Theo Đại từ điển tiếng Việt thuật ngữ “đối thoại” có hai nghĩa là: “1. Nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau. 2. Bàn bạc, thương lượng trực tiếp giữa hai hay nhiều bên với nhau để giải quyết các vấn đề tranh chấp.”
Ở khía cạnh thứ nhất, đối thoại được hiểu là những cuộc trao đổi giữa hai hay nhiều người với nhau, có thể liên quan hoặc không liên quan đến công việc. Nhưng ở khía cạnh thứ hai, đối thoại được hiểu là bàn bạc, thương lượng giữa hai hay nhiều bên với nhau để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Trong Luật Khiếu nại không đưa ra khái niệm về đối thoại. Tuy nhiên, trên cơ sở chủ thể, đối tượng, mục đích của đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính có thể hiểu:
Đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính là quá trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa người giải quyết khiếu nại với người khiếu nại, người bị khiếu nại nhằm làm rõ về nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại, giúp cho việc giải quyết khiếu nại được khách quan, công khai, dân chủ.
Đối thoại có vị trí quan trọng trong giải quyết khiếu nại hành chính, tạo sự công khai, dân chủ, khách quan trong giải quyết khiếu nại.
Thứ nhất, đối thoại giúp cho làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Mục đích quan trọng nhất của đối thoại là để làm rõ nội dung, yêu cầu của người khiếu nại và đặc biệt là hướng giải quyết. Việc đối thoại nhằm làm rõ những nội dung liên quan đến vụ việc, làm sáng tỏ sự thật khách quan thiết lập căn cứ đi đến định hướng giải quyết. Ưu thế của đối thoại là ở chỗ: Công khai, cùng xác định sự kiện từ đó tìm ra sự thật và đề xuất giải pháp giải quyết mà các bên chấp nhận được. Đặc biệt hơn, khi các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, nhiều vụ, việc không hẳn đã có căn cứ pháp lý vững chắc để giải quyết.
Thứ hai, đối thoại giúp cho việc giải quyết giải quyết khiếu nại được thấu tình, đạt lý. Hiện nay, nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại gặpkhó khăn do những bất cập về chính sách, pháp luật, về cơ chế quản lý, khác biệt về nhận thức giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước… Bởi thế giải quyết khiếu nại cần có đối thoại như một phương pháp nhằm giúp cho việc giải quyết khiếu nại được thấu tình, đạt lý. Các bên thấy rõ và cùng được tranh luận, phân tích về vụ việc và hướng giải quyết khiếu nại… Từ đó đưa đến hai bên có nhận thức đúng đắn về vụ, việc và chia sẻ, hiểu biết, thông cảm, cùng thấy những bất cập và đi đến thống nhất được về phương án giải quyết. Nếu phương án giải quyết khiếu nại được các bên nhận thức đúng và thống nhất qua đối thoại thì vụ việc khiếu nại được giải quyết triệt để, khi ban hành quyết định giải quyết các bên sẽ tự nguyện thi hành.
Từ thực tiễn các vụ, việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp những năm qua cho thấy nhiều vụ việc khiếu nại tưởng chừng như không thể giải quyết được nhưng thông qua đối thoại các vấn đề dần dần được làm sáng tỏ, các bên, nhất là người khiếu nại được giải thích cặn kẽ và thuyết phục nên từ bỏ những đòi hỏi vô lý của mình hoặc những người bị khiếu nại thấy được sai sót của mình để khắc phục sửa chữa.
Thứ ba, đối thoại giúp tăng cường tính công khai dân chủ, bảo đảm tính khách quan trong giải quyết khiếu nại. Đối thoại là việc gặp gỡ trực tiếp, là trao đổi, tranh luận công khai. Qua đối thoại, các bên có điều kiện trình bày quan điểm; những vướng mắc và những yêu cầu, đề nghị của mình. Qua đó cũng cung cấp thêm thông tin, tài liệu, phản biện, chứng minh cho các nhận định. Từ đó có các bên có hiểu biết, nhận thức toàn diện về vụ việc.
Thứ tư, đối thoại thể hiện tính dân chủ, sự gắn kết giữa Nhà nước với nhân dân. Tổ chức đối thoại tốt trong quá trình giải quyết khiếu nại là một trong những biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đề cao pháp luật, pháp chế. Khi đối thoại thông qua việc trả lời và giải thích các quy định của pháp luật, các bên tham gia đối thoại còn được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng và pháp luật nói chung, ý nghĩa này đặc biệt quan trong đối với loại hình tổ chức đối thoại có đông người tham gia. Đối thoại cũng là dịp để cán bộ, lãnh đạo các cấp thể hiện bản lĩnh và phẩm chất của mình trước các bên tham gia đối thoại.
