Ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ban hành đầy đủ, kịp thời các Văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC bằng việc quán triệt nhiều nội dung chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, đồng thời, ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản về công tác PCTN, TC. Qua đó, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời đến các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, các cấp, các ngành tại Vĩnh Phúc đã ban hành mới 24 văn bản để thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, sửa đổi, bổ sung 09 văn bản không còn phù hợp. UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh đã ban hành 09 văn bản mới; sửa đổi, bổ sung 36 văn bản không còn phù hợp về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực, đảm bảo việc quản lý, điều hành hoạt động được công khai, minh bạch; tạo lập kỷ cương, nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.

Việc công khai, minh bạch đã được các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện trong các lĩnh vực như: Tài chính, ngân sách; mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khoản đóng góp của nhân dân; quy trình giải quyết thủ tục hành chính; công tác tổ chức cán bộ… Việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng biết, thực hiện và giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng. Về thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, báo cáo thanh tra tỉnh cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 20 trường hợp, đảm bảo đúng quy định về đối tượng, thời gian theo quy định của Luật PCTN.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.Trong năm 2022, đã có khoảng 1,2 triệu văn bản luân chuyển đến và đi trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh. Tỷ lệ ký số văn bản trên phần mềm đạt gần 99%. Phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến iGate của tỉnh chính thức sử dụng từ ngày 01/01/2022 truy cập tại địa chỉ dichvucong.vinhphuc.gov.vn. Đến nay, đã kết nối 747 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc thực hiện các quy định về kiểm soát về tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn cũng đã được Thanh tra tỉnh triển khai nghiêm túc. Năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 71/71 đơn vị thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ 100%; Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2022 là 3.676 người/3.677 người phải kê khai; đạt tỷ lệ 99,97% số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai theo hình thức niêm yết: 1.408 bản, tỷ lệ 38,3% so với số bản đã kê khai, số bản kê khai đã công khai theo hình thức công bố tại cuộc họp là 2.268 bản, tỷ lệ 61,7% so với số bản đã kê khai. Thanh tra tỉnh đã thành lập tổ xác minh bản kê khai tài sản thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo tỷ lệ 20 % số cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Có thể thấy, Thanh tra tỉnh đã tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác PCTN, TC để Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ PCTN theo chỉ đạo của Trung ương; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập đã được thực hiện, Thanh tra tỉnh đã thành lập tổ xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; công tác thanh tra, kiểm tra việc công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật PCTN trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, nguồn vốn đầu tư đã được thực hiện. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác PCTN, TC ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Đáng chú ý, chỉ trong 3 tháng đầu năm, các cơ quan điều tra truy tố, xét xử đã phát hiện, truy tố 12 vụ việc, với 17 người. Trong đó  kỳ trước chuyển sang 08 vụ việc, khởi tố mới 04 vụ việc, 08 người liên quan đến tham nhũng. Tổng số tiền tham nhũng được phát hiện trên 6 tỷ đồng, đồng thời thu hồi số tiền tham nhũng bằng các biện pháp hành chính và tư pháp đạt hiệu quả.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của tham nhũng, xác định rõ trách nhiệm của công dân và toàn xã hội trong tham gia PCTN, TC. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác PCTN, TC, lãng phí; triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC, lãng phí. Nêu cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức PCTN, TC; chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng trong nội bộ.

Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng, kiên quyết xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các quy định về PCTN. Thực hiện tốt chế độ thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi pháp luật PCTN.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ, tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên phục vụ PCTN; thực hiện luân chuyển điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý có dư luận, có biểu hiện tham nhũng; không đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu tái cử những người bao che cho tham nhũng. Thực hiện cải cách hành chính theo mô hình “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử ”; công khai đầy đủ chính xác hoạt động của cơ quan công quyền; các chủ trương chính sách, dự án, gắn với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Rà soát các quy định hiện hành về quản lý kinh tế; kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế quản lý, nhất là các ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng phức tạp; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ về kỷ luật; tăng cường công tác xử lý, giải quyết đơn thư tố cáo về tham nhũng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, duy trì hộp thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực./.

Hà Tuấn
(Nguồn: ThanhtraVietNam)