Kết
luận thanh tra là văn bản quan trọng, thể hiện toàn bộ kết quả của cuộc thanh
tra. Thông qua các kết luận thanh tra, ngoài việc phát hiện và xử lý các hành
vi vi phạm, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra còn có rất nhiều các kiến
nghị có giá trị giúp cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ
chế chính sách, pháp luật tạo môi trường pháp lý ổn định, an toàn, bình đẳng
cho các chủ thể phát huy được năng lực, thế mạnh của mình, góp phần bình ổn an
sinh và phát triển xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó, thực tiễn công tác thanh tra
trong thời gian vừa qua cho thấy, nhiều kết luận thanh tra được ban hành vẫn
chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chưa đảm bảo tính khả thi, chưa bám
vào mục đích, nguyên tắc tiến hành hoạt động thanh tra. Do đó, ảnh
hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra nói chung và quá
trình xây dựng, ban hành và thực hiện kết luận thanh tra nói riêng. Đòi hỏi,
phải có các quy định điều chỉnh về thủ tục, trình tự và trách nhiệm xây dựng,
ban hành kết luận thanh tra, đặc biệt để đảm bảo hiệu quả của kết luận thanh
tra được công minh, chính xác, khách quan và chất lượng cần có bước rà soát,
thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trước khi được ký, ban
hành bởi người có thẩm quyền.
Luật Thanh tra năm 2010 và
Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra không có quy định cụ thể về
thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Vấn đề thẩm định dự thảo kết luận thanh tra được đặt ra như một yêu cầu xuất phát từ
thực tiễn nhằm bảo đảm chất lượng của kết luận
thanh tra. Sau khi Luật Thanh tra năm
2010 có hiệu lực thi hành, một số văn bản dưới luật đã quy định về đơn vị
chuyên môn và quy trình thẩm định dự thảo kết luận
thanh tra. Gần đây nhất, ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư
số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình
tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, trong đó có các quy định
về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra nhằm bảo đảm nâng cao chất
lượng của kết luận thanh tra. Thông tư 06/2021/TT-TTCP giải thích “Thẩm
định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra kiến
nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra do người có chuyên môn về
lĩnh vực có liên quan đến nội dung thanh tra thực hiện khi được Người ra quyết
định thanh tra giao” và dành 4 Điều tại Mục 2
Chương 2 trong Thông tư để quy định về thẩm định dự thảo kết luận
thanh tra, cụ thể: Điều 42 quy định về thẩm định và tham khảo ý kiến; Điều
43 quy định về tài liệu phục vụ việc thẩm định; Điều 44 quy định về tiến hành thẩm định và Điều 45 quy
định về xử
lý kết quả thẩm định.
Căn cứ vào báo cáo kết quả
thẩm định, nhiều dự thảo kết
luận thanh tra đã
được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung. Công tác thẩm định đã góp phần hoàn thiện
các dự thảo kết luận thanh tra, để đảm bảo kết luận
thanh tra
chính xác, khách quan, các kiến nghị, kết luận rõ ràng, chặt chẽ, có tính khả
thi. Mặc dù vậy, quy định của pháp luật và thực tiễn việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra vẫn đặt ra một
số vấn đề:
Thứ nhất, cơ sở pháp lý về quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa cao; Luật Thanh tra 2010 và các Nghị định hướng
dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định, hình
thức tổ chức thẩm định, quy trình thẩm định và giá trị pháp lý của kết quả thẩm
định dự thảo kết luận thanh tra.
Thứ hai, chất
lượng công tác thẩm định còn nhiều hạn chế, cả về chất lượng và tiến độ thực
hiện. Thiếu các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện việc thẩm
định (từ thể chế đến con người, trình tự thủ tục và các điều kiện vật chất khác).
Thứ ba, chưa quy định cụ thể về thời hạn
thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, điều này làm tăng nguy cơ
chậm ban hành kết luận thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra có nhiều nội
dung hoặc nội dung phức tạp.
