TRƯỜNG CÁN BỘ THANH TRA PHÒNG ĐÀO TẠO
|
CỘNG HÒA XÃ HÔI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng 12 năm 2016 |
BÁO CÁO
Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2016
và dự kiến nhiệm vụ công tác năm 2017
Thực hiện quy định về chế độ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác, Phòng Đào tạo báo cáo kết quả công tác của Phòng trong năm 2016 và dự kiến chương trình công tác năm 2017 như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
1. Nhiệm vụ của Phòng Đào tạo quy định tại Quyết định số 09/QĐ-TCBTT ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, cụ thể có các nội dung như sau:
1.1. Chức năng, nhiệm vụ chung
a. Tham mưu cho Hiệu trưởng và làm đầu mối chủ trì tổ chức triển khai việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
b. Chủ trì, phối hợp với các Phòng, Khoa thực hiện nhiệm vụ tiếp sinh, quản lý các khóa học.
1.2. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể
a. Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng
– Chủ trì, phối hợp với các Phòng, Khoa xây dựng dự thảo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, báo cáo Hiệu trưởng để trình Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt;
– Tổ chức xây dựng tiến độ chi tiết thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt; chủ trì, phối hợp các Phòng, Khoa tổ chức thực hiện;
– Chủ trì và phối hợp với Phòng Quản trị – Tài vụ dự thảo hợp đồng liên kết đào tạo; Tham mưu cho Ban Giám hiệu thực hiện thủ tục thanh lý các hợp đồng liên kết đào tạo, phối hợp với Phòng Quản trị – Tài vụ đôn đốc các đối tác thực hiện nghĩa vụ ghi trong hợp đồng liên kết đào tạo;
– Chủ trì, phối hợp với các Khoa tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng lịch giảng và tổ chức để thực hiện lịch giảng;
– Chủ trì, phối hợp với Phòng Hành chính – Tổ chức, Phòng Quản trị -Tài vụ, Phòng Thông tin Khoa học và Tư liệu chuẩn bị các thủ tục mở lớp theo quy định;
– Cử cán bộ của Phòng làm công tác quản lý lớp, tham mưu đề xuất với Phó Hiệu trưởng phụ trách trưng tập cán bộ thuộc các Phòng, Khoa khác làm công tác quản lý lớp khi cần thiết.
b. Thực hiện nhiệm vụ chiêu sinh, tiếp sinh
– Phân bổ chỉ tiêu cho các Thanh tra các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành trong cả nước theo kế hoạch đã được phê duyệt; Làm thông báo chiêu sinh theo quy định; Phối hợp với Phòng Hành chính – Tổ chức gửi văn bản cho các đơn vị được chiêu sinh;
– Chủ trì, phối hợp với Phòng Quản trị – Tài vụ, Phòng Khoa học Thông tin và Tư liệu tổ chức tiếp sinh.
c. Tổ chức thực hiện khóa học
– Chủ trì, phối hợp với Phòng Hành chính Tổ chức, Phòng Quản trị – Tài vụ và các Phòng, Khoa khác thực hiện các thủ tục khai giảng, bế giảng các khóa học;
– Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc hoàn thiện hồ sơ hành chính lớp học, việc thực hiện lịch giảng, thực hiện nội quy, quy chế lớp học, thực hiện quy chế về quản lý lớp học; Chuẩn bị các điều kiện và chủ trì thực hiện các thủ tục, kiểm tra và viết thu hoạch theo quy định;
– Chủ trì, phối hợp với các Phòng, Khoa tổ chức các chuyến đi thực tế, cử cán bộ tham gia đi thực tế theo kế hoạch đã được phê duyệt, đón và tiễn các đoàn học viên quốc tế;
– Phối hợp với các Khoa trong việc tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi, đáp án, quản lý ngân hàng đề thi, đáp án theo quy định;
– Phối hợp với các Phòng, Khoa cử cán bộ coi thi, tổ chức kiểm tra, viết thu hoạch, thu đề án theo lịch học, rọc phách, ráp phách lên bảng điểm theo quy định;
– Hoàn thiện hồ sơ kết thúc khóa học theo quy định (Bảng điểm, quyết định cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận, quyết định khen thưởng…);
– Tổ chức in ấn chứng chỉ, giấy chứng nhận, giấy khen, thẻ học viên; Phối hợp với Phòng Hành chính – Tổ chức kiểm soát việc đóng dấu chứng chỉ, giấy chứng nhận, giấy khen, thẻ học viên, giấy đi đường cho học viên và các thủ tục hành chính khác khi có yêu cầu;
– Phối hợp với Phòng Quản trị – Tài vụ, Phòng Khoa học Thông tin và Tư liệu rà soát việc thực hiện các nghĩa vụ của học viên trước khi trình Hiệu trưởng ký quyết định cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho học viên.
