Cơ quan Thanh tra có nhận được của giáo viên tố cáo Hiệu trưởng, về các vấn đề: kê khống chứng từ chi tiền quy mô; vi phạm nguyên tắc công khai tài chính; không thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ; gây mất đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu xét thấy cần thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề này. Xin hỏi, có thể chuyển yêu cầu tố cáo đó sang thanh tra, kiểm tra được không? Trình tự và căn cứ pháp luật thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018, Cơ quan Thanh tra khi nhận được đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan thanh tra thì Cơ quan Thanh tra phải chuyển đơn tố cáo đó đến người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, không được tự ý thanh tra đột xuất.
Tại Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”
Như vậy, việc tố cáo Hiệu trưởng phải do Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của Trường đó giải quyết theo trình tự thủ tục do pháp luật về tố cáo quy định (câu hỏi không nói rõ Trường nào). Thủ trưởng cơ quan quản lý có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể giao cho cơ quan Thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo để làm cơ sở ban hành kết luận nội dung tố cáo nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 29 của Luật Tố cáo năm 2018: “Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:
Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật này;
Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;
Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;
Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.”
Trường hợp thấy cần thiết, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể giao cho cơ quan chức năng tiến hành thanh tra hoặc kiểm tra đột xuất những nội dung nêu trong đơn tố cáo và cả những nội dung khác theo quy định tại khoản 4 điều 37 Luật Thanh tra 2010 quy định: “Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao”.
Do đó, cơ quan được giao thanh tra, kiểm tra đột xuất tiến hành thanh tra, kiểm tra theo trình tự, thủ tục về thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở kết luận thanh tra, kiểm tra, thủ trưởng cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Trường hợp tố cáo không đủ điều kiện giải quyết như quy định tại Điều 25, 26 Luật Tố cáo năm 2018 thì không cần ban hành kết luận nội dung tố cáo, mà xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra. Trường hợp này, cơ quan thanh tra có thể coi đây là thông tin để xem xét đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm.