Theo quy định tại Điều 48, Điều 55 Luật Thanh tra 2010, thì người ra quyết định thanh tra có quyền Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết. Trên thực tế, qua thanh tra trong 9 tháng đầu năm 2021 đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 216 vụ, 152 đối tượng (Theo thông cáo báo chí kết quả công tác thanh tra 9 tháng đầu năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2021 của Thanh tra Chính phủ ngày 01/11/2021). Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quyền kiến nghị này vẫn còn nhiều lúng túng trong quá trình áp dụng đặc biệt là chưa xác định được các bước phải thực hiện khi chuyển hồ sơ vụ việc, kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra nên chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt là một số tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ. Qua nghiên cứu các quy định pháp luật về việc thực hiện quyền cung cấp tin báo có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra tác giả mạnh dạn kiến nghị đề xuất các bước phải thực hiện khi chuyển hồ sơ vụ việc, kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra như sau:
Bước 1. Xác định hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Như vậy, để nhận diện một hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm hay không thì hành vi đó phải thõa mãn đủ 4 dấu hiệu sau:
– Hành vi vi phạm pháp luật đó phải có tính nguy hiểm cho xã hội;
– Hành vi vi phạm pháp luật phải được thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý (có Lỗi);
– Hành vi vi phạm pháp luật trái pháp luật hình sự;
– Hành vi vi phạm đó phải chịu hình phạt.
Nếu như, một hành vi vi phạm pháp luật không thỏa mãn dấu hiệu nêu trên thì hành vi vi phạm pháp luật đó chưa có dấu hiệu tội phạm mà có thể nó sẽ có dấu hiệu của vi phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, khi phát hiện được hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm phải xem xét thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27, 28 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bước 2. Xác định thẩm quyền chuyển hồ sơ vụ việc, kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong hoạt động thanh tra
Căn cứ vào điểm 0 khoản 1 Điều 48 và điểm n khoản 1 Điều 55 Luật Thanh tra 2010 thì người ra quyết định thanh tra có quyền chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết. Như vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra nếu thành viên Đoàn thanh tra phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm sẽ báo cáo Trưởng đoàn thanh tra, trên cơ sở đó Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bước 3. Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiến nghị khởi tố
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra (gọi là TT03) thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ việc và kiến nghị khởi tố do Cơ quan thanh tra chuyển đến.
Mặt khác, tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì thẩm quyền điều tra hình sự bao gồm: Cơ quan điều tra trong công an nhân dân; Cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương; Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Theo đó, việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:
Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự… Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực; Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Với việc quy định thẩm quyền của cơ quan điều tra dưới cách thức dẫn chiếu bằng việc quy định thẩm quyền xét xử của tòa án gây khó khăn cho việc áp dụng các quy định pháp luật một cách chính xác và hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa xác định rõ thẩm quyền điều tra thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra cùng cấp; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp ( Khoản 1, Điều 6, TT03).
Bước 4. Chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra
Trong quá trình thanh tra hoặc sau 5 ngày làm việc kể từ ngày ký kết luận thanh tra mà phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.
Hồ sơ vụ việc bao gồm: Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan thanh tra; Quyết định thanh tra; biên bản, tài liệu xác minh sự việc; báo cáo giải trình của đối tượng thanh tra; Báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra về vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm của đối tượng thanh tra; Kết luận thanh tra trong trường hợp đã kết thúc cuộc thanh tra; Tài liệu khác có liên quan; Bản kê các tài liệu trong hồ sơ. Tài liệu trong hồ sơ kiến nghị khởi tố là bản gốc, nếu tài liệu là bản sao thì có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc đóng dấu xác nhận sao y của Cơ quan thanh tra. Việc giao nhận phải lập biên bản và được tiến hành tại cơ quan điều tra hoặc cơ quan thanh tra.
Đối với vụ việc vi phạm pháp luật có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu xét thấy cần thiết thì trước khi chính thức kết luận thanh tra và kiến nghị khởi tố, Cơ quan thanh tra tổ chức họp lãnh đạo liên ngành gồm Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá những tài liệu đã thu thập được. Trường hợp liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.
Việc lựa chọn hình thức cung cấp nguồn tin tội phạm cho Cơ quan điều tra dưới dạng tin báo tội phạm hay kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm cũng là một trong những nội dung quan trọng vì vậy cần phải phân biệt hai nguồn tin này.
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm hiện hành thì: Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng còn Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Tin báo tội phạm của cá nhân, cơ quan tổ chức và kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đều là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xem xét có hay không dấu hiệu tội phạm làm cơ sở khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, giữa hai hình thức này có những điểm khác nhau: Thứ nhất, về mặt chủ thể thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền thông tin vụ việc có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền; còn chủ thể thực hiện kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có cơ quan, tổ chức; Thứ hai, về hình thức thực hiện thì việc cung cấp tin báo về hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản; còn hình thức kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải được thực hiện bằng văn bản.
Bước 5. Theo dõi vụ việc
Sau khi chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu sang cơ quan điều tra thì người ra quyết định thanh tra có quyền theo dõi vụ việc cho đến khi vụ việc kết thúc.
Khi hết thời hạn xem xét giải quyết kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không nhận được thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, thì trao đổi với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát cùng cấp để làm rõ lý do; nếu thấy cần thiết thì kiến nghị với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát cấp trên xem xét, giải quyết.
Trường hợp Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự của Viện Kiểm sát thì Cơ quan thanh tra trao đổi với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền để làm rõ lý do; nếu thấy cần thiết thì kiến nghị đến Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp. Nếu Thanh tra Chính phủ kiến nghị thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết; Thanh tra Bộ Quốc phòng kiến nghị thì Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương xem xét, giải quyết./.
ThS. Nguyễn Thị Hạnh
Giảng viên, Khoa NV1
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)