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can về tội danh tham
nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý
theo thủ tục sơ thẩm 410 vụ/976 bị cáo về các tội danh tham
nhũng, đã xét xử sơ thẩm 279 vụ, 614 bị cáo. Tỷ lệ bị cáo được hưởng án treo,
cải tạo không giam giữ là 23,2%. Có 10 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù
chung thân[3].
Trong năm 2020, các cơ quan có
thẩm quyền tiếp tục phát hiện và xử lý thêm nhiều hành vi tham nhũng, cụ thể: Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân
dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng; Cơ
quan điều tra trong Quân đội Nhân dân đã khởi tố điều tra: 04 vụ/04 bị
can; Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp
thụ lý kiểm sát điều tra 845 vụ/1596 bị can. Đã giải quyết 390 vụ/827 bị
can, tỷ lệ giải quyết đạt 46,1%. Đã thụ lý giải quyết là 350 vụ/962 bị
can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can; Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với
1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng,
trong đó có 08 bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình; xét xử phúc
thẩm 158 vụ, 326 bị cáo[4].
Kết quả xử lý hành vi
vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Qua công tác thanh tra, kiểm
tra của các ngành, các cấp cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật về phòng,
chống tham nhũng được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định
của pháp luật, đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện pháp luật về phòng, chống
tham nhũng và có tính răn đe cao. Theo đó, một số hành vi vi phạm được phát
hiện và xử lý như sau[5]:
– Sai phạm trong thực hiện công
khai, minh bạch của cơ quan, đơn vị, trong năm 2019 và nâm 2020, các cơ quan có
thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra 12.002 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công
khai minh bạch, qua đó phát hiện một số cơ quan chưa thực hiện đầy đủ các quy
định về công khai, minh bạch, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh các hành vi sai
phạm này.
– Sai phạm trong việc xây dựng,
thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, trong năm 2019, năm 2020 các cơ quan có
thẩm quyền tiến hành 5061 cuộc kiểm tra, phát hiện 546 vụ việc và 639 người vi
phạm, xử lý kỷ luật 91 người, xử lý hình sự 64 người, kiến nghị thu hồi và bồi
thường 312,2 tỷ đồng.
– Sai phạm trong việc thực hiện
quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, trong năm 2019, qua xác minh phát hiện
10 trường hợp vi phạm; đã xử lý kỷ luật 08 trường hợp.
– Sai phạm trong thực hiện nộp lại quà tặng, trong năm 2019 và
năm 2020 có 09 cá nhân nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 213,8 triệu đồng;
phát hiện và xử lý 04 vụ việc nhận quà tặng không đúng quy định.
–
Sai phạm trong thực hiện quy tắc ứng xử, kiểm soát xung đột lợi ích,
trong năm 2020 các cơ quan có thẩm quyền đã
tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại
4.646 cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 192
cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề
nghiệp.Có 08 trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công
vụ được giao do có xung đột lợi ích.
4.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ
nhất,
tăng cường, đẩy mạnh công tác, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, góp phần ngăn chặn, đầy lùi,
kìm hãm các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Thứ
hai,
xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng để
đảm bảo tính răn đe.
Thứ
ba,
hàng năm, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
phòng, chống tham nhũng cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng
cường các buổi thảo luận chuyên đề về phòng, chống tham nhũng trong các phiên
họp chi bộ định kỳ hàng tháng.
Thứ
tư,
từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phòng,
chống tham tham nhũng. Hiện nay, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của công tác
phòng, chống tham nhũng càng lớn, tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, liên
quan đến người có chức vụ, quyền hạn, điều này đòi hỏi người cán bộ, công chức
làm công tác này cần phải có ý chí kiên định, lập trường chính trị vững vàng,
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ
năm, đẩy nhanh tiến độ xác minh,
điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã
phát hiện, nhất các vụ án, vụ việc nghiêm
trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử
các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo
đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tổng
kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động của Cục
Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (thuộc Bộ Công
an), Cục Phòng, chống tham nhũng (thuộc
Thanh tra Chính phủ) để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo quy
định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Nguyễn Đăng Hạnh
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Nguồn: http://issi.gov.vn
[1] Điều 92, Điều 94 Luật Phòng, chống tham
nhũng năm 2018
[2] Giáo trình lý luận về Nhà nước và Pháp
Luật. Nguyễn Minh Đoan. Trang 476
[3] Báo cáo số 488/BC-CP ngày 15/10/2019 của
Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019
[4] Báo cáo số 525/BC-CP ngày 14/10/2020 của
Chính phủ về côngtác phòng, chống tham nhũng năm 2020
[5] Báo cáo số 488/BC-CP ngày 15/10/2019 và
Báo cáo số 525/BC-CP ngày 14/10/2020 của Chính phủ về công tác phòng, chống
tham nhũng năm 2019 và 2020
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)