(ThanhtraVietnam) – Quy định xem xét lại việc giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật nói chung, xem xét lại Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nói riêng là một trong những cơ chế, giải pháp thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, là của dân, do dân, vì dân và thực hiện mục tiêu an dân. Tuy nhiên, việc thực hiện những nhiệm vụ này đang còn có nhiều bất cập và gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước.
Cụ thể, trong quy định tại Điều 20 Nghị định số 75/2012/ND-CP đã chứa đựng bất cập giữa nhận định đánh giá ban đầu làm cơ sở cho việc xem xét lại việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật và kết quả kiểm tra, xem xét lại vụ việc. Nhận định tại điểm 1 Điều 20 để thực hiện xem xét lại là “việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc khiếu nại” hoàn toàn khác với kết quả “Thủ tướng Chính phủ kết luận việc giải quyết khiếu nại là đúng pháp luật”. Bất cập này dẫn đến hai hệ quả. Nó tạo sự đánh giá về năng lực nhận định vụ việc của công chức nhà nước không cao, không sát với thực tế của từng vụ việc; thiếu sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong cung cấp thông tin giữa các cấp trong xử lý vụ việc khiếu nại. Từ đó vừa làm vụ việc khiếu nại kéo dài không cần thiết, vừa lãng phí thời gian, công sức để xem xét lại vụ việc. Bên cạnh đó, không loại trừ có sự “kết nối” giữa người khiếu nại với công chức nhà nước để vụ việc được đưa vào danh sách xem xét lại.
Một trong những bất cập nữa là quy định này cũng có thể tạo sơ hở để người khiếu nại thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc ý thức chấp hành không nghiêm, thậm chí cố chấp được thua, cố tình đeo bám cơ quan nhà nước, lợi dụng quyền khiếu nại – một biểu hiện rõ nét nhất của quyền dân chủ – để vụ việc khiếu nại của mình được các cơ quan Trung ương xem xét lại. Có không ít vụ việc đã được các cấp, các ngành giải quyết đúng chính sách, pháp luật, đảm bảo có lý, có tình thậm chí đã qua rà soát, xem xét lại từ chính cơ quan ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai và có thông báo chấm dứt việc xem xét nhưng khi công dân tiếp tục khiếu nại đến Trung ương dù không cung cấp được bằng chứng, tình tiết mới vẫn được xem xét. Như vậy, có thể thấy, các cơ quan nhà nước đã thiếu thống nhất trong quan điểm đánh giá, chấm dứt, từ chối không xem xét giải quyết. Điều này đã góp phần hình thành tâm lý ở người khiếu nại là cứ có khiếu nại là được xem xét lại. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không có điểm dừng trong khiếu nại và giải quyết khiếu nại; người khiếu nại vẫn cố tình không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, không tiến hành khởi kiện tại Tòa án theo quy định mà tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương và tiếp tục theo đuổi việc khiếu nại, làm vụ việc trở nên phức tạp, nếu chưa thống nhất trong cách giải quyết thì vụ việc sẽ tồn đọng, kéo dài.
Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay”. Do đó, việc xem xét lại Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện bởi trên thực tế, một khi người dân tiếp tục khiếu nại lên cấp Trung ương và được xem xét thì quyết định giải quyết khiếu nại đương nhiên cũng không thể tổ chức thi hành. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khiếu nại không có điểm dừng, vừa giảm hiệu lực pháp luật của các quyết định giải quyết khiếu nại, vừa giảm hiệu lực quản lý nhà nước và tạo tiền lệ không tốt cho hành vi không nghiêm túc chấp hành các biện pháp quản lý hành chính nhà nước của người khiếu nại.
Tuy hệ thống quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện nhưng với những vụ việc do yếu tố lịch sử để lại, trong điều kiện vụ việc được giải quyết qua nhiều thời kỳ với các chính sách, pháp luật bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ nên việc áp dụng trong thực tiễn gặp khó khăn, dẫn đến quan điểm xử lý, giải quyết khác nhau giữa cơ quan địa phương và cơ quan Trung ương khi xem xét lại Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực. Thậm chí có những trường hợp đã tổ chức thi hành xong Quyết định nên việc “lật ngược” lại vấn đề kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực.
Ở góc độ lý luận pháp luật, xét theo nghĩa rộng thì việc xem xét lại Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật cũng chính là một phương thức xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính ban đầu bị khiếu nại bởi lẽ cơ sở cho việc xem xét lại cũng là việc công dân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình và phương thức giải quyết cũng đi đến một kết quả nhất định. Thế nhưng, phương thức giải quyết này không được quy định cụ thể về trình tự thủ tục, về thời hạn, về những ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với cả người khiếu nại và người xem xét lại, người quyết định kết quả xem xét cuối cùng. Do đó, tạo sơ hở trong thực hiện.
Có thể nói “dù bất luận thế nào, việc của người dân cũng thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước sinh ra để phục vụ dân, cán bộ Đảng viên phải là công bộc của dân; người dân còn khiếu nại, cơ quan nhà nước phải giải quyết để thể hiện rõ nét nhất Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của dân” – lời của Hồ Chủ tịch. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cơ chế giải quyết này còn thể hiện sự bất cập, ai đã từng trực tiếp kinh qua công tác này đều thấy sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng phát huy, đề cao trách nhiệm của cấp thẩm quyền trong việc ban hành quyết định có hiệu lực pháp luật; cấp xem xét lại chỉ tập trung, tăng cường công tác giám sát./.
Tổng hợp
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)