Sáng 17/01/2017 Khoa Quản lí Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng tổ chức sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Khái quát chung về công tác thanh tra” do đồng chí Vũ Văn Chiến, TTVCC, Hiệu trưởng Trường cán bộ Thanh tra thực hiện.
Phát biểu, thông qua nội dung chương trình, ThS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó trưởng Khoa Quản lí nhà nước và Phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh đây là chuyên đề đầu tiên thuộc phạm vi giảng dạy của khoa và có ý nghĩa quan trọng cho việc giảng dạy các chuyên đề tiếp theo trong chuyên đề thuộc khoa. Chuyên đề này một mặt cung cấp cho học viên những vấn đề lý luận về khái niệm, đặc điểm thanh tra; vị trí, chức năng của thanh tra; pháp luật về thanh tra trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Mặt khác, chuyên đề còn đề cập đến quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Vì vậy, khi giảng dạy giảng viên áp dụng phương pháp giảng giảng dạy phù hợp để cho người học nắm được những vấn đề lí luận đó cũng như nắm được quan điểm, tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Để giúp giảng viên được phân công đảm nhiệm giảng dạy chuyên đề có thể hiểu và lĩnh hội hết tinh thần nội dung đó, khoa đã mời đồng chí Vũ Văn Chiến, TTVCC, Hiệu trưởng Trường cán bộ Thanh tra thực hiện. Vì vậy, ThS. Nguyễn Thị Hồng Thúy yêu cầu giảng viên trong khoa phải chú ý lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện bài giảng của mình.
Tiếp đó, đồng chí Vũ Văn Chiến trình bày và làm rõ các vấn đề khi giảng dạy chuyên đề này.
Trước tiên, đồng chí Vũ Văn Chiến phát biểu dẫn đề cho nội dung sinh hoạt chuyên môn liên quan đến chuyên đề này. Đồng chí Hiệu trưởng cho rằng, khi tiếp cận chuyên đề này không đi sâu các khái niệm pháp lí được quy định trong pháp luật thanh tra mà chỉ làm rõ thuật ngữ “thanh tra” ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, như ở Trung Quốc, Nhật Bản, v.v… dưới góc độ lí luận. Qua đó cho thấy: (1) Thanh tra là hoạt động không thể thiếu được trong quản lý hành chính Nhà nước, là một khâu, một giai đoạn của quản lý hành chính Nhà nước. (2) Thanh tra với tư cách là một chức năng, một giai đoạn của chu trình quản lý Nhà nước, thanh tra luôn gắn liền với quản lý Nhà nước, ở đâu có quản lý Nhà nước, ở đó có hoạt động thanh tra. (3) Thanh tra không chỉ phát hiện ra những sai lệch trong quản lý Nhà nước, mà những kiến nghị của cơ quan thanh tra sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước xem xét lại cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật.
Thứ hai, đối với nội dung thứ nhất về “Một số khái niệm cơ bản”: khi đã làm rõ thuật ngữ “thanh tra”, giảng viên cần làm rõ được đặc điểm của thanh tra. Thông qua các đặc điểm này làm rõ các tiêu chí về: chủ thể tiến hành thanh tra; đối tượng tiến hành thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra. Đồng thời, phân tích để cho thấy bản chất, vai trò của thanh tra nhân dân, dù có tên gọi là thanh tra nhưng không phải là “thanh tra” mang tính quyền lực nhà nước. Thanh tra nhân dân là một tổ chức giám sát của nhân dân, được thành lập ở các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước và ở các xã, phường, thị trấn. Vì vậy, thanh tra nhân dân là một hình thức giám sát của nhân dân nhằm phát huy dân chủ trong nội bộ. Mặt khác, phần này cũng phải làm rõ một số khái niệm liên quan như: kiểm tra, giám sát, điều tra để phân biệt giữa các thuật ngữ này vày với thuật ngữ “thanh tra” ở các tiêu chí về chủ thể tiến hành; đối tượng; trình tự, thủ tục. Qua đó xác định được vị trí, vai trò, chức năng của thanh tra trong mối quan hệ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta. Đồng chí Vũ Văn Chiến cũng trao đổi kinh nghiệm khi giảng dạy nội dung về “vị trí, vai trò, chức năng của thanh tra”, giảng viên cũng có thể liên hệ với thực tiễn để học viên dễ hình dung và thấy được tầm quan trọng của thanh tra trong hoạt động quản lí nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, đối với nội dung thứ hai về “Pháp luật về thanh tra trong hệ thống pháp luật Việt Nam”: Ở phần này, giảng viên phải cho học viên thấy rằng có nhiều quan điểm khác nhau để tiếp cận khái niệm về “Pháp luật về thanh tra”, từ theo nghĩa hẹp đến nghĩa rộng. Chiếu theo lịch sử hình thành và phát triển, kể từ năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, tiền thân của các cơ quan Thanh tra nhà nước ngày nay. Kể từ đó đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, với các tên gọi khác nhau, với những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau trong mỗi giai đoạn, ngành thanh tra đã không ngừng trưởng thành cả về quy mô tổ chức và phạm vi hoạt động. Qua các giai đoạn hình thành và phát triển, cho thấy thanh tra gắn với thẩm quyền của người đứng đầu trong cơ quan quản lí hành chính nhà nước và vai trò của thanh tra đối với cơ quan quản lí hành chính nhà nước trong việc thực hiện chức năng thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng… Từ những phân tích đó, có thể rút ra khái niệm pháp luật về thanh tra. Đồng thời giảng viên phải phân tích để học viên thấy được “Mối quan hệ giữa pháp luật về thanh tra với các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam”, như: (1) Quan hệ với pháp luật về khiếu nại, tố cáo; (2) Mối quan hệ với pháp luật về phòng chống tham nhũng; (3) Mối quan hệ với các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; (3) Mối quan hệ với các văn bản pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực; (4) Mối quan hệ với pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.
