Ngày 6/01/2017 Khoa Quản lí Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng tổ chức sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Nội dung cơ bản của luật tiếp công dân” do TS. Nguyễn Huy Hoàng thực hiện.
Phát biểu, thông qua nội dung chương trình, ThS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó trưởng Khoa Quản lí nhà nước và Phòng chống tham nhũng nhấn mạnh đây là buổi sinh hoạt chuyên môn đầu tiên trong năm 2017 để thực hiện kế hoạch năm của khoa. Theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng thanh tra viên mới đã được Thanh tra Chính phủ phê duyệt, khoa sẽ đảm nhiệm một số chuyên đề mới trong đó có chuyên đề “Nội dung cơ bản của luật tiếp công dân”. Đây là một chuyên đề mà quá trình giảng dạy đòi hỏi người dạy phải có trình độ lí luận, thực tiễn và có phương pháp tiếp cận thích hợp để đáp ứng yêu cầu của học viên. Để giúp giảng viên được phân công đảm nhiệm giảng dạy chuyên đề có thể hiểu hết tinh thần nội dung chuyên đề, khoa đã mời TS. Nguyễn Huy Hoàng, Hiệu phó Trường Cán bộ Thanh tra chuẩn bị. Vì vậy, ThS. Nguyễn Thị Hồng Thúy yêu cầu giảng viên trong khoa phải chú ý lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện bài giảng của mình.
Tiếp đó, TS. Nguyễn Huy Hoàng trình bày và làm rõ các vấn đề khi giảng dạy chuyên đề. Cụ thể là: (1) Yêu cầu của chuyên đề: giảng viên cần xác định được vị trí của chuyên đê trong chương trình. Đồng thời phải xác định được tâm thế của người thầy. Đây là chuyên đê giảng dạy cho đối tượng là cán bộ làm công tác thanh tra nên giảng viên không chỉ có kiến thức của người thầy mà còn phải am hiểu các kiến thức kinh tế xã hội. Thực tiễn công tác tiếp công dân cho thấy công dân khi đến trụ sở tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội và cán bộ tiếp công dân nắm vững pháp luật và am hiểu kiến thức kinh tế xã hội sẽ hướng dẫn công dân thực hiệ đúng quyền cũng như cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách. Vì vậy, người thầy phải làm rõ được vai trò, ý nghĩa của việc tiếp công dân nếu không hiểu hết vai trò, ý nghĩa đó sẽ dẫn đến những hậu quả không lường, giá trị lại thuộc về mặt tiêu cực của xã hội, lợi dụng cơ chế, chính sách để tham nhũng, lãng phí. (2) Đối tượng người học: đa dạng về trình độ, kiến thức, độ tuổi…nhưng người thầy phải tìm được mẫu số chung để người học có thể gặp nhau tại các điểm về kiến thức, kinh nghiệm…Đây là yếu tố quan trọng tác động đến sự thành công của khóa học. (3) Bài giảng: Người dạy phải xây dựng được bài giảng để áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Vì vậy vậy, bài giảng phải thể hiện được nội dung giảng dạy; cách tiếp cận vấn đề; quản lí đối tượng học. (4) Nội dung có bản của chuyên đề: gồm hai nội dung chính sau đây:
I. Khái quát chung về pháp luật tiếp công dân: khi giảng dạy nội dung này giảng viên cần phân kỳ được quá trình hình thành và phát trỉnh của luật tiếp công dân để có cái nhìn khái quát nhất về lịch sử hình thành dẫn đến sự ra đời của Luật tiếp công dân.
II. Nội dung cơ bản của pháp luật về tiếp công dân: giảng viên trình bày được nội dung cơ bản như: Khái niệm tiếp công dân; Ý nghĩa, mục đích của việc tiếp công dân; Hạn chế của luật tiếp công dân và thực tiễn thực hiện việc tiếp công dân; Trách nhiệm, ý thức của cán bộ tiếp công dân, người dân đối với công tác tiếp công dân… Với hai nội dung cơ bản này giảng viên phải nêu được vấn đề để dẫn dắt người học tư duy, trao đổi về chủ đề, như: (1) chủ trương, pháp luật về tiếp công dân; (2) vai trò, trách nhiệm của cán bộ chuyên trách tiếp công dân trong việc hỗ trợ công tác quản lí; (3) trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân trong công tác tiếp công dân; (4) tại sao luật quy định phải tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân…
Qua phần trình bày của TS. Nguyễn Huy Hoàng, cán bộ, giảng viên tập trung trao dổi về các nội dung sau:
Một là, phân định nội dung giảng dạy của chuyên đề này và chuyên đề về “quy trình, kỹ năng tiếp công dân” thuộc phần Nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Định lượng được nội dung, phạm vi, thời gian đến đâu để khi học viên học phần nghiệp vụ sẽ tiếp thu được kiến thức pháp luật tiếp công dân.
Hai là, soạn bài giảng như thế nào để đạt được trọng tâm của chuyên đề đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa luật tiếp công dân và luật khiếu nại, luật tố cáo, liên quan đến vấn đề quản lí nhà nước.
Buổi sinh hoạt chuyên môn được các đại biểu và giảng viên tham dự đánh giá cao. Các ý kiến đóng góp thiết thực làm cho buổi sinh hoạt chuyên môn diễn ra sôi nổi, hào hứng và đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ khi giảng dạy. Đồng thời, với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của TS. Trịnh Văn Toàn, phó Hiệu trưởng phụ trách giảng viên, yêu cầu các khoa chuyên môn cần phối hợp và đẩy mạnh công tác sinh hoạt chuyên môn nhằm tăng cường năng lực giảng dạy cho giảng viên có thể phục vụ tốt cho kế hoạch giảng dạy năm 2017, kể cả lớp ngoài kế hoạch. Qua đây, TS. Trịnh Văn Toàn cũng cho hay chủ trương của Đảng ủy, Ban giám hiệu trong việc lãnh đạo công tác chuyên môn năm 2017 hướng vào các nội dung sau:
(1) Chi bộ giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong khi thực hiệ nhiệm vụ.
(2) Năm 2017 xác định trọng tâm trong giảng dạy:
– Tăng giờ thảo luận, phát huy năng lực của cán bộ, giảng viên chủ chốt đã bao quát hết các chuyên đề giảng dạy thuộc phạm vi của khoa. Các khoa xây dựng câu hỏi, tình huống để Hội đồng chuyên môn phê duyệt.
– Bắt buộc học viên sau khi học hết phần kiến thức chung phải nắm rõ các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, kiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
– Các khoa cần có sự thống nhất đề cương bài giảng và phải được lãnh đạo khoa phê duyệt trước khi giảng dạy.
– Khoa Quản lí Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng và khoa Nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phân định rõ nội dung giảng dạy các chuyên đề về luật khiếu nại, luật tố cáo, luật tiếp công dân, Nghiệp vụ và kỹ năng tiếp công dân; nghiệp vụ và kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
Buổi sinh hoạt chuyên môn được khép lại sau một thời gian trình bày và thảo luận. Khoa Quản lí Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng nhận được nhiều đóng góp quý báu. Phát biểu bế mạc, ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của đại diện Ban giám hiệu, cảm ơn và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp trong buổi sinh hoạt chuyên môn. Hy vọng giảng viên được phân công giảng dạy sớm hoàn thiện bài giảng và giảng dạy trong thời gian sớm nhất./.
Trần Thị Thúy – Khoa Quản lí Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)