BÀN VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
TẠI CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
I. NHÌN NHẬN CHUNG VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
Vấn đề giáo đục và đào tạo nói chung, đổi mới phương pháp giảng dạy nói riêng rất được dư luận quan tâm, Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định việc đầu tư cho giáo dục cũng có nghĩa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, là đầu tư cho nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đưa nước ta thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh”. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức giữ một vị trí rất quan trọng.
Theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/3/2010 về đào tạo bồi dưỡng công chức, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, đối với các trường đào tạo, bồi dưỡng, việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong giai đoạn hiện nay là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng, là sự sống còn của mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Thực chất của đổi mới phương pháp giảng dạy là sự cải tiến hoàn thiện các phương pháp dạy học đang sử dụng để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học; là việc bổ sung phối hợp nhiều phương pháp để khắc phục mặt hạn chế của các phương pháp giảng dạy đang sử dụng nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra, đồng thời là sự thay thế phương pháp đang sử dụng bằng phương pháp giảng dạy mới tối ưu, kết hợp với việc sử dụng các phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại từ đó hình thành nên các ‘‘kiểu” dạy – học mới với mong muốn đem lại hiệu quả cao hơn. Cho dù đổi mới ở mức độ nào thì việc dạy học cũng phải hướng đến “ lấy người học làm trung tâm”. Thực hiện có hiệu quả phương châm ‘‘học đi đôi với hành”, ‘‘lý luận gắn với thực tiễn” phải khai thác tối đa kinh nghiệm của người học.
Chất lượng giảng dạy được thể hiện ở chất lượng sản phẩm đào tạo. Đánh giá chất lượng sản phẩm đào tạo thông qua khả năng của người được đào tạo, trong đó mấu chốt vẫn là năng lực tư duy sáng tạo, sử dụng kiến thức của chính người học trong thực tiễn. Người học không chỉ có khả năng tác nghiệp nghiệp vụ tốt mà còn phải có chiều sâu của phương pháp luận, chiều rộng của tri thức thực tế, năng lực nghiên cứu khoa học. Nghĩa là, không chỉ biết chiếm lĩnh tri thức mà còn phải biết đánh giá tri thức và tái tạo phát triển tri thức.
II. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY HIỆN NAY TẠI CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
1. Những thuận lợi:
– Về phía giảng viên: đa phần là giáo viên có tâm huyết và nhiệt tình cao với nghề, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng và khả năng chuyên môn sâu.
– Về phía học viên: đa phần là cán bộ được đào tạo cơ bản, có chuyên môn, sức khoẻ tốt, có khả năng nhận thức tốt, tư duy nhạy bén, thậm trí nhiều học viên có học vị cao, có nhiều bằng đại học.
– Về tài liệu giáo trình: ngày nay tài liệu học tập, tài liệu tham khảo phong phú, nhất là việc khai thác trên mạng internet.
– Về trang thiết bị phục vụ giảng dạy và một số điều kiện khác: có một số máy tính, máy chiếu projecter, bảng điện tử thông minh, phòng học và ký túc xá cho học viên đảm bảo tương đối tốt cho học viên thoái mái trong học tập và sinh hoạt.
2. Những khó khăn
– Về phía giảng viên:
+ Nhiều giảng viên còn ít tiếp cận và làm quen nhiều với phương pháp giảng dạy mới, chưa được dự những tiết giảng cụ thể theo phương pháp đổi mới, chưa có điều kiện để nghiên cứu kỹ các tình huống thực tế hay các tài liệu tham khảo để có thể vận dụng vào các bài giảng cụ thể của mình.
+ Nghiên cứu khoa học chưa thực sự trở thành phong trào và là nhu cầu tự thân của giảng viên. Mối quan hệ giữa giảng viên và cơ sở thực tế hoặc tình huống thực tế thiếu chặt chẽ nên khả năng tiếp nhận thông tin thực tiễn bị hạn chế và không có cơ hội giải quyết vấn đề thực tiễn, giáo án còn nghèo nàn và xa rời thực tiễn.