Thứ tư, đối với nội dung thứ ba về “Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng”. Đồng chí vũ Văn Chiến cho rằng phần này giảng viên phải làm nổi bật được các vấn đề sau:
Một là, phân tích làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra. Đảng và Nhà nước coi công tác thanh tra là công tác rất quan trọng kể từ khi thành lập đất nước đến nay, khi mà chư có hiến pháp, năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Trong suốt quá trình kiến quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự rất nhiều cuộc huấn thị về công tác thanh tra và coi công tác thanh tra là nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên của Đảng và Nhà nước. “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” nên một mặt thanh tra phải nhìn được những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để giúp cho người lãnh đạo nhìn rõ được các vấn đề thực tế cần khắc phục trong quản lí nhà nước. Mặt khác, thanh tra còn là người bạn của dưới, giúp đối tượng thanh tra khắc phục, tháo dỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước. Qua việc phân tích đó, giảng viên cũng cho học viên thấy được vai trò của cấp ủy đảng đối với công tác thanh tra để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong công tác thanh tra. Để phát huy được vai trò của thanh tra cần bố trí người làm công tác thanh tra và cấp ủy đảng…
Hai là, phân tích làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước và chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giảng viên phải chỉ ra rằng quyền khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Vì vậy, giảng viên cần làm rõ ý nghĩa của quan điểm của Đảng, Nhà nước và chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đó là: (1) Đảm bảo quyền của người dân trong xã hội hiện đại; (2) Thể hiện bản chất nhà mước của dân do dân và vì dân; (3) Trong bối cảnh hiện nay thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mang tính chất sống còn để người dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đó chính là sự thành công của một nhà nước khi làm tốt công tác này.
Ba là, phân tích làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phòng chống tham nhũng. Giảng viên phải giải thích được tác hại của tham nhũng đối với nhà nước ta. Qua đó làm rõ quan điểm của Đảng và nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của Đảng và toàn dân, coi trọng công tác phòng ngừa là chính. Vì vậy, để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng cần phải có tuyên truyền, coi là nhiệm vụ lâu dài, không thể một sớm, một chiều. Chống tham nhũng mang tính tổng thể, từ con người đến các biện pháp kỹ thuật, đến ban hành chính sách đến tổ chức thực hiện. Vì vậy, mà có nhiều chương trình được ban hành và tổ chức có hiệu quả như: chương trình cải cách nền hành chính quốc gia, chương trình cải cách tư pháp, chương trình hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Phần trình bày của đồng chí Vũ văn Chiến diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng đã mang lại cho cán bộ, giảng viên nhiều nội dung quan trọng, bổ ích cho cả vấn đề chuyên môn cũng như cách tiếp cận giảng dạy. Vì vậy, buổi sinh hoạt chuyên môn được các đại biểu và giảng viên tham dự đánh giá cao và đặt ra nhiều nội dung để giảng viên cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khi giảng dạy.
Buổi sinh hoạt chuyên môn được khép lại, Phát biểu bế mạc, ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy cảm ơn sự trình bày và dẫn đề buổi sinh hoạt chuyên môn ngày hôm nay của đồng chí Hiệu trưởng, đã giúp khoa và giảng viên được phân công giảng dạy có cách tiếp cận phù hợp với chuyên đề và hoàn thiện bài giảng của mình để thực hiện tốt kế hoạch năm của khoa./.
Đào Thảo Ly – Khoa QLNN và PCTN
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)