Câu hỏi

3.51KPhòng chống tham nhũng
0
0 bình luận

Tôi là Giám đốc một công ty, ngành nghề chính là xây dựng. Hằng năm, Ban Quản lý dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những gói thầu xây dựng cơ bản. Với năng lực và kinh nghiệm hiện tại, công ty tôi có thể thực hiện các gói thầu này. Tuy nhiên, khi nhân viên của tôi đến mua hồ sơ dự thầu, nhân viên của Ban Quản lý dự án lại không đồng ý bán hồ sơ dự thầu cho công ty chúng tôi vì lý do em họ tôi làm kế toán tại cơ quan này cho nên sẽ xảy ra xung đột lợi ích theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Xin hỏi nếu công ty của tôi tham gia đấu thầu thì em họ tôi có vi phạm quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng không?

xuất bản

Trường Cán bộ Thanh tra trả lời

0

Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Trước hết, phải xem xét công ty của bạn có tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu hay không.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu 2013, các điều kiện để nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ bao gồm:

– Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
– Hạch toán tài chính độc lập;
– Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
– Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
– Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;
– Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;
– Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
– Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Nếu công ty bạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì công ty bạn có quyền tham gia dự thầu.

Thứ hai, có tình huống xung đột lợi ích hay không?

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, “xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ”. Cụ thể, theo quy định tại khoản 8 Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì đó là trường hợp: “Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;”

Trường hợp bạn nêu là mối quan hệ anh, chị, em họ, không phải là anh, chị, em ruột, cho nên không phải là hành vi xung đột lợi ích.

Tuy nhiên, em họ của bạn cũng như tất cả những người khác là công chức, viên chức, những người có chức vụ quyền hạn làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ chịu sự ràng buộc của các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của họ, trong đó có các quy tắc ứng xử để tránh xung đột lợi ích, đồng thời, không vi phạm những điều mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm để đảm bảo tính khách quan, công bằng,quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

xuất bản
Bình luận
You are viewing 1 out of 1 answers, click here to view all answers.

Theme Settings