d. Tham mưu cho Ban Giám hiệu trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng
– Tham mưu, đề xuất việc xây dựng và thực hiện các quy trình, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng;
– Tham mưu, đề xuất việc phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển phạm vi các đối tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ của Trường;
– Phối hợp với Phòng Khoa học Thông tin và Tư liệu và các Khoa tham mưu việc xây dựng hoàn thiện hệ thống giáo trình tài liệu phục vụ công tác dạy và học;
– Tiếp nhận phản hồi thông tin từ người học, tham mưu các biện pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy, phục vụ giảng dạy, đẩy mạnh việc chống tham nhũng trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Giám hiệu giao.
2. Về tình hình tổ chức bộ máy
2.1. Biên chế của Phòng Đào tạo được bố trí để thực hiện nhiệm vụ được giao bao gồm có 9 người, tất cả đều có trình độ đại học và trên đại học
– Lãnh đạo Phòng: 02 người (01 Trưởng phòng; 01 Phó Trưởng phòng);
– Công tác kế hoạch: 02 người, thực hiện các nội dung tham mưu, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đào tạo bồi dưỡng; Phối hợp với các Khoa nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới; Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm (trong nước và quốc tế) đối với các hệ đào tạo, bồi dưỡng và theo dõi thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng;
– Công tác giáo vụ: 04 người thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng lịch giảng; giám sát việc thực hiện lịch giảng; Chiêu sinh, tổ chức khai giảng, bế giảng khóa học; Xây dựng quyết định, biểu mẫu, báo cáo, thủ tục thi, kiểm tra, đánh giá, đề xuất việc thi, kiểm tra lại; Làm phách, tổng hợp kết quả học tập cuối khóa cho học viên; Công tác quản lý học viên; khen thưởng, kỷ luật học viên;
– Công tác hành chính: 01 người thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý văn bản đến; Soạn thảo các văn bản nghiệp vụ của phòng; Quản lý và lưu trữ hồ sơ lớp học;
– Công tác quản lý khóa học: Phòng Đào tạo phân công các cán bộ viên chức trực tiếp hoặc phối hợp quản lý các khóa học trong và ngoài Trường.
2.2. Đánh giá về tình hình quản lý và sử dụng người làm việc
Đội ngũ viên chức thuộc phòng được đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao; Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành sự phân công nhiệm vụ của Trường; Có tinh thần đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị; Có phẩm chất chính trị tốt.
Phòng Đào tạo được bố trí khu vực làm việc tập trung. Phương tiện làm việc được trang bị theo quy định.
Tổ chức hoạt động đào tạo được Ban Giám hiệu phân công 01 Phó Hiệu trưởng phụ trách. Việc tổ chức lao động thực hiện theo chế độ chuyên viên, trừ khi được giao làm công tác quản lý lớp, viên chức của Phòng Đào tạo được giao thực hiện một số nội dung công việc giáo vụ hoặc quản lý học viên. Lãnh đạo quản lý Phòng được phân công phụ trách theo mảng công việc của Phòng, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu là Trưởng phòng.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
1. Việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác của Phòng
Phòng đã chủ động nắm bắt nhu cầu, khả năng phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng của Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương để tham mưu Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2016, được Tổng Thanh tra phê duyệt với số lượng các khóa học tổ chức trong năm 2016 là 28 khóa.
Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, Phòng Đào tạo đã cụ thể hóa tiến độ tổ chức các khóa học theo quý, tháng trong năm, tham mưu Ban Giám hiệu thông báo đến Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương. Căn cứ tiến độ đã được xác định, tham mưu cho Ban Giám hiệu thông báo đến các Phòng, Khoa trong Trường kế hoạch chi tiết tình hình triển khai tổ chức các khóa học trong tháng để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
Phòng đã tham mưu Ban Giám hiệu trong việc thương thảo hợp đồng phối hợp tổ chức một số khóa học, tạo cơ hội cho công chức của Ngành có cơ hội được sớm đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và tạo nguồn thu cho Trường.
2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ
2.1. Kết quả tham mưu tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng
Trong năm 2016, Phòng đã tham mưu Ban Giám hiệu tổ chức được 45 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho 4805 học viên, đã kết thúc 42 khóa, đạt 161% kế hoạch năm 2016, cụ thể:
Tt | Hệ đào tạo | Thực hiện | Kế hoạch | Địa đểm tổ chức |
Ghi chú |
||||
Số lớp | Số học viên | Số lớp | Tỉ lệ % |
Chênh lệch |
TCBTT | Địa điểm khác | |||
1 | 2 | 3 | 4 = 1:3 | 5 = 1-3 | 6 | 7 | 8 | ||
1 | Thanh tra viên cao cấp | 01 | 90 | 01 | 100 | 0 | 01 | – | |
2 | Thanh tra viên chính | 10 | 983 | 09 | 111,1 | 01 | 05 | 05 | |
3 | Thanh tra viên | 17 | 1627 | 16 | 106,25 | 01 | 09 | 08 | |
4 | Thanh tra chuyên ngành | 05 | 606 | – | – | 05 | – | 05 | |
5 | Nghiệp vụ tiếp công dân | 09 | 1116 | – | – | 09 | – | 09 | |
6 | Thanh tra, kiểm tra, giải quyết KNTC và PCTN | 02 | 359 | – | – | 02 | – | 02 | |
7 | Quốc tế (Campuchia) | 01 | 24 | 02 | 50 | -1 | 01 | – | (Lào không cử hv) |
Tổng số | 45 | 4805 | 28 | 161 | 17 | 16 | 29 |
Đạt được kết quả trên do:
– Có sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám hiệu trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được giao;
– Phòng đã tham mưu làm tốt công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng từ đầu năm, tổ chức xây dựng tiến độ tổ chức các khóa học sát với khả năng thực tế của Trường;
– Sự phối hợp có hiệu quả của Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị khác trong cả nước đối với việc tổ chức các khóa học theo cụm, khu vực, góp phần quan trọng để Phòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao;
– Sự phối hợp có hiệu quả của các Khoa, Phòng trong việc triển khai thực hiện tổ chức các khóa học.
2.2. Việc thực hiện công tác giáo vụ, công tác kế hoạch đào tạo
– Phòng đã tham mưu cho Ban Giám hiệu rà soát, điều chỉnh kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2016 và thông tin đến Thanh tra các Bộ, Ngành, địa phương trong cả nước, tạo điều kiện cho việc tổ chức các lớp học;
– Việc triển khai thủ tục mở lớp; Việc phối hợp xây dựng lịch giảng giữa Phòng Đào tạo và các Khoa; Việc phối hợp với các Phòng chức năng chuẩn bị các điều kiện phục vụ tổ chức lớp đã kịp thời, đồng bộ hơn, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2016;
– Việc tổ chức, quản lý các khóa đào tạo, bồi dưỡng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu nên nội dung, chương trình các khóa đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo đúng quy định của Thanh tra Chính phủ và của Trường;
– Việc tổ chức các kỳ thi đánh giá kết quả học tập; Việc đề nghị công nhận kết quả học tập, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học cho học viên; Việc quản lý hồ sơ lớp học đảm bảo theo đúng quy định;
– Tham mưu cho Lãnh đạo Trường thương thảo các hợp đồng đào tạo, hợp đồng liên kết đào tạo.
