Thực hiện nhiệm vụ xử lý đơn của công dân có nội dung tố cáo công chức Địa chính xã “lạm quyền, gây ảnh hưởng cho người dân trong xây dựng…”. Căn cứ Điều 24 Luật Tố cáo, tôi đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Qua đó, nội dung tố cáo không có chứng cứ, tài liệu, cơ sở xác định người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật nên đã không thụ lý tố cáo và ban hành Kết luận vụ việc là: “nội dung tố cáo không đúng, không có cơ sở xem xét” trả lời cho công dân rõ.
Như vậy, trường hợp này được xét là đơn tố cáo hay là đơn phản ánh và việc không thụ lý tố cáo (do nội dung tố cáo không có cơ sở để xác định người bị tố cáo vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật) là đúng hay sai theo quy định?
Việc nhận diện đơn là đơn tố cáo hay đơn phản ánh phải căn cứ vào nội dung của đơn, tính chất của đơn, mục đích của người viết đơn để nhận diện. Với dữ kiện nêu trên bạn căn cứ vào nội dung đơn nhận diện là đơn tố cáo để xử lý là đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018 về xử lý thông tin tố cáo, Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018 quy định:
“Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật này;
b) Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;
d) Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật”.
Như vậy qua việc xử lý thông tin ban đầu cũng như kiểm tra các điều kiện thụ lý tố cáo bạn đã xác định nội dung tố cáo không có cơ sở để xác định người bị tố cáo vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Do không thỏa mãn một trong các điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018 và căn cứ vào Điều 24 Luật Tố cáo bạn không thụ lý tố cáo và thông báo cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo theo quy định.