Thu nợ, bảo vệ quyền lợi người lao động
Đại dịch COVID -19 diễn biến đặc biệt phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Trước bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp để phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Thực hiện Nghị quyết 84 của Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; ngành BHXH đã chủ động giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; ngành BHXH đã tiến hành 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra (giảm 54% so với năm 2019), trong đó ngành BHXH thực hiện 8.567 cuộc, chiếm 99,39% tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra.
Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 11.185 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 80 tỷ đồng; 24.086 người lao động đóng tiền thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 68 tỷ đồng; số tiền các đơn vị sử dụng lao động được thanh tra nợ trước khi có quyết định là 1.971 tỷ đồng và sau thanh tra các đơn vị đã nộp được 1.443 tỷ đồng.
Đồng thời, ban hành 261 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện; 278 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 16,8 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 5,2 tỷ đồng do thanh toán các chế độ BHXH không đúng quy định; yêu cầu thu hồi về quỹ BHTN 2,4 tỷ đồng do thanh toán, chi trả BHTN không đúng quy định.
“Hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH đã thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện”, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ.
Bước sang năm 2021, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
“Để phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID -19, ngành BHXH Việt Nam đã tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Theo cơ quan BHXH Việt Nam, nửa đầu năm 2021, từ công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 4.116 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là hơn 23,86 tỷ đồng; 11.085 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 16,61 tỷ đồng; tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã khắc phục là 451,82 tỷ đồng.
Đổi mới hơn nữa thanh tra, kiểm tra
Ông Nguyễn Thế Mạnh thông tin, hiện tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao. Song, việc xử lý hình sự đối với những hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn nhiều khó khăn.
Đáng nói, khi doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Thống kê cho thấy, tính đến 31/12/2020, tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi chậm đóng là 3.017 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng số nợ). Tính đến hết tháng 7/2021, tổng số nợ BHXH là 21.358 tỷ đồng, chiếm 5,34% so với số phải thu.
Dự báo trong năm 2021 và những năm tiếp theo nợ đọng BHXH tiếp tục tăng, trong đó, đáng lưu ý là nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ.
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, khi cho ý kiến về về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH của Chính phủ, bên cạnh ghi nhận những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phải nghiên cứu, rà soát, làm rõ nguyên nhân nợ, chậm đóng BHXH, xác định đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động, nhất là nhóm có sử dụng ngân sách nhà nước để có giải pháp tháo gỡ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa về phương thức, tiêu chí thanh tra, kiểm tra để không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong đại dịch COVID -19.
“Song song với việc xử lý đối với nhóm nợ, chậm đóng từ 3 năm trở lên cũng cần tập trung vào các nhóm đối tượng chậm đóng, nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, nhằm cảnh báo, ngăn chặn sớm tình trạng nợ đọng kéo dài, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý, tốn kém công sức đôn đốc, thu hồi nợ”, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Ở góc độ của ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ; tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với doanh nghiệp nợ, chậm đóng.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đề nghị sử dụng ứng dụng VssID một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID -19. Theo ông, ứng dụng VssID ra đời, đã giúp người lao động tra cứu được quá trình đóng – hưởng BHXH, BHYT hàng tháng của mình. Từ đó, từ đó có ý kiến với cơ quan BHXH và người sử dụng lao động để kịp thời được đóng BHXH…
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Nguồn: Trần Kiên https://thanhtra.com.vn/
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)