(ThanhtraVietnam) – Trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh, thanh tra đã làm tròn trách nhiệm của mình, luôn xứng đáng với truyền thống hơn 70 năm cách mạng kể từ khi được thành lập với biết bao khó khăn gian khổ.
Ban Thanh tra đặc biệt được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1945 thực sự có ý nghĩa đặc biệt tạo nền móng cho sự ra đời của ngành Thanh tra, bởi lẽ nó được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt với những nhiệm vụ quyền hạn đặc biệt, tổ chức đặc biệt và với những người có vinh dự được giao nhiệm vụ đặc biệt trong thời kỳ đó.
Khi nói đến Ban Thanh tra đặc biệt chúng ta bàn ngay đến hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó. Đó là chỉ chưa đầy hai tháng sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiênở Đông Nam Á, Ban Thanh tra đặc biệt ra đời. Với nhãn quan cách mạng sáng suốt, ngay từ đầu Hồ Chủ tịch đã thấy trước nguy cơ của căn bệnh quyền lực và cùng với việc hình thành bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương là việc hình thành cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát họat động của bộ máy chính quyền và các cán bộ công chức làm việc trong bộ máy đó để bảo đảm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, trừng trị những biểu hiện sai trái của những người lợi dụng danh nghĩa cách mạng để “mưu vinh thân, phì gia” như cách nói của Hồ Chủ tịch, lên mặt quan cách mạng ức hiếp quần chúng nhân dân. Người hiểu rằng chỉ có chăm lo củng cố để chính quyền thực sự là của dân, được dân tin yêu thì chính quyền đó mới có được sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nhu cầu về sự hiện hữu của một tổ chức và hoạt động thanh tra để kiểm soát bộ máy và giải quyết khiếu kiện của dân xuất phát từ thực tiễn khách quan đó.
Ngày 04 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ. Lần đầu tiên, Chính phủ đã nêu yêu cầu phải thành lập một tổ chức thanh tra. Trong lúc chờ đợi có một Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra, Chính phủ giao cho lãnh đạo cấp trên được quyền xử lý lỗi lầm của cấp dưới, giao cho Bộ Nội vụ lập một Uỷ ban thanh tra hành chính có nhiệm vụ điều tra công việc hành chính của các địa phương.
Trong phiên họp ngày 14 tháng 11 năm 1945, “Chính phủ thảo luận đềán thành lập Ban Thanh tra đặc biệt… mỗi khi cần Ban Thanh tra sẽ yêu cầu các Bộ cử cán bộ chuyên môn giúp. Ban Thanh tra có quyền bắt giữ cách chức hoặc giao cho Toà án đặc biệt xử những người có hành vi vi phạm.”
Ngày 21 tháng 11 năm 1945 trong phiên họp Chính phủ, nhiệm vụ của Ban thanh tra đặc biệt đã được xác định rõ hơn là “Ban Thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của cácỦy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”.
Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Hồ Chủ tịch ký hai sắc lệnh: Sắc lệnh số 63 thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính để thưc hiện chính quyền nhân dân địa phương, vừa thay mặt cho dân, và đại diện cho Chính phủ và Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Đây cũng là điều hết sức đặc biệt nhưng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên: Cùng với việc thành lập cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước thì Hồ Chủ tịch cũng đồng thời thiết lập ngay một cơ quan và cơ chế để kiểm soát việc thực hiện quyền lực đó bảo đảm cho các cơ quan nhà nước và cán bộ nhân viên nhà nước thực sự là công bộc của nhân dân. Đó là biểu hiện cụ thể nhất của một nhà nước màở đó “tất cả quyền bính là của nhân dân” như sau này quy định trang trọng ngay tại Điều 1 của Hiến pháp năm 1946.
