Câu hỏi

1.99KTiếp dân , Giải quyết KNTC
0
0 bình luận

a) Trong giai đoạn thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; tuy nhiên trong giai đoạn này người giải quyết tố cáo mời người tố cáo đến cơ quan để làm việc trực tiếp người tố cáo không đến. Người giải quyết tố cáo có thể căn cứ vào đó ra thông báo không đủ điều kiện thụ lý tố cáo hay không?

Trong quá trình xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo có nhất thiết phải làm việc trực tiếp với người tố cáo hay không?

b) Trong quá trình xác minh, giải quyết tố cáo: Theo quy định tại Nghị định  31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo có nêu: “Trường hợp không làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan thì người giải quyết tố cáo, người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo”.

Vậy hỏi lý do “khách quan” ở đây là trong các trường hợp như thế nào? Có thể làm việc trực tuyến, online hoặc yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo qua đường bưu điện được không?

Nếu không thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện như thế nào?

xuất bản

Trường Cán bộ Thanh tra trả lời

0

Câu hỏi của bạn Trường Cán bộ Thanh tra xin trả lời như sau:

a) Việc xác minh thông tin ban đầu rất quan trọng, vì phải xác định xem có phải người có họ, tên địa chỉ như trong đơn đã nêu là người viết, ký tên hay không? Vì thực tế có trường hợp trong đơn ghi rõ họ, tên địa chỉ nhưng khi đến địa chỉ đó xác minh không có người có họ, tên như vậy. Có trường hợp có họ tên địa chỉ, có con người nhưng họ không viết, ký đơn đó (đơn mạo danh).

Nên xác minh sơ bộ là để xác định:  Họ, tên, địa chỉ, chữ ký của người tố cáo; nhân thân người tố cáo (xem họ có đủ năng lực hành vi nhân sự hay không); xác định rõ nội dung đơn tố cáo để làm cơ sở thụ lý tố cáo (nếu đơn tố cáo chưa nêu cụ thể).

Có các cách xác minh sơ bộ như sau: Mời người tố cáo đến cơ quan làm việc hoặc đến gặp trực tiếp người tố cáo theo địa chỉ ghi trong đơn; xác minh thông qua chính quyền địa phương, Tổ dân phố, Cảnh sát khu vực.

Trường hợp bạn hỏi: “Mời người tố cáo đến làm việc mà họ không đến” bạn đã căn cứ vào đó mà ra thông báo không đủ điều kiện thụ lý là chưa đủ cơ sở. Mà bạn có thể chọn cách xác minh khác như: Xác minh qua chính quyền địa phương hoặc tổ dân phố, cảnh sát khu vực trước, sau đó đến gặp trực tiếp người tố cáo theo địa chỉ ghi trong đơn.

Sau khi xác minh sơ bộ, đối chiếu với điều kiện thụ lý tố cáo, nếu đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý. Trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì ra thông báo không đủ điều kiện thụ lý tố cáo.

b) “Lý do khách quan” là những lý do từ bên  ngoài, nằm ngoài sự kiểm soát   và khắc phục của con người.

Thực tế có thể hiểu “lý do khách quan” là những lý do mang tính bất khả kháng do những yếu tố từ bên ngoài mang lại. Chẳng hạn như: do dịch bệnh và có các quy định về giãn cách xã hội của Chính phủ mà không thể làm việc trực tiếp với người tố cáo được hoặc do thiên tai, bao lũ làm cản trở giao thông liên lạc hay do người tố cáo bị bệnh nặng không thể làm việc trực tiếp được với người giải quyết tố cáo, người xác minh tố cáo.

Đối với các trường hợp này, tùy theo từng tình huống mà có cách xử lý cho phù hợp. Có thể:

– Người giải quyết tố cáo hoặc người xác minh tố cáo yêu cầu người tố cáo gửi hồ sơ, tài liệu, văn bản nêu ý kiến của mình cho người có thẩm quyền giải quyết hoặc người xác minh (đối với trường hợp dịch bệnh, giãn cách, bệnh nặng…)

– Người xác minh báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc tố cáo trên cơ sở những chứng cứ thu thập được từ những nguồn khác hoặc gia hạn việc giải quyết tố cáo để có thời gian khắc phục những lý do khách quan (đối với trường hợp thiên tai, bão lũ).

xuất bản
Bình luận

Theme Settings