Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đến nay, “có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây”, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Có thể nói, nhờ có những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, công tác PCTN, TC đã được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ráo riết, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ và đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng. Song, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này, đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.

Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng

Trong những năm qua, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có cả các vụ án, vụ việc xảy ra ở các lĩnh vực có chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, lâu nay ít được quan tâm như: Đấu giá đất, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, y tế, giáo dục, trong lực lượng vũ trang, giải cứu công dân ở nước ngoài về nước và cả một số vụ án lớn, nghiêm trọng xảy ra trong khu vực ngoài nhà nước mà điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; vụ án Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh… đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh. Nhiều cơ chế hiệu quả về phát hiện, xử lý tham nhũng tiêu cực được chỉ đạo thực hiện, nhất là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý đồng bộ, kịp thời các sai phạm về tham nhũng, tiêu cực được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét, xử, thi hành án, đã góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh đó, chủ trương gắn PCTN với phòng, chống TC, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để PCTN từ gốc cũng đã mang lại hiệu quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng luôn xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn PCTN, TC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, quan tâm xây dựng và ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, lấy kết quả công tác PCTN, TC là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hàng năm. Qua đó, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC.

Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương cũng đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong PCTN, TC ở địa phương, cơ sở. Sau 1 năm hoạt động, các Ban Chỉ đạo đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTN, TC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ. Đến nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh đang từng bước đi vào nền nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia vào công tác PCTN, TC.

Coi PCTN, TC là việc làm thường xuyên, quan trọng

Cùng với các kết quả đạt được, trong các báo cáo về công tác PCTN, TC của các cấp, các ngành đều cho thấy còn không ít những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, phải kể đến các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa thật đầy đủ, đồng bộ, có một số nội dung thực tế phát sinh chưa có luật điều chỉnh cụ thể như: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giám sát hợp nhất đối với thị trường tài chính, pháp luật đối với các tài sản thuộc sở hữu toàn dân đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn còn có điểm chưa phù hợp. Thiếu cơ chế hiệu quả để kiểm soát, quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động của các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Trong xã hội vẫn còn tâm lý phải hối lộ hoặc tác động bằng hình thức khác đối với người có chức vụ, quyền hạn để được thuận lợi trong giải quyết công việc. Chất lượng đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn mang tính hình thức, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa chưa cao, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn còn là khâu yếu…

Để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trước hết đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và người dứng đầu phải luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC. Coi PCTN, TC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ”. Vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC; xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những trường hợp người đứng đầu không gương mẫu, không tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC hoặc có hành vi bao che, dung túng, cản trở việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, phải xây dựng được sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên về PCTN, TC, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cần xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của minh đối với công tác PCTN, TC. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hoàn thiện pháp luật, thể chế , bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Internet

Tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như: đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng văn bản, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, hướng đến mục tiêu xây dựng hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”, cơ chế phát hiện, xử lý nghiêm minh để “không dám tham nhũng, tiêu cực” và cơ chế bảo đảm về đời sống vật chất đối với đội ngũ cán bộ, công chức để “không cần tham nhũng, tiêu cực”.

Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, TC, nhất là những quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác này; đồng thời, tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, TC, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý; thực hiện đồng bộ 4 mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Đặc biệt chú trọng giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, nhất là những lĩnh vực hoạt động có tính chất khép kín, chuyên môn sâu, trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án đầu tư lớn, mua sắm lớn từ tài sản nhà nước; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài, hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu… Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, lỷ luât hành chính của Nhà nước và xử lý theo pháp luật./.

Bảo Anh
(Nguồn: ThanhtraVietNam)