Theo
quy định của Luật Khiếu nại thì “Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh,
kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại”[1]. Theo quy định của Luật Tố
cáo thì “Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung
tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo”[2]. Như
vậy, trong giải quyết khiếu nại, tố cáo để có cơ sở cho việc giải quyết thì
việc xác minh là yêu cầu quan trọng. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại,
tố cáo sau khi tiến hành thụ lý có thể trực tiếp ban hành quyết định thành lập
đoàn xác minh (Tổ xác minh) hoặc giao cho cơ quan thanh tra, cơ quan khác tiến
hành xác minh. Nếu giao cho cơ quan khác thì thủ trưởng cơ quan được giao sẽ
ban hành quyết định thành lập tổ xác minh. Đoàn xác minh hoặc tổ xác minh (sau
đây gọi chung là đoàn xác minh) bao gồm Trưởng đoàn hoặc Tổ trưởng (sau đây gọi
chung là Trưởng đoàn xác minh) và các thành viên.
Theo
Từ điển Tiếng Việt: Trưởng đoàn là người đứng đầu, lãnh đạo một đoàn công tác.
Đoàn công tác được đề cập ở đây là đoàn xác minh để giải quyết khiếu nại, tố
cáo. Vậy: Trưởng đoàn xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo là người đứng
đầu, lãnh đạo đoàn xác minh giải quyết khiếu nại tố cáo.
Trong
đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo có Trưởng đoàn, có thể có Phó trưởng
đoàn và các thành viên trong đoàn. Đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo
được thành lập để thực hiện nhiệm vụ xác minh làm rõ nội dung khiếu nại, tố
cáo. Vì vậy, Trưởng đoàn xác minh là người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ
hoạt động của Đoàn từ khâu lập kế hoạch xác minh đến việc thực hiện kế hoạch
xác minh và báo cáo kết quả xác minh với người giải quyết khiếu nại, tố cáo
hoặc người ban hành quyết định thành lập đoàn xác minh. Trưởng đoàn xác minh
giải quyết khiếu nại, tố cáo có vị trí rất quan trọng. Kết quả công tác của
Trưởng đoàn có thể tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của đoàn xác minh,
kết quả xác minh.
Thứ nhất, Trưởng đoàn xác minh giải quyết
khiếu nại, tố cáo là người tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động
của Đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trưởng đoàn xác minh là người trực tiếp chỉ
đạo, điều hành hoạt động của đoàn xác minh trong quá trình tiến hành xác minh
từ quá trình chuẩn bị đến tiến hành xác minh và báo cáo kết quả xác minh.
Trưởng đoàn xác minh có trách nhiệm lập kế hoạch xác minh, trình người ra
quyết định xác minh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Trưởng đoàn xác minh có
trách nhiệm quán triệt kế hoạch xác minh và phân công nhiệm vụ cho các thành
viên trong đoàn.
Trong quá trình tiến hành xác minh, Trưởng
đoàn với tư cách là người quản lý, chỉ đạo, điều hành phải là người nắm chắc
mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung, nắm chắc tình hình quá trình xác minh,
kết quả xác minh. Trưởng đoàn xác minh phải bao quát chỉ đạo các thành viên
trong đoàn tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu
bằng chứng, xác định chứng cứ để kết luận vụ việc khiếu nại, tố cáo một cách
khách quan. Trưởng đoàn chỉ đạo các thành viên tổng hợp kết quả xác minh, xây
dựng báo cáo kết quả xác minh. Báo cáo kết quả xác minh là văn bản quan trọng
phản ánh kết quả xác minh của đoàn. Do vậy, trưởng đoàn là cần trực tiếp nắm bắt
kết quả, phân tích đánh giá, tổng hợp. Trưởng đoàn là người chịu trách nhiệm
trước pháp luật và Người ra quyết định xác minh về báo cáo kết quả xác minh.
Thứ hai, Trưởng Đoàn xác minh giải quyết
khiếu nại, tố cáo chịu trách nhiệm trước người ra quyết định xác minh và trước
pháp luật toàn bộ hoạt động của Đoàn xác minh.
