Ngày 26/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền (Quyết định 1252). Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2111/KH-UBND ngày 20/12/2019 để triển khai thực hiện Quyết định này.
Báo cáo số 330/BC-UBND ngày 12/10/2023 tổng kết thực hiện Quyết định 1252 của UBND tỉnh Quảng Bình cho thấy, qua gần 4 năm triển khai thực hiện Quyết định, các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã có sự nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn
Gần 4 năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực, cố gắng nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn liên quan đến các quyền dân sự và chính trị của cá nhân để đảm bảo quyền khiếu nại và tố cáo.
Cụ thể, UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân định kỳ theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các kênh tiếp nhận khiếu nại, tố cáo đảm bảo thuận tiện, an toàn, như: Bố trí phòng riêng với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết; phân công công chức có kinh nghiệm, có chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý đơn thư; xây dựng và triển khai thực hiện các quy chế về tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây điện thoại nóng, hòm thư góp ý, chuyên mục người dân hỏi – cơ quan chức năng trả lời…
Kết quả, năm 2020, toàn ngành Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã giải quyết được 221/237 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 93,2%.
Năm 2021, đã giải quyết 82/85 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,47%; trong đó số vụ việc giải quyết thông qua đối thoại, thuyết phục công dân tự rút đơn 48 vụ. Đồng thời, đã giải quyết 60/65 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 93,67%.
Năm 2022, đã giải quyết 73/75 đơn, vụ việc khiếu nại, đạt tỷ lệ 97,33% (trong đó có 15 vụ việc giải quyết thông qua đối thoại, thuyết phục công dân tự rút đơn); đã giải quyết 45/49 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 91,83%.
9 tháng đầu năm 2023, đã giải quyết 43/75 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 57,33%) và 44/65 đơn tố cáo (đạt tỷ lệ 67,69%).
Trợ giúp pháp lý góp phần giảm khiếu kiện vượt cấp
Bên cạnh công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, UBND Quảng Bình còn chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), đặc biệt là trợ giúp pháp lý cho các đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có nạn nhân của hành vi vi phạm quyền dân sự, chính trị.
Từ ngày 01/10/2019 – 30/06/2023, đã hoàn thành 918 vụ việc cho 918 người được TGPL. Trong đó, tư vấn pháp luật 127 vụ việc; tham gia tố tụng 753 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 38 vụ việc. Chia theo diện người được TGPL, có: 226 người có công với cách mạng; 109 người thuộc hộ nghèo; 117 người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; 68 trẻ em; 198 người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; 87 người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; 19 người cao tuổi có khó khăn về tài chính; 76 người khuyết tật có khó khăn về tài chính…
Kết quả này đã góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận công lý nói chung và quyền được TGPL nói riêng của người dân. Hoạt động TGPL đã giúp người dân tháo gỡ được các vướng mắc pháp luật trong đó có lĩnh vực như đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, hình sự… bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yêu thế trong xã hội, góp phần giảm khiếu kiện vượt cấp, ổn định trật tự và an toàn xã hội.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hầu hết các vụ việc được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên. Cùng với việc tăng số lượng vụ việc TGPL thì chất lượng dịch vụ TGPL ngày càng nâng lên rõ rệt. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện đạt hiệu quả, được đánh giá đạt chất lượng cao, nhiều vụ việc thành công.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chú trọng chỉ đạo việc kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát
Thông qua hoạt động chuyên môn của mình, các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực mình phụ trách; đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến các quyền dân sự, chính trị. Trong đó, Sở Tư pháp thanh tra, kiểm tra công tác công chứng, chứng thực, hộ tịch; Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra kiểm tra các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; Sở Công Thương kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các trường họp vi phạm.
Từ 2019 đến nay, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện 695 cuộc giám sát với nhiều nội dung cụ thể, như: Việc thực hiện chính sách tín dụng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện đảm bảo ngân sách hoạt động cho Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã theo Quyết định 43/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh; việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới, công tác cán bộ, cán bộ nữ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, giai đoạn từ 01/01/2017-30/6/2022; việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, thành lập đoàn kiểm tra công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Mỗi năm bình quân có 03 đoàn kiểm tra và mỗi đoàn kiểm tra trung bình 04 đơn vị, địa phương. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời đề nghị, hướng dẫn khắc phục những tồn tại, hạn chế của các đơn vị trong công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung, trong đó có công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về các quyền dân sự và chính trị.
Từ thực tế triển khai Quyết định số 1252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL của Trung ương, Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường hướng dẫn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cung cấp kịp thời, đầy đủ các đề cương, tài liệu giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL của các địa phương.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu để đề xuất chính sách phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL về các quyền dân sự, chính trị./.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)