Nhiều kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực

Năm 2023, Ban Cán sự Đảng, TTCP và ngành Thanh tra đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chương trình, kế hoạch công tác năm 2023, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Cụ thể, trong công tác thanh tra, TTCP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác thanh tra hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2023 và các cuộc thanh tra đột xuất được cấp có thẩm quyền giao. Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 257,7 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 188,6 nghìn tỷ đồng và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 69 nghìn tỷ đồng, 451 ha đất; ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân số tiền hơn 6,4 nghìn tỷ đồng, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.

Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 2,3 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 64,1%), hơn 32,5 nghìn ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 152 vụ, 201 đối tượng; khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,6%).

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC), TTCP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC góp phần ồn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và các ngày lễ lớn của dân tộc.

Năm 2023, mặc dù tình hình KN,TC có tăng so với năm 2022, tại một số địa phương tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trực tiếp tham mưu, giúp việc là ngành Thanh tra, tình hình KN,TC trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát; tỷ lệ giải quyết các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền tiếp tục duy trì ở mức cao (88,4%), năm 2022 là 88,8%.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), TTCP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp. Qua thanh tra, TTCP và ngành Thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý và chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Công tác xây dựng thể chế cũng được tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả như triển khai kế hoạch thi hành Luật Thanh tra 2022, kế hoạch xây dựng thể chế và các kế hoạch của TTCP; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022, Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP, Nghị định về thanh tra chuyên ngành; Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, Nghị quyết cũng chỉ ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TTCP và thanh tra bộ, ngành, địa phương còn có mặt tồn tại, hạn chế cần quan tâm, khắc phục, như vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ theo quy định; một số nội dung theo kế hoạch công tác PCTN triển khai còn chậm…

Tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, Nghị quyết nêu rõ, năm 2024 là năm “nước rút” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2026. Để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng, TTCP và ngành Thanh tra cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, thứ nhất, bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2024, yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN,TC các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ được giao đột xuất, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai, tham mưu thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng về KN,TC; nhất là tại các địa phương phía Nam và khu vực Miền Trung Tây nguyên có khiếu kiện liên quan đến đất nông – lâm trường quốc doanh.

Thứ ba, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giao về công tác PCTN,TC; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về PCTN,TC đến năm 2030 và kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; tăng cường triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì khẩn trương chuyển ngay sang cơ quan điều tra xử lý (không chờ ban hành kết luận thanh tra).

Thứ tư, thường xuyên rà soát để hoàn thiện thể chế đối với các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của ngành Thanh tra; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ ngành Thanh tra để cán bộ yên tâm, giữ vũng lòng tin, bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và toàn xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN, TC.

Thứ sáu, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cươmg theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của TTCP; các đồng chí lãnh đạo TTCP gương mẫu, nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan TTCP và toàn ngành Thanh tra trong năm 2024…

Giang Thân
(Nguồn: Thanhtra.com.vn)