Để khắc phục những bất cập
trên, Luật Thanh tra 2022 tại Khoản 13 Điều 2 đã bổ
sung các quy định điều chỉnh về thẩm định dự thảo kết luạn thanh tra, theo đó, Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra được
hiểu là việc xem xét, đánh
giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận
thanh tra (Khoản 13 Điều 2 Luật
Thanh tra 2022)
Theo đó, quy định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo hướng chỉ là
thủ tục bắt buộc đối với một số cấp thanh tra: Đối với dự thảo
kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành
chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban
hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ
và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác
được thực hiện khi cần thiết.
Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc
phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra
để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế
hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết
luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm
định. Người thực hiện thẩm định có quyền yêu cầu Đoàn thanh
tra cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thẩm định; xây dựng báo cáo kết
quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về kết
quả thẩm định. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo việc
xem xét, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.
Như vậy, để bảo đảm kết luận thanh tra được chính xác, khách quan
và có tính khả thi, Luật Thanh tra 2022 đã quy định về thủ tục thẩm định dự thảo kết luật thanh
tra. Tuy nhiên, trên cơ sở quy dịnh trên, để thực hiện công tác
thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, cần làm rõ những vấn đề sau:
–
Cần định rõ tiêu chí xác định trường hợp nào là“khi cần thiết”
đối với quy trình thẩm định của dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh
tra Bộ, Thanh tra tỉnh và dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác.
Tránh sự tùy tiện khi áp dụng.
–
“Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn
vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra”. Vấn đề bố
trí, phân công cá nhân hay đơn vị thực hiện việc thẩm định cũng có thể gặp khó
khăn nhất định. Nếu cơ quan thanh tra nào có sẵn bộ máy, thì việc phân công có
thể dễ dàng hơn (trong Thanh tra Chính phủ, việc thẩm định được giao cho Vụ Giám sát, thẩm định và
xử lý sau thanh tra) , Ví dụ như trong cơ quan thanh
tra tỉnh, không có bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, sẽ khó khăn cho
việc giao công tác thẩm định cho cá nhân, tổ chức khi cơ quan thanh tra không
có biên chế chuyên trách. Đặc biệt đối với các đoàn thanh tra liên ngành, khi
cần thiết phải tiến hành thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, lãnh đạo cơ quan
thanh tra thực hiện việc phân công một cá nhân, cơ quan khác(có chuyên môn sâu
về lĩnh vực chuyên ngành) thẩm định, thì có khó khăn cho việc phân công cán bộ
của đơn vị khác hay không nếu cơ quan có người được phân công đó không phối
hợp?
–
“Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản,
trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định”. Với quy định này, cần làm
rõ việc văn bản phân công được thể hiện dưới tên loại gì, phải là Quyết định
hay một văn bản phân công thông thường? Những nội dung cơ bản trong văn bản
phân công cần có? Để đảm bảo tính chính xác, thống nhất, chặt chẽ.
Trên cơ sở phân tích về những vấn đề đặt ra
trong quy định của Luật Thanh tra 2022, để công tác thẩm định đạt được hiệu quả,
góp phần nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, cần đảm bảo được những yêu cầu
sau:
–
Cần xây dựng quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ
chức có liên quan khi thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, đặc
biệt là những cuộc thanh tra có nhiều nội dung, liên quan đến nhiều địa phương,
nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
–
Quy định điều kiện tiêu chuẩn của cá nhân, đơn vị được
giao thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Những trường hợp
không được tham gia thẩm định, khi không đảm bảo được tính khách quan của kết
quả thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.
–
Có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục (các mẫu
văn bản), thời hạn thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và quyền,
nghĩa vụ của cá nhân, đơn vị thực hiện thẩm định, trách nhiệm đảm bảo chất lượng
và tiến độ thực hiện việc thẩm định.
–
Cần bổ sung thêm quy định về
các điều kiện bảo đảm cho việc thẩm định dự thảo kết
luận thanh tra (con người, cơ sở vật chất…)
Tóm lại, quy định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trong Luật Thanh tra 2022 sẽ là cơ sở pháp lý vững
chắc để hoàn thiện và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác này, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các
bộ, cơ quan ngang bộ cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc
thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, qua đó, góp phần nâng
cao chất lượng các kết luận thanh tra, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ
quan thực hiện chức năng thanh tra trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Thị Hồng Thuý
Trưởng khoa Nghiệp vụ II
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)