+ Việc sinh hoạt chuyên môn còn chưa được quan tâm, còn nặng về hình thức. Chưa là động lực, là môi trường để trao đổi, trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn.
+ Việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên còn bị động, thiếu lộ trình nên các cơ sở luôn trong tình trạng thiếu giảng viên cơ hữu.
+ Việc sử dụng giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức còn khó khăn về cơ chế quản lý, chế độ hoặc mức thù lao giảng dạy.
– Về phía học viên:
+ Đa số chưa có thói quen học tập độc lập, chủ động trong tiếp thu kiến thức, chưa mạnh dạn trong phát biểu xây dựng bài, nhất là khi giảng viên đưa ra bài tập tình huống thực tiễn.
+ Còn thiếu chủ động trong học tập, còn có tình trạng học đối phó, lên lớp đối phó hoặc chăm chỉ nhưng thụ động, vẫn còn nhận thức học xong để có chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về ngạch bậc công chức, viên chức.
+ Học viên còn ỷ lại vào lý do bận vừa học vừa làm, lớn tuổi… nên mong chờ thầy cô thông cảm, không tích cực trong học tập, nghiên cứu.
– Trang thiết bị phục vụ giảng dạy có nhưng còn rất hạn chế về máy tính và máy chiếu projecter, bảng điện tử, đặc biệt là máy tính xách tay.
III. GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ NHẰM ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
Mỗi giảng viên phải có khả năng làm việc cường độ cao, có tinh thần đổi mới, tiếp cận thực tế, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng mới. Giảng viên phải thành thạo trong các kỹ năng giảng dạy từ cách tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích học viên thảo luận, dẫn dắt mạch thảo luận, nhận xét, phản biện… Giảng viên phải là những chuyên gia trong lĩnh vực phụ trách, phải là những nhà nghiên cứu khoa học giỏi. Để đáp ứng yêu cầu trên cần thay đổi lại cơ chế tuyển dụng giảng viên, chú trọng nhiều hơn đến khả năng tiếp cận thực tiễn, xây
dựng chiến lược huấn luyện, thực tập thường xuyên, lâu dài, khai thác tối đa bộ phận trợ giảng. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế động viên như thêm thời gian, điểm đánh giá, tài chính,….
1. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm
Phương pháp giảng dạy “lấy người học làm trung tâm” không có nghĩa là loại trừ phương pháp thuyết giảng. Thực chất đó là sự kết hợp hài hoà nhuần nhuyễn giữa thuyết giảng và đối thoại với mục tiêu phát huy cao độ tính tích cực, năng động, độc lập, kinh nghiệm thực tiễn, sáng tạo của học viên. Với phương pháp này yêu cầu giảng viên không chỉ nắm vững những vấn đề cần trình bày mà còn phải rất năng động nhạy bén và sáng tạo ngay trong giờ giảng, trên cơ sở đó giảng viên có thể truyền thụ những vấn đề cần thiết cơ bản đến học viên.
Để có thực hiện tốt phương pháp giảng dạy này, cần:
– Ngay từ khi bắt đầu vào chuyên đề, giảng viên phải giới thiệu các tài liệu học tập đã chọn lọc theo từng vấn đề trong nội dung giảng dạy. Trên cơ sở đó, giảng viên phải nêu vấn đề, gợi mở các vấn đề để học viên tự nghiên cứu tài liệu tham khảo từ đó giúp học viên tiếp nhận kiến thức trong sự so sánh đối chiếu, tạo thuận lợi cho học viên tích lũy được vốn kiến thức đa dạng, khám phá ra những ý tưởng mới, cộng với kinh nghiệm thực tiễn góp phần rèn luyện khả năng xử lý, tiếp nhận tri thức vá phát huy tư duy sáng tạo.
