Quyền khiếu nại là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ, trong đó tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Ngoài ra, quyền khiếu nại còn được thể cụ thể hóa trong Luật Khiếu nại, Nghị định của Chính phủ. Khi công dân khiếu nại tới người có thẩm quyền, nếu“khiếu nại đủ điều kiện, thuộc thẩm quyền và không thuộc trường hợp luật quy định không thụ lý thì người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải giải quyết khiếu nại theo quy định. Như vậy, việc giải quyết khiếu nại hành chính vừa là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có vai trò quan trọng của cơ quan thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại. Vai trò, trách nhiệm này đã được ghi nhận trong Luật Khiếu nại năm 2011. Cụ thể Điều 25 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thẩm quyền của Chánh Thanh tra các cấp: Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi được giao.
Đồng thời, vai trò của cơ quan Thanh tra còn được thể hiện tại Điều 63 Luật Khiếu nại năm 2011: Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại trong phạm vi cả nước. Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thanh tra sở, thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quản lý công tác giải quyết khiếu nại.
Trong những năm qua, cơ quan thanh tra luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho. Cụ thể, hàng năm, thanh tra các cấp đã trực tiếp tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết rất nhiều vụ việc khiếu nại cũng như đã giúp người giải quyết khiếu nại trong việc xác minh các nội dung khiếu nại. Ngoài ra các cơ quan thanh tra cũng đã thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện quy định Luật Khiếu nại. Qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, xác minh giải quyết khiếu nại đã phát hiện những thiếu sót, yếu kém, khó khăn và vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật, từ đó có những kiến nghị sửa đổi những quy định pháp luật cho phù hợp. Đồng thời qua đó đã có những hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Cụ thể vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước được thực hiện qua những nội dung sau:
– Một là Chánh thanh tra các cấp giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết khiếu nại khi được giao nhiệm vụ.
+ Thứ nhất, cơ quan thanh tra tham mưu trong quá trình thụ lý khiếu nại
Khi công dân có đơn hoặc trực tiếp khiếu nại. Qua quá trình tiếp nhận đơn khiếu nại và tài liệu có liên quan, người giải quyết khiếu nại phải xem xét có thụ lý hay không thụ lý? Quá trình này người giải quyết khiếu nại có thể giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chuyên môn tham mưu xem xét để thụ lý hay không thụ lý. Khi được giao nhiệm vụ, cơ quan thanh tra phải kiểm tra xem khiếu nại có thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp không, có đủ các điều kiện thụ lý không, có thuộc các trường hợp luật quy định không thụ lý không? Việc kiểm tra này rất quan trọng vì nó quyết định đến việc thụ lý hay không thụ lý, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Qua quá trình khiểm tra, nếu khiếu nại đủ điều kiện cụ thể, thuộc thẩm quyền, không thuộc trường hợp các khiếu nại không được thụ lý theo Điều 11 Luật Khiếu nại thì cơ quan thanh tra tham mưu phải có đề xuất với người giải quyết khiếu nại về việc thụ lý khiếu nại trong thời hạn theo luật định.
+ Thứ hai, cơ quan thanh tra thực hiện việc kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ khi được giao nhiệm vụ xác minh
Khi các cơ quan Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện được Bộ trưởng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, cơ quan thanh tra có trách nhiệm phải xem xét, nghiên cứu hồ sơ, cử người đi xác minh, thành lập tổ xác minh để xác minh, thu thập chứng cứ làm bằng chứng minh cho việc giải quyết khiếu nại. Như vậy, khi giao cho cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ xác minh, kết quả cơ quan thanh tra phải có báo cáo kết quả xác minh đối với người giải quyết khiếu nại. Kết quả xác minh cũng là một trong những căn cứ để người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Do đó, có thể nói kết quả của quá trình xác minh, thu thập chứng cứ có đạt được kết quả tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của cơ quan thanh tra khi thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp giao nhiệm vụ.
+ Thứ ba, cơ quan thanh tra tham mưu trong hoạt động đối thoại”
Quá trình giải quyết khiếu nại hành chính thì đối thoại là một thủ tục bắt buộc với khiếu nại lần đầu nếu như kết quả xác minh và nội dung đơn là khác nhau. Đối với khiếu nại”lần hai hoặc đối thoại trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại thì đối thoại cũng là một thủ tục bắt buộc, kết quả của việc đối thoại cũng là cơ sở để xem xét, quyết định giải quyết khiếu nại.