Rõ ràng là việc hình thành cơ chế và tổ chức thanh tra nhằm kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước là vấn đề mà Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã tiên liệu từ trước nhưng việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với những quyền hạn và nhiệm vụ đặc biệt là một sự linh hoạt có tính chất sáng tạo trong bối cảnh bộ máy nhà nước ta còn hết sức sơ khai, các cơ quan nhà nước đang dần dần hình thành (Cơ quan công tố khi đó chưa được hình thành và chỉ có các thẩm phán, công tố viên trong cơ cấu của Toà án). Vì vậy ngay tại Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, Điều thứ VII cũng đã ghi rõ: “Ban Thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt do Sắc lệnh này lập ra chỉ có tính cách tạm thời”.
Như đã phân tíchở trên, Thanh tra đặc biệt có cả quyền hạn của cơ quan điều tra và công tố (nay thuộc chức năng của Viện kiểm sát nhân dân) và cũng chính trong Sắc lệnh này Toà án đặc biệt đã được thiết lập để “xử những nhân viên của Uỷ ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố”. Như vậy, có thể thấy quyền hạn của Ban Thanh tra đặc biệt là rất cụ thể và có hiệu lực thực hiện rất cao. Trên cơ sở truy tố của Ban Thanh tra, “Toà án đặc biệt có toàn quyền ấn định ấn, có thể tuyên án tử hình. Nhữngán tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ”. Chính vì có những quyền hạn đặc biệt như vậy cho nên Ban Thanh tra đặc biệt đã hoàn thành được sứ mạng của mình trong bối cảnh khó khăn của tình hình lúc đó, góp phần đưa cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên.
Việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt đã đánh dấu sự ra đời của ngành Thanh tra với tư cách là một hoạt động không thể thiếu trong hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước ta. Nhưng điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là ngay trong bản Sắc lệnh đó dù còn hết sức vắn tắt và sơ khai nhưng đã chỉ ra những định hướng quan trọng cho sự phát triển của Thanh tra Việt Nam qua việc xác định những chức năng nhiệm vụ cơ bản của thanh tra mà cho đến nay, qua hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển đã luôn được giữ vững, phát triển và thực sự đã trở thành truyền thống của Thanh tra Việt Nam. Đó là công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của bộ máy nhà nước, công tác xét giải quyết khiếu nại của dân và đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Đồng thời, qua công tác thanh tra, có những kiến nghị kịp thời để khắc phục những khiếm khuyết, từ đó không ngừng hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
1. Nhiệm vụ xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Tại Điều II Sắc lệnh “Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền: Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân”; đây là nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với tổ chức và hoạt động của thanh tra từ trước đến nay. Trong hầu hết các văn bản về công tác thanh tra từ trước đến nay đều có ghi nhận nhiệm vụ này và điều đó được tiếp tục thể hiện trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Trên thực tế, khi nói đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính không thể không nói đến vai trò và vị trí cũng như trách nhiệm của cơ quan thanh tra. Công tác giải quyết khiếu nại của dân có ý nghĩa hết sức quan trọng và được Hồ Chủ tịch thể hiện một cách cô đọng khi căn dặn cán bộ ngành Thanh tra:“Đồng bào có oanức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn…”.
2. Về công tác thanh tra
Điều 1 của Sắc lệnh đã chỉ rõ đối tượng và phạm vi tiến hành thanh tra là “tất cả các công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”. Đây thực chất là việc thanh tra, kiểm tra chấp hành chính sách pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan nhà nước và được thể hiện trong hầu hết các văn bản về tổ chức và hoạt động thanh tra, đặc biệt là trong Pháp lệnh thanh tra năm 1998 và Luật Thanh tra năm 2004. Cần nói rằng đây là nhiệm vụ có tính chất truyền thống của ngành Thanh tra. Nó chính là nhiệm vụ thanh tra hành chính được quy định trong Luật Thanh tra hiện nay vớiý nghĩa là nhằm kiểm soát bộ máy.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành phát triển trong thời gian gần đây và được ghi nhận trong Luật Thanh tra thực chất là hoạt động gần với hoạt động kiểm tra, một công việc có tính chất thường xuyên của người quản lý. Nghiên cứu về phương diện lịch sử, đã có lúc có sự phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra. Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ đầu tháng 10 năm 1949, Chính phủ cho rằng “Phân biệt công việc kiểm tra là công việc thường xuyên của những người phụ trách và công việc thanh tra có tính cách đứng trên mà xem xét công việc của một bộ phận”.
