MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA QUA HOẠT ĐỘNG
THANH TRA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CỦA THANH TRA
CHÍNH PHỦ NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
1. Khái quát về pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời qua
a. Quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Để thực hiện được yêu cầu này, Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước và kết quả là doanh nghiệp nhà nước đã xuất hiện dưới nhiều loại hình khác nhau như: Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là Nhà nước, công ty cổ phần có cổ phần chi phối của nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có phần vốn góp chi phối của Nhà nước, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp này, trên thực tế đã tạo thành một bộ phận vô cùng quan trong của nền kinh tế quốc dân, là lực lượng vật chất to lớn giúp Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề kinh tế – xã hội phức tạp của đất nước trong thời gian qua. Đồng thời với việc tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước ta cũng đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về các loại hình doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Như vậy, bước đầu đã thiết lập được một khung pháp lý tương đối đồng bộ theo hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước nước với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước, xác định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện các quyền và nghĩa vụ như các chủ đầu tư, chủ sở hữu vốn góp vào doanh nghiệp giống như các chủ đầu tư, chủ sở hữu vốn thuộc các thành phần kinh tế khác.
Trước ngày 01/7/2010, các công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác, Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên…
Bên cạnh khung pháp lý chung là các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành các quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn kinh tế nhà nước. Các bản điều lệ được phê duyệt này cũng được coi là một bộ phận cấu thành của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2010, các công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 đã phải chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Hậu quả là nhiều quy định trong các văn bản pháp luật nêu trên đã không còn được áp dụng nữa vì không còn đối tượng điều chỉnh là công ty nhà nước.
Hiện nay, đối với những công ty nhà nước đã chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì, công tác quản lý của chủ sở hữu nhà nước được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 25/2010/NĐ-CP. Đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thì vẫn tạm thời vận dụng một số quy định của Nghị định số 111/2007/NĐ-CP và Nghị định số 101/2009/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Văn bản số 1626/TTg-ĐMDN ngày 13/09/2010 để hướng dẫn các tập đoàn kinh tế nhà nước áp dụng quy định tại Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.
Như trên đã phân tích, việc chuyển đổi các công ty nhà nước sang hoạt động theo một môi trường pháp lý bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã dẫn đến một số bất cập trong việc điều chỉnh pháp lý đối với việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước. Các công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã không còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 09/2009/NĐ-CP, Nghị định số 132/2005/NĐ-CP… nhưng do chưa có văn bản thay thế kịp thời nên cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.
b. Quy định về pháp luật thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước
b.1. Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp . Một số nội dung chính của Nghị định này như sau:
Mục đích công tác thanh tra, kiểm tra để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả; tăng cường pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan thanh tra nhà nước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải theo đúng chức năng, thẩm quyền, thủ tục do pháp luật quy định và phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ.
Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra hoặc mua chuộc cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Doanh nghiệp có quyền từ chối việc thanh tra, kiểm tra trái quy định của pháp luật; có quyền khiếu nại các quyết định, kết luận về thanh tra, kiểm tra.
Mọi thành viên của doanh nghiệp có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của nười được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo đó.
Các khiếu nại, tố cáo về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời hạn thanh tra tại một doanh nghiệp tối đa không quá 30 ngày. Khi cần thiết, người ra quyết định thanh tra được quyền gia hạn, thời gian gia hạn không vượt quá 30 ngày.
Việc thanh tra bất thường chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp có vi phạm pháp luật.
Đoàn thanh tra phải thực hiện đúng yêu cầu, nội dung, thời hạn đã ghi trong quyết định thanh tra.
Trong quá trình thanh tra, việc áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, niêm phong tài liệu phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên chỉ làm việc với người có trách nhiệm của doanh nghiệp tại công sở hoặc trụ sở của doanh nghiệp và phải có lịch làm việc. Khi người có trách nhiệm của doanh nghiệp giải trình trực tiếp với Đoàn thanh tra thì phải có ít nhất 2 thành viên của Đoàn cùng làm việc.
Nghị định này không nêu rõ nội dung cần thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt không quy định việc phân cấp, tính chủ động trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và đơn vị chủ quản.
b.2. Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu. Nội dung chính của Nghị định này như sau:
Mục đích của giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt, phản ánh và đánh giá đúng đắn về việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu phát hiện những yếu kém trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Việc giám sát, kiểm tra, thanh tra cũng nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp khắc phục, hoàn thiện; tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích việc chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm tốt, mô hình kinh doanh có hiệu quả giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Theo Nghị định, giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật trên 6 lĩnh vực:
– Quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước; chế độ tài chính và giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.
– Tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, chính sách tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện và người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
– Quy định của pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh; quy định, quy trình về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
– Các quy định của pháp luật về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Các quy định của pháp luật khác theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định nêu rõ, quý IV hằng năm, căn cứ vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý, chủ sở hữu là Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.