Trong quá trình xác minh, Trưởng đoàn có thẩm
quyền quyết định những việc liên quan đến hoạt động của Đoàn xác minh nhằm đạt
kết quả theo kế hoạch được giao. Nhưng đồng thời Trưởng đoàn cũng phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật và Người ra quyết định xác minh về hoạt động của
Đoàn về những nội dung có liên quan trong báo cáo kết quả xác minh. Do vậy, để
vừa phát huy đầy đủ quyền chủ động trong chỉ đạo của Trưởng đoàn, vừa thực hiện
sự chỉ đạo chặt chẽ của Người ra quyết định xác minh, Trưởng đoàn xác minh là
người chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành đoàn xác minh, đồng thời là cầu nối
giữa đoàn xác minh với người giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc người ra quyết
định xác minh. Trong quá trình xác minh, Trưởng đoàn thường xuyên báo cáo tiến
độ, nội dung cũng như các vướng mắc phát sinh cho người ra quyết định xác minh
để người ra quyết định xác minh nắm bắt nội dung, tiến độ cũng như xử lý những
phát sinh trong quá trình đoàn thực hiện nhiệm vụ.
Trưởng đoàn xác minh phải chỉ đạo, điều hành
hoạt động của đoàn xác minh theo đúng quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm
trước pháp luật và người ra quyết định xác minh về báo cáo kết quả xác minh.
Thứ ba, Trưởng đoàn xác minh giải quyết khiếu
nại, tố cáo là người xử lý mối quan hệ giữa đoàn xác minh với đối tượng được
xác minh
Trong quá trình xác minh, Trưởng đoàn xác
minh tuy đã phân công cho từng thành viên, từng nhóm thực hiện các biện pháp
nghiệp vụ để xác minh theo kế hoạch xác minh. Tuy nhiên, đối với những nội dung
quan trọng, Trưởng đoàn có thể trực tiếp xác minh. Khi phát sinh những tình
huống như làm việc với người khiếu nại, tố cáo họ không hợp tác, hoặc thu thập
thông tin, tài liệu bằng chứng gặp những khó khăn, vướng mắc, Trưởng đoàn phải
là người xử lý tháo gỡ hoặc báo cáo người ra quyết định xác minh có phương án
xử lý kịp thời.
Trưởng đoàn là người chỉ
đạo, điều hành đối với hoạt động xác minh tại cơ quan, đơn vị được xác minh,
chịu trách nhiệm về kết quả xác minh. Trưởng đoàn phải xử lý tốt các mối quan
hệ với đối tượng được xác minh. Mọi thái độ ứng xử, giải quyết sự việc trong
quá trình xác minh đều có tác động đến đối tượng được xác minh. Việc xử lý đúng
đắn mối quan hệ giữa Trưởng đoàn và đối tượng xác minh có tác động tích cực đến
kết quả xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trưởng đoàn xác minh
cần làm cho
đối tượng được xác minh hiểu rõ được mục đích, yêu cầu, nội dung làm việc và
trách nhiệm hợp tác với Đoàn xác minh để làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời phải đảm bảo quyền của người khiếu nại, người tố cáo, người bị khiếu
nại, người bị tố cáo do pháp luật quy định.
Để thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành
hoạt động của Đoàn xác minh, Trưởng đoàn xác minh phải thực hiện tốt các công
tác sau:
a. Nắm chắc kế hoạch xác minh và các vấn đề
trọng tâm, nhưng đồng thời phải linh hoạt trong chỉ đạo trước những diễn biến
của tình hình
Trưởng đoàn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung,
nên phải có tầm nhìn bao quát để thấy rõ được diễn biến các hoạt động xác minh
đối với kế hoạch chung của Đoàn, nhưng phải biết nắm lấy những nội dung trọng
tâm để tập trung chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ. Tuy nhiên, xác minh các vụ việc
khiếu nại, tố cáo thường diễn biến phức tạp, có thể nảy sinh những vấn đề mới
chưa dự kiến được; cho nên trong cách thức chỉ đạo của Trưởng đoàn không được
cứng nhắc mà phải biết bám sát thực tế, từ thực tế hoạt động của Đoàn mà xử lý
tình huống linh hoạt để điều chỉnh kịp thời, chính xác.