– Giảng viên phải chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng nội dung thảo luận, thực hành tình huống và tăng cường các hình thức trao đổi thảo luận, thực hành tình huống. Trong quá trình thảo luận, thực hành tình huống, giảng viên không làm thay, chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học viên, giúp cho học viên tự lĩnh hội kiến thức, tự bổ sung tu duy khoa học, từ đó giúp học viên nắm bắt nội dung bài học một cách sâu sắc và đầy đủ.
– Trong điều kiện thời gian có hạn cho việc tổ chức thảo luận nhóm và học đối thoại, thực hành xử lý tình huống, giảng viên phải lựa chọn những vấn đề trọng tâm và phải xác định rõ thời lượng cho mỗi phần thảo luận, phần thực hành.
– Để cho học viên tự tin trong tham gia phát biểu thảo luận, đối thoại, thực hành tình huống, đòi hỏi giảng viên cần phải tạo cho lớp học một không khí học tập thoải mái thân thiện và không căng thẳng, mà vẫn không mất đi tính nghiêm túc của nó.
– Kết cấu chương trình phải hợp lý sao cho học viên phải có quỹ thời gian để đọc và nghiên cứu các tài liệu được giảng viên hướng dẫn.
– Lớp học phải bố trí số lượng sinh viên vừa phải. Nếu số lượng học viên qúa đông thì khó có thể giảng dạy theo phương pháp mới một cách hiệu quả được.
2. Nâng cao chất lượng giảng dạy
Chất lựợng giảng dạy có thể được đánh giá từ kết quả học tập của học viên, từ những đánh giá dành cho giảng viên, từ nhận xét của quản lý và sử dụng học viên …, cần có những tiêu chí để đánh giá chất lượng và lấy đó làm cơ sở để đánh giá chất lượng giảng dạy, ví dụ như :
– Chỉ tiêu mang tính định lượng: Dựa trên kết quả đánh giá của đồng nghiệp; Dựa trên tổng hợp ý kiến thăm dò của học viên.
– Chỉ tiêu mang tính định tính: Có phương pháp giảng dạy thích hợp với từng đối tượng học, từng chuyên đề; Đảm bảo truyền đạt những thông tin chủ yếu nhất mà chuyên đề đòi hỏi, thông tin được cung cấp có độ chính xác, lôgic, khoa học và có tính thực tiễn, có sự kết nối với các chuyên đề có liên quan.
– Giúp cho học viên nhận thức được khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào việc học các chuyên đề khác hoặc vào thực tiễn, các chuyên đề có tính nghiệp vụ có thể thao tác, xử lý, thực hành được ngay khi còn đang học.
– Phát huy được khả năng sáng tạo của học viên, hướng dẫn được cho học viên cách thức nghiên cứu vấn đề, tạo sự hứng khởi, chủ động cho học viên.
– Biết sử dụng các phương tiện trợ giảng hợp lý.
3. Sử dụng hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại
Phải chuẩn bị chu đáo và sử dụng hợp lý các phương tiện trợ giảng. Tuy nhiên không nên qúa lạm dụng có thể gây phản tác dụng. Vẫn còn tình trạng quá lạm dụng, ỷ lại phương tiện trợ giảng, không thoát ly được bài giảng, vì vậy khi các phương tiện trợ giảng bị trục trặc, không sử dụng được thì giảng viên trở thành bị động, thậm trí không thể tiếp tục giảng được nữa.
4. Chuẩn hoá hệ thống đánh giá kết quả học tập
Kết quả học tập chính là sự phản ánh sự tiếp nhận kiến thức của một học viên. Đánh giá quá trình học tập phải được thể hiện thông qua bảng điểm của học viên và hệ thống chuẩn mực dùng để xác định các điểm số đó. Vì vậy, cần phải có ngân hàng đề thi/ kiểm tra, có khung ôn tập theo chương trình của khóa học, nên chuẩn hóa về việc tổ chức hay hình thức thi/ kiểm tra đánh giá cho thực chất và phù hợp với từng đối tượng học.
TS. Trịnh Văn Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CBTT
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)