Cần phân biệt tham nhũng và tham nhũng vặt
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dương đến từ Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng tham nhũng vặt là hành vi lạm dụng quyền lực diễn ra hàng ngày bởi chủ thể công quyền, công chức ở cấp trung hoặc cấp thấp trong những giao tiếp thông thường của họ với người dân khi tiếp cận hàng hóa, dịch vụ cơ bản của những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, cơ quan cảnh sát và các cơ quan khác.
Tham nhũng vặt cũng là hình thức tham nhũng xẩy ra thường ngày, biểu hiện thông qua các hành vi hối lộ hoặc nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong cuộc sống hằng ngày, bao gồm cả các giao dịch tư nhân và ở cấp cơ sở chính quyền. Đặc điểm của tham nhũng vặt là quy mô nhỏ, diễn ra ở cấp cơ sở, có ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động nhà nước nói chung, nhưng chưa đủ tác động phá vỡ các khuôn khổ xã hội và thể chế quản lý đã được thiết lập và có thể chuyển hóa thành tham nhũng lớn.
Cũng theo bà Dương, tham nhũng vặt có tác động tiêu cực đến đời sống, trong đó tác động tiêu cực đến tiêu chuẩn, chất lượng sống của người dân; làm giải chất lượng của môi trường pháp lý và hiệu quả của bộ máy nhà nước; làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với các thiết thể nhà nước và nền pháp quyền; ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của nhà nước từ việc thu thuế.
Theo đại diện đến từ Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng vặt gồm: nhóm giải pháp liên quan đến việc giảm tải các thủ tục, gánh nặng về hành chính (tái quy trình; thực hiện chính sách một cửa; chia sẻ và chuẩn hóa dữ liệu; xây dựng Chính phủ điện tử; kiểm soát lường trước (phòng nhiều hơn chống); đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan.
Đồng thời, còn có nhóm giải pháp hướng đến đội ngũ cán bộ, công chức: Đảm bảo mức lương phù hợp cho cán bộ công chức; xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với công chức có thẩm quyền trong việc cung cấp dịch vụ công. Và nhóm giải pháp sử dụng công nghệ thông tin: Chính phủ điện tử (giảm tham nhũng vặt trên thực tế); ứng dựng phòng, chống tham nhũng trên điện thoại thông minh; thanh toán điện tử; công cụ thống kê trực tuyến về tội phạm tham nhũng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng khi xây dựng khái niệm, Ban Chủ nhiệm đề tài cần nêu được đặc điểm và giải pháp riêng có, nhằm phân biệt tham nhũng và tham nhũng vặt, đồng thời nên giải thích thêm về “tham nhũng vặt không phá vỡ khuôn khổ xã hội”.
Tập trung về phần giải pháp, ông Văn băn khoăn những giải pháp đưa ra đều là những giải pháp được tiến hành từ phía Nhà nước, theo ông cần nghiên cứu các biện pháp mà cả Nhà nước và xã hội phải thi hành, chẳng hạn như biện pháp giáo dục liêm chính.
Cũng theo ông Văn, về nhóm các biện pháp lường trước, kiểm soát các văn bản trước khi ban hành, hiện nay Việt Nam thực hiện rất quyết liệt, mọi dự thảo các văn bản quy phạm được Bộ Tư pháp rà soát rất kỹ. Đối với nhóm các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, hình ảnh các cảnh sát giao thông nhận hối lộ có thể gửi trực tiếp về cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra nhấn mạnh, Đề tài cần phân biệt tham nhũng vặt và tham nhũng lớn; tham nhũng vặt người ta không đề cập đến quá trình xây dựng chính sách. Khách quan ở đây là đối tượng xâm hại, tiền và tài sản tham nhũng nhỏ. Vậy? thế nào là nhỏ? Tham nhũng vặt là khái niệm xã hội chứ không phải là khái niệm pháp lý.
Tham nhũng, hối lộ vặt sinh ra những công bộc, phục vụ hách dịch, cửa quyền
Còn TS. Lã Khánh Tùng, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay tham nhũng vặt đang diễn ra khắp nơi, thậm chí nhiều đến mức chúng ta đã thấy “quen mắt” và gần như không còn bức xúc, phẫn nộ nữa. Ví dụ như: Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phục bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được “thông cảm” bằng vài trăm nghìn đồng… Việc xin học cho con là quyền của cha mẹ được pháp luật bảo hộ nhưng phải có quà cáp hoặc có quan hệ mới xong. Chuyện sinh viên đưa phong bì cho thầy, cô để xin điểm, để hỏi đề thi…, tệ hại hơn chạy trường, chạy lớp, chạy hội đồng chấm luận văn; “Lót tay” ở bệnh viện đã thành “chuyện thường ngày”, những chuyện này xảy ra với không ít người, nhưng nếu kín đáo kẹp mấy trăm nghìn đồng vào hồ sơ, cơ sự có thể khác.
Ông Tùng cho rằng, nếu tái diễn như vậy, dần dần chúng ta chấp nhận tham nhũng vặt và hậu quả là thế hệ lớn lên cũng coi nạn tham nhũng, hối lộ vặt đó là đương nhiên, do đó lại nảy sinh ra những công bộc phục vụ dân hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu… rất nguy hiểm.
Cũng theo ông Tùng, tham nhũng lớn là tham nhũng chính trị, tham nhũng phải gắn với quyền lực công, Nhà nước cần tập trung vào tham nhũng trong lĩnh vực tư, mở ra tham nhũng vặt việc hình sự hóa. Ông cho rằng, hiện chưa có báo cáo chính thức nào về tham nhũng vặt mà mới có báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thì có chi phí về chỉ số không chính thức, đó là thực trạng, mình có thể kế thừa, đấy là thông tin giúp chúng ta đánh giá về thực trạng tham nhũng.
Một đại biểu khác đến từ Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, TS. Tạ Thu Thủy chia sẻ, thực tế khái niệm về tham nhũng vặt là khái niệm xã hội và chưa có thống kê chính thức về vụ việc cụ thể, chỉ có định tính chưa có định lượng cụ thể và nó diễn ra xung quanh hàng ngày.
Bà Thủy nhận định, tham nhũng vặt hay tham nhũng nói chung được phát hiện qua nhiều kênh như: giám sát, thanh tra, kiểm toán, phản ánh, tố cáo… tuy nhiên tham nhũng vặt phát hiện phổ biến qua kênh phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân. Hiện nay còn phụ thuộc vào giá trị vật chất để xử lý hình sự hay xử lý hành chính.
Do đó, bà cho rằng Nhà nước cần xây dưng có cơ chế tiếp nhận, bảo vệ và phản hồi tích cực các phản ánh, kiến nghị thì người dân sẽ tích cực hơn trong phát hiện hành vi tham nhũng, đồng thời bà băn khoăn “Có nên đưa chủ thể là người dân là chủ thể tham nhũng vặt, thì tôi chưa đồng tình, tham nhũng nên để cho người có chức vụ, quyền hạn, nếu mở rộng cho người dân thì làm mất đi dấu hiệu của tham nhũng lớn?”
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Đăng Dung cảm ơn các ý kiến đóng góp chất lượng, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời Giáo sư cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp thu các ý kiến vừa có tính gợi mở, định hướng về mặt lý luận, vừa có tính phong phú, đa dạng về thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện nhằm đạt được mục tiêu, hiệu quả mong muốn của Đề tài./.
Nguồn: Lan Anh http://thanhtravietnam.vn/
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)