b. Trưởng đoàn xác minh
phải giữ được vai trò là hạt nhân đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đoàn xác
minh, tạo mối quan hệ tốt với đối tượng xác minh, tranh thủ được sự đồng tình,
ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo có
nhiều người, trình độ nhận thức không đồng đều, mỗi người lại có phong cách làm
việc khác nhau và mỗi người có nhiệm vụ cụ thể. Để chỉ đạo Đoàn xác minh giải
quyết khiếu nại, tố cáo hoạt động theo mục tiêu chung, trước hết đòi hỏi Trưởng
đoàn phải là hạt nhân đoàn kết trong nội bộ Đoàn, thực hiện dân chủ, tôn trọng
và lắng nghe ý kiến của các thành viên, đồng thời đấu tranh thẳng thắn nhằm duy
trì kỷ luật trong Đoàn, được như vậy mới tạo ra sự tín nhiệm, tin cậy của các
thành viên trong Đoàn, đảm bảo uy tín của Đoàn.
Nhiều vụ việc xác minh với nhiều nội dung
phức tạp và có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, đến cả các cơ quan cấp
trên. Do vậy, Trưởng đoàn cần tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các cơ quan nói
trên để tạo điều kiện cho việc xác minh được tiến hành thuận lợi.
c. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của
Trưởng đoàn đối với các thành viên
Trưởng đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố
cáo với nhiệm vụ chính là chỉ đạo, quản lý, điều hành Đoàn xác minh giải quyết
khiếu nại, tố cáo thực hiện quyết định xác minh và kế hoạch xác minh đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên Trưởng đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố
cáo phải kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được phân công của mỗi nhóm công tác,
mỗi thành viên của Đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nội dung kiểm tra bao
gồm:
– Kiểm tra việc thực hiện quyết định xác minh
và kế hoạch xác minh của các thành viên trong Đoàn xác minh đã được người có
thẩm quyền phê duyệt;
– Kiểm tra việc vận dụng các biện pháp nghiệp
vụ để thu thập thông tin tài liệu bằng chứng, xác định chứng cứ;
– Kiểm tra việc áp dụng các quy định của pháp
luật để kết luận từng nội dung, từng lĩnh vực mà mỗi thành viên, mỗi nhóm được
phân công phụ trách;
– Kiểm tra việc tuân
thủ các quy định của pháp luật trong quá trình xác minh.
Để xem xét các báo cáo
kết quả xác minh từng nội dung của mỗi thành viên trong Đoàn, Trưởng đoàn không
chỉ nghe báo cáo, mà còn phải trực tiếp đọc, nghiên cứu, đối chiếu các tài
liệu, số liệu, chứng cứ… mà thành viên đã báo cáo; khi cần thiết có thể trực
tiếp gặp đối tượng xác minh để kiểm tra lại, khẳng định thêm tính chính xác của
các báo cáo kết quả trên.
Khi nhận định, đánh giá, kết luận một vấn đề,
sự việc nào, Trưởng đoàn đặt nó trong tổng thể tình hình ở đó để thấy rõ mối
quan hệ tác động lẫn nhau và từ đó mà thấy rõ được bản chất của các sự kiện đó.
Đồng thời, cũng phải xem xét diễn biến của sự việc đó trong hoàn cảnh lịch sử
cụ thể, có như vậy mới nhận định, đánh giá đúng những tồn tại, tính chất, mức
độ sai phạm và nguyên nhân của nó. Từ đó, mới đưa ra được sự đánh giá một cách
khách quan, chân thực và kiến nghị giải quyết một cách khách quan vụ việc.
Để việc xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo
có hiệu quả thì công tác của Trưởng đoàn xác minh đặc biệt quan trọng. Do vậy,
cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ cho các cán bộ làm
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những người được giao làm
Trưởng đoàn xác minh, Tổ trưởng tổ xác minh. Trường Cán bộ Thanh tra bên cạnh
các khóa nghiệp vụ thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp
có mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn trong đó có chương trình bồi dưỡng về công
tác của Trưởng đoàn xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây là chương trình
chuyên sâu có thể giúp các học viên nắm vững được các nghiệp vụ trong công tác
của Trưởng đoàn xác minh.
ThS. Phạm Tuấn Anh – Trường
Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn http://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)