Luật
Phòng, chống tham nhũng 2018, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2019 đã mở rộng
phạm vi điều chỉnh so với Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (SĐBS 2007, 2012).
Theo đó, việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng bao gồm cả người có hành
vi tham nhũng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý tài sản thu nhập
không được giải trình một cách hợp lý. Việc mở rộng này, phải kể đến việc áp
dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà
nước. Quy định này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực
hiện mục tiêu: Xây dựng một xã hội liêm chính, trong đó thực hiện cơ chế quản
lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch “không thể tham nhũng” trong
cả khu vực công và khu vực tư.
Cùng
với việc quy định trách nhiệm chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh
nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Luật
Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng quy định việc áp dụng các biện pháp phòng,
chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Cụ thể như
sau:
1.
Xác định đối tượng áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh
nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, bao gồm: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực
ngoài Nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm: Công ty
đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng
Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê
duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện
(sau đây gọi chung là doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước).
2. Các
biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực
ngoài Nhà nước:
Luật
Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định các biện pháp phòng, chống tham nhũng áp
dụng trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước, bao gồm: Quy
định về thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh
nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; quy định về thực hiện việc kiểm soát
xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; quy định
về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng
trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Nghị định định số 59/2019/NĐ-CP đã
quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong
doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước, cụ thể như sau:
–
Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ
chức khu vực ngoài Nhà nước: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã
hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng
góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ
chức, hoạt động của mình, có trách nhiệm quy định cụ thể hình thức công khai,
nội dung, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch trong doanh nghiệp,
tổ chức mình.
Theo đó, các đối tượng trên phải thực hiện công khai minh
bạch trên cơ sở các nội dung quy định như sau:
+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên
quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương,
thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội
khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí
nhân sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp
luật có liên quan.
+ Ngoài ra, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ
trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập
hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động
từ thiện còn phải công khai, minh bạch các nội dung sau: Quy chế huy động, quản
lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; quyền lợi và nghĩa vụ của
người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để
hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp;
kết quả huy động, bao gồm: Danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức
và mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng; kết quả quản lý, sử dụng các khoản
huy động vào mục đích từ thiện.
–
Thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực
ngoài Nhà nước: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ
tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của
Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức,
hoạt động của mình, thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích như sau:
+ Quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách
nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích và công khai, phổ
biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của doanh nghiệp, tổ
chức;
+ Quy định và thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông
tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm việc giám
sát và áp dụng các biện pháp phù hợp khác theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột
lợi ích;
+ Có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp
của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh
nghiệp, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại;
+ Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm
pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.
–
Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng
trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý: Công ty đại chúng, tổ chức tín
dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có
huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù
hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình, quy định về chế độ trách
nhiệm của người đứng đầu như sau:
+ Quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó
của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình
quản lý;
+ Quy định hình thức xử lý trách nhiệm, các trường hợp
được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng nặng trách nhiệm đối với người
đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh
nghiệp, tổ chức do mình quản lý;
+ Quy định trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người
đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh
nghiệp, tổ chức do mình quản lý.
3. Một
số lưu ý trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh
nghiệp tổ chức ngoài khu vực Nhà nước
Có
thể nói, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, chúng ta cần thực hiện các biện
pháp phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước một cách
toàn diện, sâu rộng như các biện pháp: Thực hiện công khai, minh bạch, nhận
diện và kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng và tuân thủ các nguyên tắc liêm
chính trong hoạt động kinh doanh; phát hiện và xử lý tham nhũng và các hành vi
khác vi phạm pháp luật về tham nhũng,…Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Luật
Phòng, chống tham nhũng đưa đối tượng này vào điều chỉnh và xác định trách
nhiệm cụ thể trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, cho nên việc
thực hiện phải tiến hành từng bước, tránh việc Nhà nước can thiệp quá sâu vào
hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở: Nhà nước đảm bảo môi trường pháp lý
thuận lợi, khuyến khích việc cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế
trong xã hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Trước mắt, để thực hiện có
hiệu quả các quy định mới này, chúng ta cần lưu ý: Thứ nhất, cần làm tốt công
tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các cơ
quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài Nhà nước. Để thực hiện điều này, về phía
các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước nói riêng và toàn xã hội nói
chung, cần nâng cao nhận thức và ý thức đối với việc thực hiện công tác phòng,
chống tham nhũng, xác định được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình khi
thực hiện tốt các quy định mới trong Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành; về
phía Nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để thực hiện các quy
định của pháp luật; xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy định của pháp
luật về phòng, chống tham nhũng trong các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp
với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, đặc biệt là những chế tài hành chính,
hình sự xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm
của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu
vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng. Thứ hai, cần thực hiện nghiêm túc
công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định, nhằm phòng ngừa, kịp
thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu
vực ngoài Nhà nước quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Để làm được
điều đó, trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế hiện nay, cần xây dựng
liêm chính, văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ
chức, đơn vị mình, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của phòng, chống tham
nhũng trong khu vực này.Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng đối
với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước là một nội dung mới, do vậy,
chúng ta cần tiến hành từng bước cả về quy mô và đối tượng áp dụng… để trên cơ
sở đó đánh giá, tổng kết và tổ chức thực hiện trên phạm vi rộng hơn trong thời
gian tới.
Tóm lại, việc áp dụng các biện pháp phòng,
chống tham nhũng đối với khu vực ngoài Nhà nước là một vấn đề mới, đột phá của
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, thể hiện sự nhạy bén của cơ quan tham mưu
xây dựng luật, đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn đặt ra cũng như yêu cầu của
hội nhập kinh tế quốc tế. Phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước,
thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng và được kỳ
vọng là cú hích hiệu quả trong cuộc đương đầu với vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam
hiện nay./.
TS. Nguyễn Thị Hồng
Thúy,
Khoa QLNN và PCTN,
Trường CBTT
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)