(ThanhtraVietnam) – Phòng, chống tham nhũng (PCTN) trước hết là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp, bởi lẽ tham nhũng gây ra chi phí rất cao cho bản thân cá nhân và doanh nghiệp, bên cạnh các tổn thất khác cho nhà nước và thị trường. Bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ các khái niệm về Tham nhũng trong Kinh doanh và Tác hại của Tham nhũng trong Kinh doanh.
Tham nhũng trong kinh doanh
Khái niệm tham nhũng có thể được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động của các chủ thể tham nhũng, vào tính chất, mức độ hoặc quy mô của tham nhũng, vào loại hành vi tham nhũng, v.v… Tham nhũng theo cách hiểu truyền thống được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) định nghĩa là “sự lạm dụng quyền lực được giao vì mục đích cá nhân”. Tham nhũng được phân loại thành tham nhũng lớn, tham nhũng vặt và tham nhũng chính sách, phụ thuộc vào qui mô, mức độ nghiêm trọng và phạm vi xảy ra tham nhũng.
Định nghĩa tham nhũng nói chung và từng loại hình tham nhũng nói riêng của TI cho thấy cách hiểu này vẫn giới hạn ở những loại hình tham nhũng trong khu vực nhà nước (tham nhũng công). Ngân hàng thế giới (WB) (1997) đưa ra cách hiểu tương tự, theo đó tham nhũng được định nghĩa là sự lạm dụng công quyền/công sở vì tư lợi. Tuy nhiên giờ đây khái niệm tham nhũng đã được mở rộng, bao gồm cả những hành vi lợi dụng nhiệm vụ được giao vì vụ lợi ở ngoài nhà nước (khu vực tư). Cơ quan kiểm soát ma túy và phòng ngừa tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) trong Chương trình toàn cầu chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (2002) định nghĩa tham nhũng là việc lạm dụng quyền lực vì tư lợi và bao gồm cả tham nhũng trong khu vực công và khu vực tư. Tương tự như vậy, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng đưa ra định nghĩa thể hiện tính toàn diện của khái niệm tham nhũng, phản ánh được bản chất của hiện tượng này trong thực tiễn, đó là “hành vi làm giàu bất chính hoặc bất hợp pháp cho bản thân hoặc cho những người thân cận của những viên chức ở cả khu vực công và khu vực tư, hoặc thúc đẩy những người khác làm như vậy bằng cách lợi dụng vị trí công việc của mình.”
Dưới góc độ lý luận, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra nhiều định nghĩa về tham nhũng và cách phân loại các hình thức tham nhũng. Theo Van Duyne (1996), căn cứ vào mối quan hệ giữa các chủ thể trong quan hệ tham nhũng và lĩnh vực công việc của họ, có thể chia tham nhũng thành sáu loại chính: tham nhũng của các công chức trong khu vực công, tham nhũng giữa khu vực công và khu vực tư, tham nhũng giữa các công chức và các chính trị gia, tham nhũng của các chính trị gia, tham nhũng giữa khu vực tư với các chính trị gia, tham nhũng trong khu vực tư. Hình thức tham nhũng trong khu vực tư là hình thức trong đó các chủ thể tham nhũng là các cá nhân hoặc (và) các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư. Van Duyne cũng nhận định rằng điển hình và phổ biến nhất của tham nhũng trong khu vực tư là hành vi hối lộ trong các hoạt động kinh doanh và thương mại. Kiểu hối lộ này xuất hiện trong cơ chế thị trường và hiện nay đã trở nên một loại “lệ” trong lĩnh vực kinh tế tư nhân ở nhiều nước trên thế giới. Hối lộ trong kinh doanh đang gây ảnh hưởng xấu đến tính cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế, là một trong những nguyên nhân làm tăng giá cả hàng hoá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tổ chúc minh bạch quốc tế (TI) cũng chia sẻ quan điểm này của Van Duyne khi khẳng định rằng “Dạng phổ biến nhất của tham nhũng là hối lộ, được định nghĩa là việc đưa hoặc nhận tiền, quà tặng hoặc các lợi ích khác để làm điều gì đó không trung thực, bất hợp pháp hoặc làm tổn hại niềm tin trong quá trình hoạt động kinh doanh.”
Tham nhũng trong kinh doanh (business related corruption) bao gồm hối lộ, kế toán gian dối, trốn thuế, kinh doanh nội gián, rửa tiền, tham ô và giả mạo văn bản.
