Trợ giúp pháp lý trong khiếu nại, giải quyết khiếu nại là vấn đề mới được quy định tại luật khiếu nại năm 2011 so với trước đây. Tại điểm b khoản 1 Điều 12 quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại: Trong trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý (TGPL) theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy vai trò của trợ giúp pháp lý trong gải quyết khiếu nại.
Theo Điều 2, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Trợ giúp viên pháp lý là người trợ giúp pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý.
Như vậy, nếu người khiếu nại ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì trợ giúp viên pháp lý có quyền thay mặt người khiếu nại tham gia vào quá trình khiếu nại, được tham gia đối thoại … Đồng thời theo quy định tại Điều 18 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ: Thực hiện trợ giúp pháp lý; Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật; Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;
Có phải trường hợp nào công dân nào đi khiếu nại nếu có nhu cầu cũng được trợ giúp pháp lý hay không ? không phải như vậy. Chúng ta phải căn cứ vào quy định về diện người được trợ giúp pháp lý và thủ tục trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì chỉ những đối tượng sau đây mới được trợ giúp pháp lý: Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em ; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Người có công với cách mạng; Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
Với những quy định trên thì người tiếp công dân, tiếp nhận đơn khi tiếp nhận vụ việc khiếu nại, người khiếu nại ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý ngoài việc thì phải kiểm tra giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý, thì phải kiểm tra các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến đối tượng có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không? Trong trường hợp người được ủy quyền là trợ giúp viên pháp lý thiếu các loại giấy tờ chứng minh hợp pháp theo quy định của pháp luật thì người tiếp công dân hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện các loại giấy tờ. Trường hợp không đầy đủ, không hợp pháp thì không tiếp nhận đơn để xem xét giải quyết nại, nhưng phải giải thích, nêu rõ lý do.
Trong những năm qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Thể chế về TGPL tiếp tục được hoàn thiện, trong đó, nổi bật là lần đầu tiên Nghị quyết của Đảng giao nhiệm vụ và đề ra giải pháp cho công tác TGPL là nâng cao vai trò, chuyên nghiệp, chất lượng, xây dựng mạng lưới, hiện đại hóa hệ thống TGPL; Hệ thống TGPL được kiện toàn, người thực hiện TGPL ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp: Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, đội ngũ người thực hiện TGPL được các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước quan tâm thực hiện.
Tính đến hết năm 2023, hệ thống TGPL có 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, 97 chi nhánh, với tổng số 1228 viên chức, người lao động, trong đó có 676 trợ giúp viên pháp lý; có 180 tổ chức tham gia TGPL; 675 cá nhân ký hợp đồng thực hiện TGPL.
Tập trung vào vụ việc TGPL, đáp ứng ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn nhu cầu TGPL: Số lượng và chất lượng dịch vụ TGPL ngày càng được nâng cao, thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Thông qua các vụ việc TGPL cho thấy, đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung và trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc giúp người yếu thế tiếp cận công lý, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, qua đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Để tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, Bộ Tư pháp và các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng thực hiện TGPL. Các lớp tập huấn đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía đội ngũ người thực hiện TGPL ở địa phương. Đến nay, TGVPL đã trở thành đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân.
Để phát huy vai trò trợ giúp viên pháp lý tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại tốt hơn, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với người tiếp công dân, tiếp nhận đơn, giải quyết khiếu nại
Ngoài việc nắm chắc Pháp luật về Tiếp công dân, luật Khiếu nại, Nghị định hướng dẫn thi hành thì cần phải nắm chắc, thực hiện hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; đối tượng được trợ giúp pháp lý, trình thự, thủ tục kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy chứng minh trợ giúp viên pháp lý, hướng dẫn người khiếu nại (người được trợ giúp pháp lý), trợ giúp viên pháp lý thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối với người khiếu nại: Trong trường hợp người khiếu nại được trợ giúp pháp lý phối hợp tốt với trợ giúp viên pháp lý để được tư vấn khiếu nại theo quy định của pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý thì phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (bản chính có xác nhận của UBND xã, hoặc cơ quan công chứng) nội dung ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, đối với trợ giúp viên pháp lý: Phối hợp tốt với người tiếp công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại ( để thực hiện việc nhận ủy quyền khiếu nại) , người khiếu nại (người được trợ giúp pháp lý) để tư vấn khiếu nại theo quy định của pháp luật hoặc nhận ủy quyền thay mặt người khiếu nại đi khiếu nại; tư vấn, giúp người khiếu nại hoàn thiện giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, đối với các cơ quan nhà nước quản lý trợ giúp viên pháp lý:
+ Triển khai thực hiện nội dung “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, TGPL và hỗ trợ pháp lý để người dân, dễ tiếp cận pháp luật”;
+ Tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tương xứng với vị trí là đơn vị cung cấp sự nghiệp công thiết yếu. Tăng cường số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, nhất là TGVPL nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về TGPL của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn…
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL trong toàn quốc, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động khiếu nại về giải thích, giới thiệu, thông tin, thông báo về nhu cầu TGPL, người thực hiện TGPL liên thông chia sẻ các cơ sở dữ liệu có liên quan, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận dịch vụ TGPL…
Tiếp tục truyền thông hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về TGPL của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ TGPL. Khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động TGPL, nhất là đội ngũ luật sư có kinh nghiệm tham gia tố tụng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác TGPL đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng chính phủ số nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và đẩy mạnh, tăng mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực TGPL, đáp ứng yêu cầu TGPL ngày càng cao của người dân./.
Phạm Hồng Lương
Phó trưởng khoa Nghiêp vụ 2
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)