Trong những năm qua, luật pháp về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những đổi mới, bổ sung hết sức quan trọng với hy vọng nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, một số hành vi như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, đưa hối lộ trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (khu vực tư) đã được xác định là hành vi tham nhũng và được điều chỉnh trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư trong phòng, chống tham nhũng. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư có trách nhiệm sau đây:
– Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức;
– Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
Sự mở rộng phạm vi điều chỉnh này tuy còn ở mức độ khiêm tốn nhưng cũng đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Nó cũng đánh dấu sự thay đổi nhận thức về vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng và hình thành văn hóa kinh doanh phi tham nhũng – một trong những yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững trong một xã hội văn minh.
Thứ hai, về các biện pháp phòng ngừa, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã xác lập cơ chế mới về kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ quyền hạn. Theo đó, đối tượng kê khai được quy định rộng hơn, bổ sung thêm danh mục các tài sản phải kê khai, phạm vi công khai bản kê khai cũng rộng hơn và đặc biệt là thiết lập các cơ quan có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như những chế tài xử lý người kê khai không trung thực. Có thể nói, đây là một trong những biện pháp được coi là mạnh mẽ, có tính răn đe nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt nam trong việc bài trừ tệ tham nhũng.
Thứ ba, về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Những thay đổi trong thể chế pháp luật Việt nam thời gian qua đã từng bước mở rộng phạm vi thẩm quyền, đồng thời nâng cao trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định là những cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng có thẩm quyền thanh tra, kiểm toán những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Hệ thống pháp luật Việt nam cũng mới bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn thanh tra, kiểm toán, của Trưởng đoàn và những người có liên quan nếu có lỗi để lọt hành vi tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm toán. Điều này thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt nam trong việc xây dựng đội ngũ những công chức làm công tác chống tham nhũng có năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và sự liêm chính.
Có thể khái quát cơ chế chống tham nhũng ở Việt nam thành các quan điểm lớn như sau:
– Một là, coi cuộc đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của tất cả các cơ quan Nhà nước và của mọi công dân. Chính sách này đã được thể chế hóa thành các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và xét xử. Chính sách này cũng được thể hiện qua chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đồng thời chế định quyền tố cáo của công dân cũng không ngừng được hoàn thiện, các biện pháp khuyến khích người dân tố cáo hành vi tham nhũng được triển khai thực hiện cùng với những biện pháp bảo vệ người tố cáo.
– Hai là, chống tham nhũng phải được tiến hành đồng bộ cả 03 nhóm giải pháp, bao gồm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Trong đó, đặc biệt coi trọng nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng với 06 biện pháp mà nòng cốt là công khai, minh bạch hoạt đông của các cơ quan tổ chức. Có thể nói, trong các biện pháp phòng ngừa, công khai minh bạch được coi là quốc sách hàng đầu. Nhờ đó, năm 2019, theo Tổ chức minh bạch thế giới, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt nam đạt 37/100 điểm, đứng thứ 96/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 21 bậc so với năm 2018.
– Ba là, coi phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài nhưng lại cấp bách, kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục với xử lý nghiêm minh, bất kể người tham nhũng là ai, giữ chức vụ gì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Có thể coi đây là một trong những điểm nhấn nổi bật trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt nam tính từ năm 2013 đến nay. Bảy năm qua, các cơ quan tố tụng của Việt nam đã điều tra truy tố, xét xử 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, đã có 32.000 cán bộ, công chức bị kỷ luật vì hành vi tham nhũng. Trong đó có 27 người là Ủy viên hoặc nguyên Ủy viên TW Đảng, 04 người là Ủy viên Bộ chính trị, 30 sỹ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang. Thực sự đó là những con số ấn tượng. Nó củng cố lòng tin của người dân vào Nhà nước, nó có ý nghĩa giáo dục và răn đe rất lớn.
– Bốn là, coi trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng về cho công quỹ. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng được chú trọng trong thời gian qua. Theo số liệu công bố tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức tại Hà nội ngày 12.12.2020, riêng 02 ngành thanh tra và kiểm toán trong 07 năm qua đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 700.000 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đạt trên 34%, so với 8% trong giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng ở Việt nam còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư và quá trình duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đe dọa đến quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch. Theo số liệu thăm dò của Viện Dư luận thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương công bố ngày 16.6.2019, 80% số người được hỏi đã cho rằng mối quan tâm lo ngại hàng đầu là tình hình tham nhũng trong bộ máy công quyền. Vì thế, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng theo phương châm: liên tục, không ngừng nghỉ và quyết liệt hơn nữa, như khẳng định của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức tại Hà Nội ngày 12.12.2020.
Vũ Văn Chiến, TTVCC, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)