Với các vai trò quan trọng trên, đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính cần được tăng cường, triển khai có hiệu quả để giúp cho việc giải quyết các vụ khiếu nại được nhanh chóng, kịp thời, đạt được kết quả. Để thực hiện tốt công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay, cần thực hiện các giải pháp sau:
– Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong đối thoại.
Việc tổ chức đối thoại và hiệu quả đối thoại phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của người đứng đầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại. Vì vậy, cần tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong đối thoại với người khiếu nại khi giải quyết khiếu nại hành chính. Gắn việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại với trách nhiệm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Tăng cường kiểm tra, đánh giá xem xét trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đối thoại trong giải quyết khiếu nại.
– Nâng cao nhận thức của người khiếu nại về quyền tham gia đối thoại
Để việc đối thoại đạt được kết quả thì việc tham gia tích cực của người khiếu nại cũng là một yếu tố quan trọng. Do vậy, cần nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về quyền tham gia đối thoại, quyền yêu cầu tổ chức đối thoại với người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại để trình bày quan điểm, nguyện vọng hoặc những vấn đề khác có liên quan đến nội dung khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại, qua đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
– Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại hành chính, trách nhiệm trong tổ chức đối thoại
Đối thoại trong giải quyết khiếu nại là một trong những yêu cầu đối với quá trình giải quyết khiếu nại. Nghĩa vụ, trách nhiệm tổ chức đối thoại của người giải quyết khiếu nại cần được coi là một trong những nội dung quan trọng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại. Thông qua thanh tra, kiểm tra trách nhiệm định kỳ, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra sẽ kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, coi nhẹ việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại để có các biện pháp xử lý kịp thời hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp chấn chỉnh.
– Hoàn thiện quy định của pháp luật về đối thoại
Để thực hiện thống nhất, đúng pháp luật trong việc tổ chức đối thoại, cần thiết phải ban hành quy định về quy trình tổ chức đối thoại. Thanh tra Chính phủ có thể ban hành thông tư quy định về quy trình trong tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính. Các Bộ, ngành, địa phương có thể có quy định về quy trình tổ chức đối thoại cho phù hợp.
Pháp luật cần quy định rõ việc xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm không thực hiện việc đối thoại theo quy định. Đồng thời quy định ràng buộc trách nhiệm của người khiếu nại trong việc tham gia đối thoại. Trên thực tế cho thấy nếu không giàng buộc trách nhiệm của người khiếu nại trong việc tham gia đối thoại thì việc tiến hành đối thoại khó mang lại hiệu quả. Hiện nay, có những trường hợp người khiếu nại được mời đến đối thoại nhưng không đến, không hợp tác, gây khó khăn cho việc giải quyết khiếu nại. Do vậy, trong Luật Khiếu nại cần quy định ràng buộc trách nhiệm tham gia đối thoại của người khiếu nại. Có thể quy định nếu người khiếu nại được mời đến đối thoại mà vắng mặt đến lần thứ 2 không có lý do chính đáng thì người giải quyết khiếu nại có thể đình chỉ giải quyết khiếu nại.
– Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng trong tổ chức đối thoại.
Thái độ, trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia giải quyết khiếu nại có tác động rất lớn đến hiệu quả đối thoại. Vì vậy, việc tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết khiếu nại, đặc biệt là kỹ năng trong đối thoại của người có thẩm quyền giải quyết cần được các bộ, ngành, địa phương chú trọng.
Cần tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong tiến hành đối thoại giải quyết khiếu nại hành chính. Khi các cán bộ, công chức, người giải quyết có các kỹ năng cần thiết sẽ giúp cho việc đối thoại đạt được hiệu quả cao hơn. Bên cạnh tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng trong tổ chức đối thoại cho cán bộ, công chức tham mưu trong giải quyết khiếu nại. Cần thiết có các khóa tập huấn kỹ năng chủ trì đối thoại cho người giải quyết khiếu nại. Trên cơ sở đó giúp cho người giải quyết khiếu nại nắm được thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại và các kỹ năng cần thiết trong chủ trì đối thoại.
Với chức năng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cả nước, Trường Cán bộ Thanh tra trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cũng đã cung cấp những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác giải quyết khiếu nại hành chính, trong đó có các kỹ năng trong đối thoại. Bên cạnh việc tăng cường giảng dạy các nội dung về đối thoại trong các chương trình nghiệp vụ thanh tra viên, nghiệp vụ thanh tra viên chính, Nhà trường có thể mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đặc biệt là công tác tập huấn các kỹ năng trong tổ chức đối thoại sẽ giúp cho việc giải quyết các khiếu nại hành chính được nhanh chóng, kịp thời, đạt được hiệu quả./.
ThS. Phạm Tuấn Anh
Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)