2.3. Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý lớp học và học viên
Năm 2016, cán bộ, viên chức của Phòng đã trực tiếp và phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý 45/45 khóa đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 16 lớp tổ chức tại Trường và 29 lớp tổ chức bên ngoài Trường;
Các viên chức được giao nhiệm vụ quản lý lớp học và học viên đã nắm chắc nội quy, quy chế và các quy định khác về đào tạo, bồi dưỡng; Xác định đúng trách nhiệm, với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nhất là khi quản lý các lớp tổ chức bên ngoài Trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường năm 2016;
Các viên chức của Phòng đã tạo mối quan quan hệ, phối hợp tương đối tốt với đơn vị phối hợp trong việc quản lý các khóa học tổ chức theo cụm, khu vực.
2.4. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức
Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức thuộc Phòng luôn được Phòng quan tâm, phối hợp với Phòng chức năng hoặc trình Ban Giám hiệu giải quyết kịp thời, trong kỳ đã tiếp nhận 02 viên chức về nhận nhiệm vụ tại Phòng.
3. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2016 của Phòng trong điều kiện thuận lợi, khó khăn như sau:
3.1. Thuận lợi
– Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2016 sớm được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho Phòng tham mưu Ban Giám hiệu triển khai tổ chức thực hiện tiến độ đào tạo, bồi dưỡng các khóa học chi tiết theo tháng, quý trong năm;
– Hoạt động Đào tạo, bồi dưỡng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, sự phối hợp của các Phòng, Khoa trong Trường;
– Năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, viên chức của Phòng dần được nâng cao và tích lũy được những kinh nghiệm nhất định trong từng mặt hoạt động của phòng. Bên cạnh đó việc tiếp nhận 02 cán bộ mới cũng giúp phòng thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình.
3.2. Khó khăn
– Việc chỉnh sửa tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được kịp thời như tài liệu tiếp công dân, tài liệu nghiệp vụ thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp;
– Đội ngũ viên chức làm công tác đào tạo, bồi dưỡng còn ít kinh nghiệm, còn làm theo thói quen nên cũng có khó khăn nhất định;
– Việc tổ chức chiêu sinh một số khóa học chưa đạt yêu cầu về số lượng theo Kế hoạch của Tổng Thanh tra Chính phủ giao, như chiêu sinh các khóa nghiệp vụ thanh tra viên và thanh tra viên chính tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP NĂM 2017
1. Phương hướng
– Tham mưu xây dựng tốt hơn nữa tiến độ triển khai tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phê duyệt;
– Tập trung, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý các khóa đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo chấp hành nghiêm theo nội quy, quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trường của Thanh tra Chính phủ;
– Phối hợp với các Khoa giảng viên đề xuất xây dựng mới, hoàn chỉnh các chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề, cập nhật kiến thức phục vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng… cũng như đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới, đáp ứng yêu cầu thực tế, làm phong phú các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trường;
– Chủ động tham mưu Ban Giám hiệu tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo nhu cầu của các bộ ngành, địa phương;
– Thường xuyên quan tâm, kịp thời đề xuất Ban Giám hiệu đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, viên chức trong Phòng;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Ban Giám hiệu giao.
