Tôi là công chức làm tại bộ phận giải quyết thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân huyện. Hôm qua, có một công dân đến yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính, sau khi thực hiện xong, anh ấy có tặng một món quà trong túi, mặc dù tôi đã cố gắng từ chối nhưng khi bận giải quyết công việc cho công dân khác, anh ấy vẫn để lại món quà đó tại nơi làm việc của tôi. Xin hỏi trong trường hợp này, tôi phải xử lý quà tặng như thế nào?
Hiện nay, nhận quà tặng được quy định tại Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, theo đó: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”. Đồng thời, tại Điều 25 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, đã quy định về việc nhận quà tặng cụ thể, theo đó: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này”. Như vây, việc anh/chị kiên quyết không nhận quà biếu của công dân là đúng với quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trong trường hợp công dân cố ý để lại quà và không thể trả lại cho công dân đã tặng, thì theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng, anh/chị phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP. Báo cáo bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.
Việc xử lý quà tặng sẽ phụ thuộc vào quà tặng đó là gì, Điều 27 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP liệt kê các cách xử lý đối với mỗi loại quà tặng như sau:
– Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
– Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
+ Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;
+ Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
+ Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
+ Đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
+ Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
Như vậy, chị cần xem món quà được tặng là gì, sau đó báo cáo với Thủ trưởng cơ quan mình để giải quyết theo quy định của Nghị định 59/2019/NĐ-CP theo đúng trình tự, thủ tục.