Kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động do Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ về tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Trong đó, việc xác minh tài sản, thu nhập là một khâu quan trọng trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập. Tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xác minh tài sản, thu nhập được hiểu:“là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm”.
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành 2018, từ năm 2020, cả nước đã triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập trên tinh thần các quy định mới và đã đạt được một số kết quả nhất định.Theo Báo cáo tổng kết 2024 của Thanh tra Chính phủ, năm 2023, kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập: 328.766 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; có 8.574 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 06 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập là 3.446 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thống kê của Thanh tra Chính phủ, sáu tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 202.826 người kê khai tài sản; 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; bốn cán bộ bị kỷ luật do kê khai không trung thực. Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác này, trong quá trình triển khai có 1.083 cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm tra về công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Thống kê này là chưa đầy đủ, bởi vẫn còn chín bộ, ngành và 42 địa phương chưa gửi báo cáo, hoặc có báo cáo những không kèm biểu mẫu, số liệu. Dù vậy, điều này cũng phản ánh phần nào kết quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập mà trọng tâm là xác minh tài sản, thu nhập – giải pháp được coi là đột phá khi sửa đổi toàn diện, ban hành mới Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tuy nhiên, cho đến nay, theo ý kiến của các địa phương, bộ ngành cho thấy, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung và xác minh tài sản, thu nhập nói riêng vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng từ Thanh tra Chính phủ đến Thanh tra các tỉnh, thành.
Tại Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập bao gồm:
Việc tiến hành xác minh tài sản, thu nhập sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây: khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; hay có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; hoặc có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên; hay có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nội dung xác minh tài sản, thu nhập và Kết luận xác minh tài sản, thu nhập bao gồm: Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Hai nội dung xác minh tài sản, thu nhập nêu trên hướng đến làm rõ quy mô của toàn bộ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, cũng như sự biến động tăng thêm của các tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong kỳ kê khai. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện: Các cơ quan tiến hành hoạt động xác minh còn gặp khó khăn trong việc thu thập đầy đủ, chính xác thông tin về tài sản, thu nhập của người được kê khai, phạm vi xác minh cũng đang áp dụng khác nhau giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Có nơi, cùng là xác minh 1 loại tài sản là quyền sử dụng đất, nhưng có cơ quan tiến hành thu thập thông tin tại 63 tỉnh thành, có cơ quan lại chỉ lựa chọn địa phương nơi vợ, chồng của cán bộ công tác hoặc có mở rộng ra đến Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, hơn thế nữa hoạt động thu thập thông tin hiện nay chủ yếu dựa vào cơ chế phối hợp với các cơ quan quản lý về tài sản khác như: Ngân hàng, cơ quan quản lý đất đai, cơ quan đăng ký tài sản,… Một số trường hợp người kê khai kê khai tài sản, thu nhập không đúng, có thể nguyên nhân do hạn chế trong nhận thức hoặc do chính cơ quan, đơn vị quản lý hướng dẫn việc kê khai không đúng, hay do người có nghĩa vụ kê khai được xác minh cố ý muốn giấu giếm tài sản, thu nhập của mình… nên Tổ xác minh khó kết luận được “Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của việc kê khai tài sản, thu nhập; Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm”. Các văn bản hiện hành không quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá việc kê khai là trung thực, đầy đủ, rõ ràng hay không trung thực, đầy đủ, rõ ràng. Dẫn đến việc áp dụng và kết luận không thống nhất giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập về tính “trung thực” của việc kê khai; điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả của công tác xác minh tài sản, thu nhập nói riêng và kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn công tác xác minh tài sản, thu nhập trong thời gian vừa qua, xin đề xuất một số quan điểm về việc xem xét, đánh giá, kết luận về mức độ trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Căn cứ vào báo cáo giải trình của đối tượng được xác minh, các thông tin, tài liệu thu thập được và căn cứ vào kết quả xác minh thực tế, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thể đánh giá, kết luận như sau:
– Kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng nếu thỏa mãn các tiêu chí:
+ Kê khai đầy đủ các nội dung của bản kê khai; các thông tin về tài sản, thu nhập kê khai rõ ràng, có tài liệu minh chứng.
+ Kết quả xác minh đúng như nội dung đã kê khai trong bản kê khai.
– Kê khai chưa đầy đủ, rõ ràng nếu kết quả xác minh cho thấy người kê khai có sự nhầm lẫn, hiểu chưa đúng về việc kê khai các nội dung trong bản kê khai. Ví dụ như: kê khai thiếu hoặc thừa tổng thu nhập giữa hai lần kê khai, khai không đủ số tiền vay, không khai rõ các thông tin về tài sản: loại xe, số chỗ ngồi, nhãn hiệu, đời xe; số lượng kim loại, đá quý; khai đứng tên hộ bố mẹ anh chị… nhưng không có tài liệu minh chứng, khai không đủ số tiền vay, vốn góp tại công ty,…
– Kê khai không trung thực nếu kết quả xác minh cho thấy một trong các dấu hiệu sau đây:
+ Cố ý che giấu, giấu giếm tài sản, thu nhập;
+ Không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập có giá trị lớn mà không thể hiện trong bản kê khai trước đó (nên định lượng giá trị lớn là bao nhiêu, có thể tham khảo mốc 300 triệu là giá trị tài sản phải kê khai bổ sung là căn cứ đánh giá);
+ Kê khai sai thông tin về tài sản, thu nhập vì động cơ cá nhân.
Theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Người ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực của Kết luận xác minh. Đây là kết luận mang tính pháp lý, để làm cơ sở xác định tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của việc kê khai tài sản, thu nhập, và giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm, để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Do vậy, việc làm rõ các tiêu chí để kết luận tính trung thực của người kê khai có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xác minh tài sản, thu nhập, nâng cao nhận thức, khắc phục tình trạng hình thức trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như trước đây.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp từ thực tiễn công tác xác minh tài sản, thu nhập trong thời gian vừa qua. Kiến nghị Thanh tra Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền, nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị./.
TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy và ThS. Trần Thị Thu Hà – Khoa Nghiệp vụ II
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)