Nội dung về thanh tra của kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải thống nhất với Định hướng chương trình thanh tra do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và kế hoạch thanh tra của chủ sở hữu; chủ sở hữu là doanh nghiệp cấp 1 (gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập; Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp) xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch giám sát, kiểm tra đối với các doanh nghiệp cấp 2 (gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần do các doanh nghiệp cấp 1 là chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp và nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).
Kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp và được gửi cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước có liên quan để lấy ý kiến và sau khi phê duyệt để phối hợp thực hiện.
Kế hoạch giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu là các doanh nghiệp cấp 1 phải được gửi cho Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp để lấy ý kiến và sau khi phê duyệt để phối hợp thực hiện.
2. Hoạt động thanh tra Doanh nghiệp Nhà nước của Thanh tra Chính phủ những năm gần đây.
Trong thời gian gần đây, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra công tác quản lý sử dụng vốn, tài tản tại 11 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Trong đó có 6 cuộc đã có kết luận và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Sông đà, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam). Một số Tập đoàn, Tổng công ty đã và đang kết luận, chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (như: Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt nam, Tập đoàn Dệt may …).
* Các nội dung thanh tra chủ yếu gồm:
– Thanh tra về xây dựng và ban hành các quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp.
– Thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp (gồm: Vốn đầu tư của chủ sở hữu; Vốn chủ sở hữu khác; Về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; việc hạch toán lợi nhuận chưa phân phối (lợi nhuận sau thuế))
– Thanh tra các Quỹ của doanh nghiệp (gồm: Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ dự phòng tài chính; Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu; Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Quỹ phúc lợi, khen thưởng; Quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp)
– Thanh tra việc bảo toàn và phát triển vốn
– Thanh tra các khoản nợ phải trả (gồm: Thanh tra các khoản nợ vay; Thanh tra các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước)
– Thanh tra tài sản của doanh nghiệp (gồm: các tài sản thực có tại doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng tài sản cố định; hàng tồn kho; tài sản lưu động khác; các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; các khoản phải thu …)
* Từ kết luận thanh tra tại các Tập đoàn kinh tế cho thấy:
– Một số ưu điểm, kết quả đạt được của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước
Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, thể hiện:
+ Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đóng góp một tỷ trọng lớn cho ngân sách nhà nước.
+ Quy mô hoạt động ngày càng được mở rộng và phát triển; sản xuất ra nhiều hàng hóa và tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
+ Tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động; tham gia làm tốt công tác chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
– Các khuyết điểm, sai phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra (theo số liệu các Kết luận thanh tra đã được công khai)
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện khuyết điểm, vi phạm 39.920 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi gần 4.980 tỷ đồng; kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trên 34.940 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 03 vụ việc[1].
3. Những tồn tại, bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những vấn đề đó qua hoạt động thanh tra doanh nghiệp nhà nước.
a. Những vấn đề liên quan đến các nội dung thanh tra.
– Nhiều quy định điều chỉnh việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp còn sơ sài, chưa đầy đủ, đặc biệt là đối với các tổng công ty và tập đoàn kinh tế. Hậu quả là, nhiều vấn đề phát sinh trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước này không có pháp luật để điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đến nơi đến chốn. Việc quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cho đến nay, mới có 2 văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý, giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước là Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước; Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 26/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động … của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, các quy chế này vẫn chưa quy định cụ thể, rõ ràng hơn, đặc biệt là về chế tài xử lý vi phạm, vì vậy, chưa có đủ cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu là Nhà nước trong các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trên thực tế, việc thực hiện công tác quản lý, giám sát đối với các vấn đề cụ thể như về ngành nghề kinh doanh chính, về thực hiện các nhiệm vụ mà chủ sở hữu giao cho hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, kiểm soát viên,… còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng thời, các bộ tiêu chí để đánh giá chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể, dẫn đến công ty mẹ không thực hiện đầy đủ quyền quản lý, kiểm tra, giám sát với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư ở các công ty con, công ty thành viên. Từ đó một số Tập đoàn, Tổng công ty đã có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để các công ty con, công ty thành viên đem vốn Nhà nước đi đầu tư ra ngoài ngành, đầu tư vào những lĩnh vực, dự án có nhiều rủi ro (như: tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…) dẫn đến làm ăn thua lỗ, mất vốn Nhà nước. Việc thực hiện của các bộ còn chậm và nhiều hạn chế, dẫn đến:
+ Việc xây dựng, tổng kết, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý tập đoàn chậm, không đi trước một bước, thậm chí còn chậm so với tốc độ phát triển của tập đoàn;
+ Không phân định rõ trách nhiệm quản lý của bộ ngành, không tách bạch một cách rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước; nhiều Bộ quản lý Nhà nước thực hiện một số quyền của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Tập đoàn kinh tế Nhà nước dẫn đến quá nhiều đầu mối, chồng chéo, khó phối hợp thực hiện, khó xác định được trách nhiệm và hiệu quả giám sát kém;
+ Hội đồng thành viên được giao một số quyền quyết định về kinh doanh về đầu tư khá lớn, vượt quá chức năng của một tổ chức được ủy quyền và phân cấp thực hiện nhiệm vụ đại diện quyền chủ sở hữu của Nhà nước (Ví dụ phân quyền cho Hội đồng thành viên của Tập đoàn được quyết định đầu tư dự án có giá trị lên đến 50% tổng tài sản của doanh nghiệp). Việc được giao quyền quá lớn cho Hội đồng thành viên mà không gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm, cộng với tư duy nhiệm kỳ và với sự hạn chế, bất cập về cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến một số Tập đoàn đầu tư (kể cả đầu tư ra ngoài) với số vốn quá lớn mà hiệu quả thấp, gây lãng phí vốn đầu tư, nhưng không được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.
