Câu hỏi

5.19KTiếp dân , Giải quyết KNTC
0
0 bình luận

a) Hỏi về đối tượng khiếu nại và tố cáo:

– Đối tượng khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật

– Đối tượng tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực

Vậy đối tượng khiếu nại có trùng với đối tượng tố cáo không?

b) Xử lý các trường hợp cụ thể:

– Trường hợp 1: Công dân cho rằng quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ của UBND Huyện là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình nhưng công dân không khiếu nại mà tố cáo hành vi ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật. Vậy xác định đơn này là khiếu nại hay tố cáo?

– Trường hợp 2: Tương tự trường hợp 1, công dân thực hiện việc khiếu nại và đã được giải quyết khiếu nại lần hai công nhận một phần khiếu nại đúng. UBND Huyện ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung. Công dân tiếp tục gửi đơn tố cáo hành vi cố ý ban hành hỗ trợ, bồi thường ban đầu trái pháp luật vì công dân phải khiếu nại nhiều lần mới giải quyết được quyền lợi, yêu cầu xử lý người ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ ban đầu.

– Trường hợp 3: Tương tự trường hợp 1, công dân thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định thu hồi đất và quyết định hỗ trợ, bồi thường nhưng do hết thời hiệu nên không được thụ lý. Từ đó, công dân tố cáo hành vi ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật.

Câu hỏi đã trả lời

Trường Cán bộ Thanh tra trả lời

0

Quan trọng là ở câu “Trái pháp luật” hay “vị phạm pháp luật”. Nếu công dân cho rằng hành vi của cán bộ công chức “trái pháp luật” thì là khiếu nại còn công dân chỉ rõ hành vi của cán bộ công chức là “vi phạm pháp luật” được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể thì đó là tố cáo. Ngoài ra còn phụ thuộc vào việc làm việc với công dân để công dân xác định mình thực hiện quyền nào? Quyền khiếu nại hay tố cáo

Câu hỏi đã trả lời
Bình luận
0

a) Câu hỏi đối tượng khiếu nại có trùng với đối tượng tố cáo không:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Theo quy định này thì đối tượng của Khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính và các quyết định kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan hành chính và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính. Như vậy, khiếu nại chịu sự điều chỉnh của Luật Khiếu nại chỉ phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính mà chủ thể bị khiếu nại là các cơ quan hành chính và người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018:“Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Với quy định này thì đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và Luật Tố cáo điều chỉnh với hai nhóm hành vi: vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Như vậy, phạm vi đối tượng bị tố cáo rộng hơn so với khiếu nại vì nó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quản lý hành chính.

Tuy nhiên, giữa đối tượng bị tố cáo và đối tượng bị khiếu nại cũng có điểm giao thoa đó là hành vi hành chính bị khiếu nại và hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ. Ví dụ: Nộp đầy đủ hồ sơ tài liệu lên văn phòng đăng ký đất đai và quá hạn nhận kết quả mà công dân không nhận được thì có thể khiếu nại hành vi chậm trễ hoặc tố cáo vì trường hợp này cũng là vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ. Như vậy, cũng sẽ có trường hợp trùng nhau về đối tượng giữa khiếu nại và tố cáo.

b) Xử lý 3 trường hợp cụ thể:

– Trường hợp 1: Tuy đối tượng bị khiếu nại và tố cáo có thể trùng nhau một số trường hợp ở hành vi hành chính và hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ. Nhưng không phải việc xử lý đơn là khiếu nại hay tố cáo chỉ căn cứ vào tên đơn như trong hai trường hợp này. Việc xử lý đơn phải căn cứ vào nội dung đơn không căn cứ vào tên đơn. Với hai trường hợp trên bản chất vẫn liên quan đến quyết định thu hồi và bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì phải là khiếu nại.

– Trường hợp 2: Lưu ý theo quy định của Luật Tố cáo 2018 thì tất cả các trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết sẽ không được thụ lý giải quyết trừ trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 29: Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật”.

– Trường hợp 3: Bản chất đây vẫn là vụ việc khiếu nại. Tuy nhiên, do hết thời hiệu mà chuyển sang tố cáo thì cũng tương tự như trường hợp 1. Không căn cứ tên đơn mà căn cứ vào nội dung đơn để xác định đơn.

xuất bản
Bình luận

Theme Settings