(ThanhtraVietnam) – Trong quá trình giải quyết khiếu nại, đối thoại là phương thức thể hiện tính công khai, dân chủ. Thông qua đối thoại, người giải quyết khiếu nại sẽ kiểm tra, rà soát đủ các nội dung của vụ việc khiếu nại, quan điểm của người khiếu nại, nguyên nhân phát sinh vụ việc, trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành; những bất cập của pháp luật hay những hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước khi ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bị khiếu nại; qua đó giúp người giải quyết khiếu nại có quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật, với điều kiện thực tiễn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nói cách khác, thông qua đối thoại có thể giúp cho việc giải quyết khiếu nại chính xác, việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật đảm bảo khả thi hơn và góp phần hạn chế những vấn đề phức tạp khi phát sinh khiếu nại đông người. Đồng thời, trong quá trình đối thoại, người giải quyết khiếu nại có thể giải thích cho người khiếu nại về các quy định của pháp luật, về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại để họ có đủ thông tin và hiểu đúng về các quy định pháp luật, cũng như quá trình áp dụng pháp luật. Từ đó, họ sẽ tự nguyện rút đơn khiếu nại và chấm dứt khiếu nại. Thông qua đối thoại có thể giúp giảm tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu kiện vượt cấp hoặc tình trạng hình thành các “điểm nóng”.
Bằng sự kết hợp đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, trong thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết đúng quy định, đảm bảo khách quan, chính xác; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức được đảm bảo. Qua tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, thành phố Hà Nội đã giải quyết được một khối lượng lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Cụ thể là, Hà Nội đã tiếp 133.706 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (trong đó có 1.757 lượt đoàn đông người); đã tiếp nhận, xử lý theo quy định 110.562 đơn các loại; giải quyết theo thẩm quyền 9.397 vụ (gồm 7.209 vụ khiếu nại và 2.188 vụ tố cáo). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo có 894 vụ (chiếm tỷ lệ 12%) công dân rút đơn khiếu nại.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian qua, việc thực hiện quy định về tổ chức đối thoại, chủ yếu là đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần hai theo Điều 39 của Luật Khiếu nại đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc nhất định. Thực tế cho thấy, người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch UBND cấp huyện và chủ yếu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ở thành phố Hà Nội, những năm qua, đơn khiếu nại thuộc thâm quyền giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND Thành phố trung bình khoảng 400-500 vụ việc/năm, nếu thực hiện đối thoại theo Điều 39 của Luật Khiếu nại thì gặp không ít khó khăn, không khả thi trên thực tế. Những bất cập này đã được Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ tháo gỡ tại Điều 21 bằng quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại”. Với quy định như vậy, thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh khiếu nại có thể giúp người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai; đảm bảo tính khách quan, dân chủ và vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người khiếu nại.
Hiện nay, Thông tư 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 của Thanh tra Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 05/12/2016) đã sửa đổi, bổ sung quy định này. Theo đó, người giải qụyết khiếu nại phải thực hiện đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần hai. Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện Thông tư 02/2016/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, có nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định này, trong đó chủ yếu là hạn chế về thời gian của người giải quyết khiếu nại; từ đó, sẽ làm chậm tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại theo quy định của Luật. Do đó, Hà Nội đã đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, cân nhắc để tham mưu sửa đổi quy định về việc tổ chức đổi thoại lần hai trong Luật Khiếu nại theo hướng đối với những vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải tiến hành đối thoại. Còn đối với những vụ việc khác, người giải quyết khiếu nại lần hai được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đấu cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại để tổ chức đối thoại. Như thế, sẽ đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại được thực hiện một cách kịp thời và khách quan, công khai, dân chủ, đồng thời không ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị./.
K. Dung
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)