Một điều hết sức đặc biệt nữa là ngay trong bản Sắc lệnh ngắn ngủi và cô đọng đó, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của công tác thanh tra, đó là “Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan”. Quy định này thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về công tác thanh tra. Với tính chất là một cộng cụ cực kỳ quan trọng trong lãnh đạo quản lý, thanh tra vừa giúp cho các cơ quan lãnh đạo phát hiện ra những sai lầm, khuyết điểm của các đối tượng quản lý để kịp thời khắc phục vừa hướng vào việc tìm ra nguyên nhân của các sai lầm khuyết điểm đó, đặc biệt là các nguyên nhân từ bản thân cơ chế chính sách pháp luật, những sơ hở trong các quy định, những yếu kém trong các khâu lãnh đạo quản lý để kiến nghị với Đảng và Nhà nước kịp thời có các chủ trương, biện pháp và quyết sách đúng đắn đápứng yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Hồ Chủ tịchtừng nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “thanh tra là tai mắt của Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Quan điểm nêu trên về công tác thanh tra đã được thể hiện rất rõ qua tinh thần và lời văn của Luật Thanh tra năm 2004: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật”.
3. Nhiệm vụ chống tham nhũng
Có thể nói nhiệm vụ chống tham nhũng luôn gắn bó chặt chẽ với công tác thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tham nhũng là căn bệnh cố hữu của quyền lực, của bộ máy nhà nước. Tham nhũng như cách nói của Hồ Chủ tịch là bất liêm, “ham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon… cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét nhân dân, ăn của đút lót hoặc trộm của công làm của tư”.
Hồ Chủ tịch đã từng gọi tham nhũng là “kẻ thù bên trong”. Trong tác phẩm “Chống bệnh quan liêu tham ô, lãng phí” đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 31/7/1952, Người chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cốý hay không cũng là bọn đồng minh của thực dân phong kiến” “những kẻ thamô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân. Tội ấy nặng như tội việt gian, mật thám”.
Sắc lệnh đã trao cho Ban Thanh tra những quyền hạn rộng lớn để có đủ điều kiện để thực hiện chức trách của mình, đồng thời cũng thể hiện một thái độ kiên quyết đấu tranh chống kẻ tham nhũng. “Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Uỷ ban nhân dân hay Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt để xét xử… dùng mọi cách để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt… có thể truy tố cả việc đã xảy ra trước ngày ban bố Sắc lệnh này…”.
Trên thực tế nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm khắc, củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng. Nó cũng thể hiện thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước ta đối với loại tệ nạn này. Lịch sử vẫn thường nhắc lại vụán Trần Dụ Châu như một minh chứng cho sự kiên quyết của Đảng ta và Hồ Chủ tịch trong đấu tranh chống tham nhũng bảo vệ sự trong sáng của chính quyền cách mạng.
Trong quá trình nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển pháp luật về chống tham nhũng, nhiềuý kiến khẳng định rằng Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt chính là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước ta về chống tham nhũng. Chính vì vậy, khi nói đến đấu tranh chống tham nhũng, vai trò của công tác thanh tra luôn được đề cao. Trong hầu hết các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra từ trước đến nay, chống tham nhũng luôn là một trong những nhiệm vụ của ngành Thanh tra Việt Nam. Luật Thanh tra năm 2010 đã khẳng định lại một lần nữa điều này khi quy định các tổ chức thanh tra Nhà nước có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Thanh tra cũng là ngành duy nhất cho đến nay công tác chống tham nhũng được coi là một nhiệm vụ chính thức được quy định trong luật.
Tóm lại, sự thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với Sắc lệnh 64 đã đi vào lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành Thanh tra Việt Nam. Nó không những đã hoàn thành được sứ mạng lịch sử lúc đó mà còn định hướng cho sự phát triển của ngành Thanh tra Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TS. Đinh Văn Minh
Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)