Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được Bộ GTVT phân cấp tương đối triệt để cho địa phương; đồng thời, đã thực hiện mạnh mẽ hoạt động xã hội hóa các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe, góp phần cơ bản đáp ứng được nhu cầu học và sát hạch lái xe của người dân.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phân cấp, xã hội hóa, Bộ GTVT cũng đã thường xuyên, liên tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; triển khai dịch vụ công trực tuyến trong công tác cấp đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng; thời gian qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng như tiếp cận ý kiến của các cơ quan chức năng và dư luận xã hội, Bộ GTVT nhận thấy, một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của các Sở GTVT trên phạm vi toàn quốc; chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT theo phân cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát lái xe thuộc phạm vi quản lý.

Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được các Sở GTVT, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe triển khai thực hiện cơ bản theo quy định, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đáp ứng nhu cầu học, sát hạch để cấp GPLX.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX vẫn còn có tồn tại, thiếu sót, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, như: Sử dụng, khai thác dữ liệu DAT để quản lý, tổ chức đào tạo lái xe còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; gửi và tiếp nhận báo cáo đăng ký đào tạo lái xe chậm nhiều ngày; đào tạo không đúng nội dung, chương trình; tổ chức sát hạch chưa nghiêm túc…

Nguyên nhân của tồn tại nêu trên là do một số Sở GTVT chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý; biên chế làm công tác tham mưu, quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của nhiều địa phương còn rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ; thiết bị DAT mới được triển khai từ 15/6/2022, phần mềm DAT chưa phân loại, tổng hợp theo từng bài học thực hành lái xe để phục vụ công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe… nên còn lúng túng trong công tác quản lý, triển khai thực hiện; một số quy định pháp luật về đào tạo lái xe chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của một số cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe còn hạn chế hoặc cố tình vi phạm.

Cá nhân, tập thể liên quan bị kiểm điểm trách nhiệm, vụ việc có dấu hiệu tiêu cựcđược chuyển đến cơ quan công an

Qua kết quả kiểm tra của các Đoàn kiểm tra Bộ GTVT, để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, khắc phục các tồn tại hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục các tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm các vi phạm và thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các Sở GTVT thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến tồn tại, sai sót trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được các Đoàn kiểm tra Bộ GTVT chỉ ra để có hình thức xử lý tương xứng; báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan (nếu có). Đồng thời, Bộ GTVT cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành rà soát, tổng hợp toàn bộ dữ liệu quản lý DAT trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục, chuyển kết quả rà soát tới các Sở GTVT để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam chuyển thông tin một số cơ sở đào tạo lái xe có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.

Giải pháp nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp GPLX cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023.

Đặc biệt, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, pháp luật của nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các tồn tại, sai phạm trong công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

An Khang
(Nguồn: ThanhtraVietNam)