Tham nhũng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) là tình trạng tham nhũng gây thiệt hại cho một, thậm chí cả hai bên. Ví dụ điển hình nhất cho loại tham nhũng này là tội biển thủ và các tội phạm đi kèm như giữ quỹ đen, rửa tiền, làm giả hồ sơ giấy tờ, thậm chí là lừa đảo… Đối với loại hình tham nhũng này, việc phòng chống hiệu quả nhất là tập trung vào khâu phát hiện hành vi tham nhũng.
Tham nhũng cấu kết doanh nghiệp (B+B) là tình trạng tham nhũng gây thiệt hại cho bên thứ ba (có thể là khu vực công hoặc khu vực tư). Loại tham nhũng này thường xuất hiện phổ biến trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, an ninh… PCTN đối với loại hình tham nhũng này sẽ tập trung vào khâu truy tố hành vi tham nhũng.
Tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp là hình thức tham nhũng gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp do sự lạm công nội bộ hoặc gây thiệt hại cho chủ nợ/chủ doanh nghiệp. Hình thức tham nhũng này xuất hiện phổ biến trong các qui trình nhân sự, lực lượng tống tiền, lạm dụng tiền trợ cấp hoặc viện trợ… Với hành vi tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp, cần coi đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa là biện pháp PCTN chủ đạo.
Như vậy, khái niệm tham nhũng tư (tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước) trong đó trung tâm là khái niệm tham nhũng thương mại hay tham nhũng trong kinh doanh đã không còn quá xa lạ trên các diễn đàn quốc tế và nhận được sự quan tâm của cả các tổ chức quốc tế có uy tín cũng như các nhà nghiên cứu.
Tác hại của tham nhũng trong kinh doanh
PCTN trước hết là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp, bởi lẽ tham nhũng gây ra chi phí rất cao cho bản thân cá nhân và doanh nghiệp, bên cạnh các tổn thất khác cho nhà nước và thị trường. TheoBộ công cụ “Hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và ngừa phòng ngừa tham nhũng” do các nhà lãnh đạo (B20) thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) biên soạn dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những tổn thất do tham nhũng gây ra là:
Đối với người trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hành vi tham nhũng:
Có nguy cơ gánh chịu những hậu quả pháp lý nghiêm khắc từ phía cơ quan nhà nước, bao gồm trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự khi có liên quan đến hành vi tham nhũng;
Việc truy cứu trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trách nhiệm hình sự chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề, như chấp hành hình phạt tù, mất việc làm hoặc hạn chế cơ hội tìm kiếm công việc trong tương lai.
Đối với doanh nghiệp có xảy ra hoặc liên quan đến hành vi tham nhũng:
Tăng chi phí kinh doanh do phải hạch toán phần chi phí dành cho tham nhũng vào chi phí chung. Nếu lựa chọn phương thức kinh doanh “tham nhũng” thì chi phí bỏ ra sẽ ngày càng tăng lên;
Làm suy yếu năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững khi các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực dành cho tham nhũng;
Làm giảm các cơ hội kinh doanh, đặc biệt là khi mới tiếp cận thị trường, tham gia hoạt động đấu thầu, huy động vốn mở rộng kinh doanh, liên doanh, liên kết khi các đối tác biết được có liên quan đến tham nhũng;
Hủy hoại uy tín của các doanh nghiệp khi bị phát giác hoặc phanh phui có liên quan đến các vụ việc tham nhũng trong hoạt động kinh doanh.
Cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, gần như bằng không.
Đối với nhà nước và thị trường khi để xảy ra hành vi tham nhũng phổ biến:
Cản trở sự phát triển của các thị trường và làm suy giảm dòng vốn đầu tư vào thị trường, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài do sự tâm lý thiếu tin tưởng và cảm giác không an toàn khi ra các quyết định đầu tư;
Hủy hoại chế độ pháp quyền – với các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, khách quan trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh doanh khi tham nhũng; Tăng chi phí mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trong khi chất lượng giảm sút do nhà cung cấp không được lựa chọn thông qua một quy trình công bằng và khách quan;
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giảm sút, không đủ sức trụ vững trong bối cảnh khi tham gia vào các khu vực thương mại tự do, thực hiện cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
Lê Hoàng (Tổng hợp)
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)