Thực tế, số lượng các vụ việc khiếu nại hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, huyện là rất lớn. Cho nên không phải vụ việc nào Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh cũng tổ chức đối thoại được mà có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại. Còn lại Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội). Chính vì vậy, phải có bộ phận, tham mưu giúp việc trong việc tổ chức đối thoại đối với vụ việc giải quyết khiếu nại hành chính. Với“ý nghĩa quan trọng như vậy, việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính được giao cho cơ quan thanh tra tham mưu là hợp lý do cơ quan thanh tra nằm trong hệ thống hành pháp, am hiểu về lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, và xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thanh tra là thanh tra, kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước nên cơ quan thanh tra cũng nắm rõ tình hình và thực hiện được nhanh chóng và hiệu quả cao.
+ Thứ bốn, cơ quan thanh tra tham mưu cho người có thẩm quyền trong việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại”
Quyết định giải quyết khiếu nại được ban hành trên cơ sở các căn cứ pháp luật, đơn khiếu nại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại nếu có, chứng cứ cụ thể. Quyết định giải quyết khiếu nại hành chính được coi là một văn bản pháp luật cá biệt có hiệu lực buộc người khiếu nại phải chấp hành. Nội dung quyết định của quyết định giải quyết khiếu nại hành chính xác định tính hợp pháp hay không hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước”đã ban hành, đồng nghĩa với việc khiếu nại của công dân là đúng hay không đúng. Đây là việc có tính quyết định“trong quá trình giải quyết khiếu nại, đòi hỏi người ra quyết định phải xem xét tính hợp pháp và không hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính một cách chính xác thông qua kiến nghị của cơ quan thanh tra nhà nước về phương án giải quyết.
– Hai là: Cơ quan Thanh tra giúp thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp trong việc quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại hành chính. Theo quy định hiện hành, Thanh tra Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ. Thanh tra các cấp giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp quản lý công tác giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại có tác động trực tiếp đến công tác giải quyết khiếu nại, nó xuất phát từ đòi hỏi khách quan của công tác quản lý toàn diện đối với hoạt động xã hội.
Nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại gồm: soạn thảo trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật; phổ biến tuyên truyền các văn bản pháp luật về khiếu nại; thanh tra, kiểm tra các cấp các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác tiếp dân, tổng hợp tình hình về công tác giải quyết khiếu nại.
+ Thanh tra chính phủ đã giúp Chính phủ trong việc chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Khiếu nại, sửa đổi một số điều của Luật Khiếu nại để phù hợp thực tế, trên cơ sở dự thảo đó Chính phủ trình Quốc hội thông qua… Song song với quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Khiếu nại. Cụ thể là Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại; Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 thay thế Nghị định 75/2012.
Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo để các ngành, các cấp và cơ quan thanh tra trong toàn quốc triển khai thực hiện và áp dụng thống nhất và có hiệu quả cao. Cụ thể đó là các Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 Thông tư quy định về quy trình giải quyết khiếu nại hành chính; Thông tư 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 07/2013/TT-TTCP; Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 Thông tư quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh: Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 quy đình về quy trình tiếp dân. Mới đây nhất là các Thông tư 04/202/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về quy trình tiếp công dân thay thế Thông tư 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014; Thông tư 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thay thế Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 .
+ Kết quả tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân, 04 năm thi hành Luật Khiếu nại làm cơ sở đưa ra những giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại trong thời gian tới, đồng thời đề xuất Chính phủ, Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại cho phù hợp thực tiễn.
Ban hành nhiều kế hoạch, văn bản triển khai như: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo; đồng thời ban hành Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 tập trung rà soát và phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; Phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ“Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
+ Tổ chức hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền các quy định của pháp luật về khiếu nại
Trên cơ sở các quy định về khiếu nại, tố cáo, với vị trí, vai trò của mình Thanh tra Chính phủ đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại. Cụ thể như sau: Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại ngày 02/5/2012; Hội nghị tập huấn nghiệp vụ giải quyết khiếu nại hành chính theo quy định của Luật Khiếu nại 2011 ngày 20-21/11/2012; Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW.
Thanh tra Chính phủ đã xây dựng một số tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã phường, thị trấn vào năm 2014 như: Hỏi đáp pháp luật về khiếu nại; tìm hiểu pháp luật về khiếu nại; hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại.
Cụ thể từ 2012-2016 đã mở trên 35 nghìn lớp tập huấn, hội nghị phổ biến cho gần 2 triệu lượt người. Riêng năm 2016 đã mở 16.290 lớp tập huấn, hội nghị phổ biến cho 937.499 lượt người. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt và thực hiện các Đề án trong đó có Đề án 1-1133 “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã phường thị trấn”. Gắn việc tuyên truyền pháp luật với hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật cho nhân dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo [1].