– Nội dung của nhiều quy định còn chưa hợp lý. Chẳng hạn, Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và công khai tài chính ở doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 87/2007/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn đều giới hạn việc công khai tài chính (kết quả kiểm toán và báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp) cho các đối tượng trong nội bộ doanh nghiệp, như vậy, các bên có liên quan ở bên ngoài doanh nghiệp không thể tiếp cận các thông tin này để thực hiện quyền giám sát của mình. Rõ ràng, đây là một quy định bất hợp lý, cần phải được khắc phục.
– Vẫn còn không ít quy định có nội dung không thống nhất, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 25/2005/NĐ-CP quy định nguyên tắc Nhà nước thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn và mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Trong thực tế, điều lệ của các công ty mẹ (phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và Nghị định số 101/2009/NĐ-CP lại quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được phân công, phân cấp cho nhiều chủ thể thực hiện (như: Thủ tướng Chính phủ, bộ chức năng, bộ quản lý ngành …). Nghị định số 141/2007/NĐ-CP quy định thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc công ty mẹ hưởng chế độ lương, thưởng theo năm trong khi đó Nghị định số 101/2009/NĐ-CP lại quy định các chức danh này được hưởng chế độ lương và thưởng theo nhiệm kỳ, còn Nghị định số 25/2010/NĐ-CP lại quy định các chức danh này được hưởng chế độ tiền lương theo năm và tiền thưởng theo nhiệm kỳ. Quy định không nhất quán này không những gây khó khăn, mà còn gây ra sự tuỳ tiện trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước.
– Cơ chế quản lý đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước còn bất cập, sơ hở; nhận thức, hiểu biết pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị còn kém và chưa được quan tâm đúng mức; công tác tự kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu giám sát thường xuyên, dẫn đến: một số Tập đoàn có tỷ lệ nợ trên vốn cao, khả năng thanh toán nợ thấp, độ rủi ro cao; đầu tư dàn trải sang nhiều lĩnh vực ngoài lĩnh vực kinh doanh chính; kết quả sản xuất, kinh doanh của một số Tập đoàn chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước, trong đó có những Tập đoàn, Tổng Công ty thua lỗ lớn, sức cạnh tranh thấp…
– Tổ chức và hoạt động của các Tập đoàn kinh tế thời gian qua bộc lộ một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước có quy mô tổ chức đa dạng, nhiều tầng nấc. Công tác dự báo, giám sát, đánh giá đối với hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của mô hình này.
b. Những nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra
– Việc xử lý chồng chéo về phạm vi, nội dung, đối tượng thanh tra giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra và các cơ quan chức năng khác (như: điều tra, kiểm toán…) chưa có giải pháp hiệu quả, gây nên khó khăn cho doanh nghiệp…
– Thanh tra Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 49 đã đảm bảo tính pháp lý, tính cụ thể về nội dung thanh tra, trách nhiệm của các cơ quan trong việc chủ động thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều khoản thi hành, như: quy trình tiến hành thanh tra doanh nghiệp; các bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của doanh nghiệp theo từng mảng, lĩnh vực; các chế tài xử lý doanh nghiệp trong trường hợp không quan tâm hoặc không chấp hành các quy định về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
– Những năm qua, cơ quan Thanh tra Chính phủ đã quan tâm tuyển dụng những cán bộ thanh tra có năng lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ… tuy nhiên, trình độ chuyên môn của cán bộ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đòi hỏi, ví dụ: sử dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý tài liệu hồ sơ thanh tra; khả năng nghe, đọc ngoại ngữ để xem xét các hồ sơ, tài liệu có yếu tố nước ngoài …
– Chưa có quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan thanh tra, giám sát, điều tra các nước trên thế giới để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp nhà nước.
TS. Trịnh Văn Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường CBTT
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)