Theo Luật Quản lý thuế năm 2019, giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết. Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp: (1) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia; (2) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Năm 2023, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo hệ thống tập trung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra một số nội dung trọng tâm, trọng điểm như: Kiểm tra sử dụng hóa đơn; công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT); các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực bất động sản, hoạt động thương mại điện tử, hoạt động mua bán online trên các mạng xã hội.
Đồng thời, áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro và ban hành Quy trình kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế, ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế.
Toàn hệ thống Thuế đã thực hiện hơn 74 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra trên 748 nghìn hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 72 nghìn tỷ đồng, trong đó: Tiền truy thu, truy hoàn hơn 13 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ gần 54 nghìn tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 5 nghìn tỷ đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) đạt hơn 13,7 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện 1.271 cuộc kiểm tra nội bộ tại 1.412 đơn vị; phát hiện vi phạm tại 221 đơn vị với số tiền gần 26 tỷ đồng; đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 17 tỷ đồng. Số cán bộ thuế vi phạm phát hiện qua kiểm tra bị kiến nghị xử lý hành chính là 1.050 người; đã xử lý 999 người bẳng các hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Theo một báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Thuế (số liệu tính đến ngày 27/10/2023), qua thanh tra, kiểm tra 599 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết đã truy thu, truy hoàn và phạt 1.226,3 tỷ đồng; giảm lỗ 10.429,4 tỷ đồng; giảm khấu trừ 39,7 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.004,5 tỷ đồng (trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 465 tỷ đồng, giảm lỗ 8.753,8 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.827,1 tỷ đồng).
Theo Định hướng thanh tra của các bộ, ngành kèm văn bản hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro (dầu khí, xăng dầu, điện lực, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản); doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm hoặc thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực; doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị giao dịch; doanh nghiệp có phát sinh chi phí dịch vụ, bản quyền lớn từ các bên liên kết…
Xác định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để ngăn ngừa việc lợi dụng hành vi chuyển giá tránh thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác quản lý thuế, được Chính phủ và Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và để tăng cường công tác quản lý thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ngày 13/12/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 5654/TCT-TTKT về tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế thực hiện một số nội dung như:
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết có rủi ro cao về giá chuyển nhượng:
Đẩy mạnh công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế, phân tích hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết trên địa bàn; rà soát, tổng hợp thông tin từ các nguồn về ngành nghề hoạt động, loại hình doanh nghiệp, tình trạng đầu tư, tình hình kê khai, điều chỉnh giá giao dịch liên kết… để nhận diện các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về giá chuyển nhượng (như doanh nghiệp phát sinh doanh thu, chi phí với các bên liên kết có giá trị lớn hoặc chiếm tỷ trọng cao; doanh nghiệp kê khai lỗ lớn và liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; có doanh thu tăng trưởng nhưng số thuế phải nộp ngân sách nhà nước thấp;…).
Qua đó, tiến hành thu thập thông tin, tài liệu để phân tích chuyên sâu và xác định các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về giá chuyển nhượng.
Đưa các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về giá chuyển nhượng vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2024 theo quy định; trong đó xác định cụ thể là thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng.
Thứ hai, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan trên địa bàn để đẩy mạnh công tác chống chuyển giá:
(1) Phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan báo chí địa phương tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn về pháp luật thuế trong đó có pháp luật về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đồng thời cung cấp các thông tin về chính sách quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đồng thời.
(2) Tăng cường trao đổi, thu thập thông tin, dữ liệu của các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn phục vụ công tác quản lý thuế.
(3) Nắm bắt thông tin thường xuyên, liên tục để phát hiện dấu hiệu vi phạm, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận có quy mô lớn, có tính chất phức tạp, các hình thức chuyển giá, tránh thuế mới. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự, kịp thời chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, học tập và chia sẻ kinh nghiệm: Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ thuế về ngoại ngữ và chuyên môn, tổ chức hội nghị tập huấn chia sẻ kinh nghiệm và vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết tại cơ quan thuế địa phương. Tích cực trao đổi, thảo luận tại các hội nghị, hội thảo về giá chuyển nhượng do Tổng cục Thuế phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện. Tham dự đầy đủ các khóa đào tạo về thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng do Tổng cục Thuế tổ chức.
Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp: Tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp với cơ quan thuế; phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, các Ban ngành liên quan tại địa phương, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức: văn bản, điện tử, website… để tuyên truyền về pháp luật thuế, chuyển giá, nâng cao nhận thức trong doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo đài tại địa phương để xây dựng các chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật thuế nói chung và pháp luật thuế về giao dịch liên kết nói riêng.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)