Câu hỏi

2.48KNhững vấn đề khác
0
0 bình luận

Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu nghiễm nhiên là tài sản thuộc sở hữu toàn dân hay sau khi ra quyết định tịch thu phải làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân? Trình tự, thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu như thế nào? Đối với các loại tang vật dễ hư, hỏng, khó bảo quản ví dụ: Thịt động vật hoặc động vật còn sống thì xử lý như thế nào?

xuất bản

Trường Cán bộ Thanh tra trả lời

0

Với câu hỏi bạn nêu có 3 vấn đề và chúng tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu nghiễm nhiên là tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Căn cứ khoản 3 Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Tại khoản 1 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây gọi là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công), giải thích từ ngữ “tài sản công”: “là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; …”. Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 106 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu” là “tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân” và việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản này thực hiện thông qua quyết định tịch thu của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, sau khi người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nghiễm nhiên là tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân hay còn được gọi là “tài sản công” (Quyết định tịch thu là căn cứ chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước).

Thứ hai, trình tự, thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thực hiện như sau:

Sau khi có quyết định tịch thu, bạn căn cứ Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 23 của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (từ Điều 109 – Điều 112); Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, để tiến hành các công việc sau:

Bước 1: Báo cáo cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công.

Đơn vị chủ trì quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu có trách nhiệm báo cáo cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bước 2: Lập phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản theo các hình thức quy định tại Điều 109 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Bước 3: Tổ chức xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

Căn cứ quyết định phê duyệt phương án xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công hoặc đơn vị chủ trì quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu có trách nhiệm tổ chức xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định tại Điều 111 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bước 4: Quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu

Căn cứ Điều 112 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Số tiền thu được từ việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, việc xử lý đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, khó bảo quản, ví dụ: Thịt động vật hoặc động vật còn sống …được thực hiện như sau:

Căn cứ Điều 109 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu là tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, như: Thịt động vật hoặc động vật hoặc động vật còn sống mà không phải áp dụng hình thức giao, điều chuyển có thể áp dụng hình thức bán trực tiếp hoặc tiêu hủy tang vật không còn giá trị sử dụng hoặc buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với động vật còn sống thuộc danh mục các loài động vật hoang dã có yêu cầu quản lý đặc biệt theo quy định của pháp luật sẽ phải chuyển cho giao cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật liên quan./.

xuất bản
Bình luận

Theme Settings