(Dẫn nguồn: Dân trí) – Tổng Thanh tra Chính phủ có thể quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng Thanh tra Chính phủ
Điều 12 Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ – thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Trong lĩnh vực thanh tra, Tổng Thanh tra có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổng Thanh tra có quyền đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thanh tra đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; nếu không thực hiện thì ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo Thủ tướng chỉ đạo.
“Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra theo quy định”, luật nêu rõ.
Đồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ có thể xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra mà Chánh Thanh tra Bộ không nhất trí với chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra tỉnh không nhất trí với chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trường hợp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không đồng ý thì Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền kiến nghị Thủ tướng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân thuộc quyền quản lý của Thủ tướng, của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra…
Chậm nhất vào ngày 30/9 hằng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra của năm sau. Ngày 25/10 hằng năm, Tổng Thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra bộ, thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của bộ, kế hoạch thanh tra của tỉnh.
Đoàn thanh tra có sai phạm: Xử nghiêm
Trường hợp đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng người ra quyết định thanh tra không xử lý thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của đoàn thanh tra không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp thành viên đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng trưởng đoàn thanh tra không xử lý thì thành viên đó không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Công khai kết luận thanh tra
Theo Điều 79, chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra theo quy định. Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của luật.
Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm:
– Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;
– Tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;
– Thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng. Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương; đối với cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương;
– Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.
Thế Kha
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)