(ThanhtraVietnam) – Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, nhất là các quyết định đã có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa quan trọng, thể hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khôi phục các quyền, lợi ích chính đáng của công dân và tổ chức; đồng thời cũng là một trong những giải pháp thiết thực góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài dai dẳng như hiện nay.
Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua cho thấy, ở nơi nào làm tốt công tác thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại thì tình hình an ninh – trật tự, chính trị – xã hội ổn định, ít phát sinh đơn thư khiếu nại vượt cấp. Ngược lại, ở nơi nào các quyết định giải quyết khiếu nại không được thực hiện nghiêm túc, kịp thời sẽ làm cho tình hình không ổn định, khiếu kiện phức tạp, dai dẳng kéo dài và vượt cấp, kỷ cương pháp luật bị coi thường, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước giảm sút, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào các cấp chính quyền.
Tại Long An, thời gian qua, nhờ có sự phối hợp và kiên quyết trong theo dõi thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, mà tỷ lệ thực hiện các quyết định này hàng năm luôn ở mức cao. Từ năm 2012 đến năm 2015, tổng số quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải tổ chức thực hiện là 2.617 quyết định, tỉnh đã tổ chức thi hành 2.585 quyết định, đạt 98,8%. Đồng thời, những quyết định có hiệu lực pháp luật tồn đọng chưa thực hiện được trong thời gian trước đây cũng được rà soát và tháo gỡ vướng mắc kịp thời, do đó đảm bảo tính nghiêm túc của pháp luật, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng lòng tin của nhân dân vào các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình hình khiếu nại vẫn còn diễn biến phức tạp, gay gắt, kéo dài. Nhiều vụ việc khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thực thi, công dân tiếp khiếu làm mất thời gian, công sức của các cơ quan nhà nước và công dân. Nguyên nhân của tình hình trên có mặt khách quan là các quy định pháp luật trước đây chưa hội đủ những quy định cần thiết về cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành, thiếu các chế tài phù hợp để đảm bảo cho việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có kết quả trên thực tế. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở ngành, cơ quan, đơn vị chưa tập trung chỉ đạo, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại. Từ đó việc tổng hợp, báo cáo không đầy đủ, thiếu chính xác đã làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, giảm hiệu lực kỷ cương hành chính. Mặt khác, việc chấp hành kỷ luật hành chính chưa nghiêm, người được giao trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại làm chưa hết trách nhiệm và người giải quyết khiếu nại thiếu kiểm tra, đôn đốc, thiếu sự phối hợp, đề xuất biện pháp thực thi hiệu quả.
Để thực hiện nghiêm túc kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, để các quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải thực sự quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại – coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cần thiết, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ổn định tình hình để phát triển kinh tế – xã hội. Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, tổ chức thanh tra nhân dân ở cơ sở trong vận động thuyết phục, kiểm tra, giám sát, áp dụng các biện pháp cần thiết để quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Nên chăng, tại các địa phương diễn ra nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp thành lập Tổ rà soát của UBND cấp tỉnh làm nhiệm vụ kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh do Thanh tra tỉnh làm Tổ trưởng phối hợp với các Sở, ngành. Nhiệm vụ của Tổ rà soát là định kỳ hàng quý kiểm tra và rà soát việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh.Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất các biện pháp hiệu quả để Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện ở các địa phương. Đồng thời, nếu phát hiện các quyết định không có tính khả thi, không có khả năng thực hiện được thì tổ chức xem xét lại để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Nếu quyết định giải quyết chưa đúng thì giải quyết lại cho đúng, nếu đã giải quyết đúng thì kiên quyết cưỡng chế thi hành. Trường hợp phức tạp cần phải có sự phối hợp thì xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ cùng cấp để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn việc công khai các quyết định giải quyết khiểu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được tổ chức thi hành trên địa bàn tỉnh trên trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh. Sau các cuộc kiểm tra, đôn đốc có đánh giá tuyên dương các đơn vị làm tốt đồng thời đề xuất xử lý các đơn vị không quan tâm để nhiều quyết định giải quyêt khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được tổ chức thực hiện. Cơ quan chuyên môn cấp cơ sở phải thường xuyên rà soát và đề xuất các biện pháp để tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị còn chưa thực hiện được trong quyết định giải quyết khiếu nại thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Đối với các Đoàn thẩm tra xác minh, trong quá trình thực hiện chịu trách nhiệm xác minh, cần làm rõ các nội dung trong đơn, tham mưu ban hành quyết định giải quyết khiếu nại phải đảm bảo rõ ràng, có tính khả thi. Sau đó, phải tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật để báo cáo cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông qua hoạt động của Tổ rà soát của UBND tỉnh.
Sớm bổ sung vào Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2011) các quy định cụ thể về quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân có trách nhiệm phải thực hiện, đồng thời, có chế tài cụ thể để xử lý các đối tượng cố tình không thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Làm tốt hơn công tác phối hợp, thống nhất giữa Trung ương và địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, đặc biệt là đối với các đoàn khiếu kiện đông người và các trường hợp bức xúc, tồn đọng, kéo dài
Thêm nữa, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước./
Nguyễn Huy Sự
Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu Cần (CAND)
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)