Ngoài ra, Trường Cán bộ thanh tra còn thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại thông qua các bài viết nghiên cứu về khiếu nại đăng tải trên website ; Trả lời bạn đọc về những thắc mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về khiếu nại, đây cũng là những phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo có hiệu quả .
– Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại
Để thực hiện nhiệm vụ trên, các cơ quan thanh tra nhà nước phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại đáp ứng yêu cầu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, có năng lực, có trình độ chuyên môn theo đúng quy định; có kiến thức pháp lý nhất định, am hiểu hoạt động thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Vì vậy, cần có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ, công chức ngành Thanh tra đáp ứng được yêu cầu đề ra trong công tác tổ chức. Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành Thanh tra đã được Thanh tra Chính phủ đặc biệt quan tâm với số lượng lớp nghiệp vụ đào tạo tăng hơn và đa dạng hóa loại hình đào tạo, do đó chất lượng cán bộ được đào tạo nghiệp vụ được nâng lên rõ rệt. Cụ thể công tác đào tạo bồi dưỡng tăng về số lượng, chất lượng, mở rộng liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu của các ngành, địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2011-2020 Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Trường Cán bộ Thanh tra đã tổ chức 400 khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước cán bộ, công chức, viên chức về Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, xử lý đơn và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Thanh tra. Cụ thể đã cử nhiều Đoàn cán bộ ngành Thanh tra tham gia khóa đào tạo tăng cường năng lực tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp [2].
Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch thanh tra viên, đẩy mạnh cải cách hành chính, thông tin, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành và hoạt động của ngành cụ thể theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong đó Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra phải ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, phòng chống tham nhũng.
Kết quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại
Bên cạnh việc xây dựng các quy định của pháp luật, hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức thực hiện giải quyết khiếu nại ành chính thì hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo là một nội dung không thể thiếu trong quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung nhiều là trách nhiệm trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại hành chính, giải quyết tố cáo.
Kết quả cụ thể từ năm 2011-2020 Thanh tra Chính phủ đã tiến hành Thanh tra trách nhiệm 75 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng [2].
Qua công tác Thanh tra trách nhiệm, Thanh tra phủ đã phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Trong công tác tiếp dân, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ theo quy định, việc theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại chưa cập nhật đầy đủ, trong giải quyết khiếu nại, như chậm, sai sót về quy trình thủ tục, thời hạn, thời hiệu, chất lượng giải quyết hạn chế; kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, công tác lưu trữ tài liệu thiếu khoa học. Từ đó kiến nghị chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, đồng thời kiến nghị hoàn thiện cơ chế, thể chế trong giải quyết khiếu nại và xử lý những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
+ Công tác tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác giải quyết khiếu nại
Công tác tổng hợp, báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại đã được quan tâm. Các tiêu chí báo cáo rõ ràng, cụ thể hơn. Ngày 22/3/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở này các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Thanh tra các Bộ, Chánh Thanh tra các tỉnh báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tại Bộ, địa phương về Thanh tra Chính phủ.
Để thực hiện tốt vai trò trách nhiệm này, trong thời gian tới cơ quan Thanh tra cần thực hiện những giải pháp sau:
Giải pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về khiếu nại đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện. Trong đó cần phải sửa đổi Luật Khiếu nại cần tăng cường vai trò, vị trí, chức năng của thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại.
Cần phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho công chức ngành Thanh tra. Để làm được tai mắt cho Đảng, cho Chính phủ thì công chức ngành Thanh tra phải là những người có trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại, trong xử lý các vấn đề, hiểu biết khá sâu sắc về các vấn đề xã hội mà họ đang sống, am hiểu luật pháp, có đủ phẩm chất đạo đức giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách minh bạch, công tâm theo đúng pháp luật và không trái với tập quán, đạo lý truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy, công chức thanh tra phải là một điển hình về năng lực và đạo đức cách mạng, phải như cái gương cho người ta soi mặt.
ThS. Phạm Thị Hường
Giảng viên Khoa Nghiệp vụ II
Tài liệu tham khảo:
(1) Báo cáo tổng kết số 3567/BC-TTCP ngày 30/12/2016 Báo cáo tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo.
(2) Báo cáo tổng kết các năm từ 2012-2020 của Thanh tra Chính Phủ.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)