(ThanhtraVietnam) – Theo Báo cáo nghiên cứu về hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp (được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển – DEPOCEN năm 2011), tham nhũng trong doanh nghiệp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khu vực Nhà nước mà giữa các doanh nghiệp với nhau cũng xảy ra hiện tượng này.
Điển hình như:
– Trong quan hệ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện – nước, cơ sở hạ tầng: Đã có những doanh nghiệp phải chi không chính thức cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện – nước, mặc dù con số này là không lớn (4,1%).
– Trong quan hệ với doanh nghiệp cho thuê mặt bằng: Khoảng 18% doanh nghiệp được khảo sát trả lời rằng có mất thêm chi phí không chính thức chiếm 18,18%. Chi phí không chính thức này được hiểu bao gồm cả tiền, quà biếu bằng hiện vật, tạo cơ hội việc làm cho người thân/quen của người đại diện bên cho thuê…).
– Trong quan hệ với bên cung cấp vốn: Theo khảo sátvề việc tiếp cận các khoản vay hỗ trợ của Nhà nước, có tới 39.8% người được hỏi đồng ý và 7.6% người được hỏi hoàn toàn đồng ý khi cho rằng việc tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước thì cần có chi phí bồi dưỡng cán bộ tín dụng. Cũng có tới gần 60% doanh nghiệp đồng ý rằng phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng mới được vay hỗ trợ.
Cũng theo báo cáo này, trong khu vực doanh nghiệp, quan hệ giữa doanh nghiệp đi vay và doanh nghiệp cung cấp nguồn vốn cũng có những mảng tối của tham nhũng. Điều này cũng đã được kiểm chứng qua các cuộc thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu của nhóm nghiên cứu. Theo đó, thực tế các doanh nghiệp hoạt động nghiêm chỉnh, có nhu cầu thực sự để mở rộng sản xuất cũng khó tiếp cận với nguồn vốn này vì chi phí bỏ ra quá cao, vượt xa với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Con số cụ thể không được đưa ra song có doanh nghiệp cho rằng để đáp ứng được phí bôi trơn đó thì doanh nghiệp chắc chắn sử dụng sai mục đích hoặc có những hoạt động phi pháp khác. Có ý kiến cho rằng, các hoạt động hỗ trợ vay vốn của Nhà nước thường khó đến được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chủ yếu dành cho các tập đoàn lớn và cho những đối tượng nghèo và khó khăn trong các dự án chính sách hỗ trợ. Đối với những ngân hàng thương mại bình thường, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ bởi quỹ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, việc bảo lãnh này cũng đòi hỏi phải có những chi phí phát sinh không chính thức liên quan.
Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy rõ ràng là trong khu vực doanh nghiệp, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khu vực Nhà nước mà giữa các doanh nghiệp với nhau cũng xảy ra hiện tượng này. Trong nội bộ doanh nghiệp ngoài nhà nước, cũng xảy ra hiện tượng một số người nắm giữ quyền hạn trong việc quản lý tiền và tài sản của doanh nghiệp đã lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt tài sản đó; hay sự thiếu minh bạch và lành mạnh trong hoạt động của các ngân hàng, các loại quỹ tín dụng có huy động các khoản đóng góp của nhân dân… đã gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Đồng thời, dưới góc độ kinh tế, tham nhũng trong khu vực tư sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định điều chỉnh hành vi tham nhũng trong khu vực tư nên những hành vi tương tự như hành vi tham nhũng xảy ra trong khu vực này thường được xử lý theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bởi vậy, trong thực tiễn, nhiều trường hợp việc xử lý chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước đối với tội tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ; hoàn thiện cấu thành của một số nhóm tội đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân… Bên cạnh đó, Chu trình đánh giá tiếp theo đối với Chương II về phòng ngừa tham nhũng và Chương IV về thu hồi tài sản của Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng bắt đầu từ năm 2016 đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Theo đó, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước một cách toàn diện, sâu rộng như các biện pháp nhận diện và kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng và tuân thủ các nguyên tắc liêm chính trong hoạt động kinh doanh; thực hiện các biện pháp và cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả…
Hơn nữa, nhiều quan điểm cho rằng nếu Luật Phòng, chống tham nhũng không đưa khu vực tư vào đối tượng điều chỉnh, kiểm soát thì việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực công sẽ giảm đi hiệu quả đáng kể. Chính vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2012) trong đó có mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, phù hợp với một số văn bản luật có liên quan là một yêu cầu tất yếu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước là một yêu cầu khách quan, phù hợp với chính sách xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng, Luật đã quy định về phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Cụ thể như sau:
1. Chủ thể của hành vi tham nhũng
Trong quy định liệt kê những “người có chức vụ, quyền hạn”, đồng thời cũng là chủ thể của hành vi tham nhũng thì ngoài những đối tượng theo quy định của Luật hiện hành, dự thảo cần bổ sung cả đối tượng là“Người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”.