2. Giải pháp
– Chú trọng hơn nữa việc tham mưu cho Ban Giám hiệu trong quản lý chất lượng giảng dạy, hạn chế việc điều chỉnh, thay đổi lịch giảng. Nâng cao chất lượng quản lý khóa học, góp phần nâng cao ý thức học tập của học viên, khắc phục tình trạng nghỉ học, nghỉ không xin phép của học viên;
– Thực hiện việc tổ chức đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng khoa học, chặt chẽ, đúng theo quy định và ngăn chặn có hiệu quả các tiêu cực có thể xảy ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng, kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm nếu có;
– Nêu cao vai trò cán bộ quản lý trong phạm vi trách nhiệm được giao; tích cực học tập nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kịp thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy chế, các giải pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ của Phòng;
– Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức của Phòng về năng lực công tác; tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Phối hợp chặt chẽ với các Khoa trong việc xây dựng lịch giảng để nâng cao tính khoa học hợp lý, khả thi của lịch giảng và tổ chức thực hiện đúng theo lịch giảng đã ký, tránh trường hợp dồn, ghép, rút ngắn thời gian gây khó khăn trong việc tổ chức lớp, đặc biệt các lớp ngoài Trường;
– Phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản trị – Tài vụ trong việc xây dựng hợp đồng, thanh lý hợp đồng đảm bảo nhanh gọn, thuận tiện.
IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Đổi mới giáo trình, tài liệu bồi dưỡng
– Việc đổi mới biên soạn giáo trình/tài liệu cần được diễn ra thường xuyên, cập nhật kiến thức kịp thời;
– Cần xây dựng hai loại giáo trình/tài liệu cho học trực tiếp trên lớp và học từ xa;
– Ngoài giáo trình chính thống phục vụ cho các khoá bồi dưỡng ngắn hạn, cần tạo các diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức giữa các học viên với giảng viên, học viên với học viên;
– Xây dựng các giáo trình, tài liệu điện tử (E-books) để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tự học nhằm mở rộng kiến thức và nâng cao trình độ.
2. Đẩy mạnh phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ theo nhu cầu của Bộ ngành, địa phương.
3. Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển thị trường đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
4. Có kế hoạch tổ chức hội nghị khách hàng kết hợp vào những ngày khai giảng các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo cụm, khu vực đã được Tổng Thanh tra phê duyệt.
5. Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để phục vụ tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn.
6. Phát triển đội ngũ giảng viên
– Đối với giảng viên cơ hữu tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về các khung chương trình bồi dưỡng;
– Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức, chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng cơ quan Thanh tra Chính phủ, đây là những người có bề dầy kinh nghiệm quản lý và thực tiễn công tác của ngành, nhất là đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, qua đó nâng cao chất lượng các khóa bồi dưỡng.
7. Cần đổi mới hình thức, phương thức quảng bá các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương; các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt chú trọng đến cấp xã phường, thị trấn
– Thực hiện giới thiệu Trường và các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn trên website Trường: Xây dựng tài tiệu chiêu sinh, thiết kế nội dung giới thiệu về chương trình bồi dưỡng ngắn hạn lên website. Trong đó, tập trung vào vấn đề học viên có thể áp dụng kiến thức ra sao cho công việc sau khi kết thúc khóa học. Cần có hình ảnh minh họa phù hợp, bắt mắt cho các chương trình bồi dưỡng;
– Xây dựng bộ catalog đầy đủ thông tin, thiết thực đầy đủ hình ảnh để quảng bá trực tiếp đến các Bộ ngành, địa phương, để cho họ thấy được tầm quan trọng của các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ;
– Phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ – TTCP để tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ có văn bản yêu cầu các địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn phải tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.
8. Quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa, trang bị kịp thời cơ sở vật chất, phương tiện cho các phòng học, nơi ăn, nghỉ của học viên để đảm bảo tổ chức tốt các khóa học.
9. Rà soát, điều chỉnh, xác định chức năng, nhiệm vụ của các Phòng, Khoa, hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Trường.
Nơi nhận: – Ban Giám hiệu; – Phòng Tổ chức hành chính; – Lưu Phòng Đào tạo.
|
TRƯỞNG PHÒNG
Đào Quốc Trưởng |
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)