Thanh tra, kiểm tra là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, giúp chủ thể quản lý xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý. Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với Nhà nước các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Thanh tra luôn gắn liền với quản lý và là một giai đoạn của chu trình quản lý.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt để kiểm soát bộ máy chính quyền, bảo đảm các cơ quan Nhà nước và cán bộ, nhân viên Nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm của mình, bảo đảm sự liêm chính và phục vụ nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: Thanh tra là công tác quan trọng và có tính chất thường xuyên của cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp; “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Với nghĩa là “Tai mắt của trên”, có thể hiểu công tác thanh tra giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được thực trạng hoạt động, thực hiện chính sách, pháp luật của đối tượng quản lý, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “có thể nói, cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Cùng với vai trò là “tai mắt của trên”, thanh tra còn là “ bạn của dưới”. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp dưới, là đối tượng thanh tra thì thanh tra chính là người bạn giúp họ nhìn thấy, biết được những việc mình làm đúng, làm tốt để tiếp tục phát huy, những việc làm sai, làm không đầy đủ, làm thiếu trách nhiệm để khắc phục, sửa chữa nâng cao hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Người căn dặn “các cô, các chú phải làm thế nào đừng để nhiều thư khiếu nại gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương giải quyết không tốt nên họ phải đưa đến Bác”.
Đối với người làm công tác thanh tra, Bác Hồ rất quan tâm đến cán bộ làm công tác thanh tra. Bác dạy rằng: Cán bộ thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và giàu bản lĩnh. Đồng thời phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn. Người đã chỉ rõ: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Để làm gương cho người ta soi thì cán bộ thanh tra phải thực sự có tài năng và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng. Người nói: “Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy”. Do vậy, người làm công tác thanh tra phải luôn rèn luyện, tu dưỡng và có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời tăng cường ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ thanh tra nói riêng trở thành kim chỉ nam cho việc học tập, rèn luyện đạo đức, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của người cán bộ thanh tra. Đồng thời cũng rèn luyện cả tác phong công tác thanh tra như Bác đã từng răn dạy cán bộ thanh tra: phải đến tận nơi, xem tận chỗ; phải khách quan, tỉ mỉ cẩn thận; phải dân chủ và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, phát huy vũ khí phê bình và tự phê bình…
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ thanh tra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cần trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng và đạo đức của người làm công tác thanh tra. Trong thời gian vừa qua, Trường Cán bộ Thanh tra đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức ngành thanh tra. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra theo ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp đã không ngừng được hoàn thiện. Các chương trình không chỉ trang bị các kiến thức nền về pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng mà còn tập trung làm rõ các quy trình nghiệp vụ hay cách thức tổ chức thực hiện công việc trong thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời trang bị các kỹ năng, nghiệp vụ xử lý các tình huống phát sinh trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, giúp cho người học có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, học viên còn được truyền đạt về đạo đức công vụ của người làm công tác thanh tra, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong tiếp công dân.
Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra đáp ứng yêu cầu mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
– Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ thanh tra. Thực tiễn xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, yêu cầu đối với công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra ngày càng cao. Do vậy, cán bộ thanh tra cần được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức hàng năm mới có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, đa số công chức ở các cơ quan thanh tra mới tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch thanh tra viên để được bổ nhiệm vào ngạch tương ứng mà chưa được bồi dưỡng thường xuyên hàng năm. Điều này dẫn tới có nhiều trường hợp nhiều năm không bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
– Tăng cường thêm các nội dung kiến thức, kỹ năng trong bồi dưỡng đối với cán bộ thanh tra. Nội dung kiến thức, kỹ năng không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng mà cả về đạo đức công vụ, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Như vậy, trong công tác thanh tra hay giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ thanh tra mới đánh giá được những bất cập trong quản lý, cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.
– Đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ thanh tra. Bên cạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch thanh tra mang tính chất dài hạn thì các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn mang tính chất chuyên sâu về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết. Trong những năm qua, Trường Cán bộ Thanh tra đã tăng cường mở rộng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, tuy nhiên cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của thanh tra các bộ, ngành, địa phương để cán bộ thanh tra có điều kiện được bồi dưỡng chuyên sâu, thường xuyên.
– Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường, các cơ quan thanh tra cần đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, quán triệt về quy tắc đạo đức, ứng xử của cán bộ thanh tra.
Công tác thanh tra có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những yêu cầu quan trọng trong bồi dưỡng cán bộ thanh tra. Với việc thực hiện tốt công tác bồi dưỡng cán bộ và sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ thanh tra theo lời dạy của Bác sẽ giúp cán bộ thanh tra có đủ “tâm” và “tầm” để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
TS. Phạm Tuấn Anh
Phó Trưởng Khoa Nghiệp vụ II
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)