Đồng thời, trong phần giải thích thuật ngữ “Cơ quan, tổ chức, đơn vị” được hiểu bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp,doanh nghiệp nhà nước,các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Điều này có nghĩa là dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài khu vực nhà nước (các hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự).
2. Về thực hiện công khai, minh bạch trongtổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị
Dự thảo Luật cần quy định bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng phải thực hiện việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của mình. Theo đó, mọi thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai, trừ nội dung thuộc bí mậtnhà nước, bí mật kinh doanh và những nội dung khác theo quy định củacác luật có liên quan.
Nội dung công khai, minh bạchthực hiện theo các quy định chung bao gồm: (1)Chính sách, pháp luật, quy chế hoạt động, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (2) Kết quả hoạt động, việc bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn huy động của cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt xác định rõ trách nhiệm công khai thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo đó: (1)Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan. (2) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện việc công khai, minh bạch. Trường hợp phát hiện vi phạmpháp luật thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, yêu cầu người có thẩm quyền xử lý.
3. Minh bạch tài sản, thu nhập
Để phù hợp với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực tư như đã trình bày ở trên, dự thảo Luật quy định một số đối tượng ở khu vực này cũng có nghĩa vụ kê khai tài sản bao gồm: Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân; Người làm việc trong các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng theo quy định.
Các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư kể trên căn cứ vào các quy định của Luật này có trách nhiệm ban hành quy định về việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản thu nhập của những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định tại Luật này và các chức vụ quản lý khác trong tổ chức, doanh nghiệp mình. Cụ thể như sau:
– Đối với tổ chức xã hội: Chủ tịch, Tổng thư ký, Kế toán trưởng của tổ chức xã hội có nghĩa vụ bắt buộc phải kê khai tài sản, thu nhập; Người đứng đầu tổ chức xã hội có trách nhiệm thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người giữ chức vụ quản lý trong tổ chức mình.
– Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước:Các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật này được áp dụng với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cổ đông, người góp vốn, người gửi tiền. Người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của các doanh nghiệp có nghĩa vụ bắt buộc kê khai tài sản, thu nhập. Ban kiểm soát trong doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Thêm vào đó, căn cứ quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành quy định về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp của mình.
Như vậy, ngoài việc tập trung vào doanh nghiệp ngoài nhà nước, dự thảo Luật chọn đối tượng làcông ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tưxuất phát từ quy mô, tầm quan trọng của loại hình doanh nghiệp này đối với nền kinh tế và cả tính đặc thù, nguy cơ phát sinh tham nhũng trong tổ chức và hoạt động, cũng như tầm quan trọng của các doanh nghiệp, tổ chức này đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Bởi đây là những loại hình doanh nghiệp có quy mô, mức vốn hóa lớn, huy động số lượng lớn các khoản đóng góp của đông đảo cá nhân, tổ chức (với số vốn góp lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng).Sức khỏe của doanh nghiệp cũng chính là sức khỏe của nền kinh tế. Chính vì vậy, cần đưa các loại hình doanh nghiệp này vào diện kiểm soát tài sản, thu nhập của một số chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm ngăn ngừa tham nhũng, lành mạnh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cổ đông, người góp vốn, người gửi tiền; đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
4. Xây dựng liêm chính, văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp.
Trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế hiện nay, khái niệm văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh thường xuyên được nhắc tới. Kinh doanh là một nghề chính đáng xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội, do sự phân công lao động xã hội tạo ra. Vấn đề là ở chỗ kinh doanh như thế nào, nó đem lại lợi ích và giá trị cho ai? Đó chính là vấn đề của văn hoá trong kinh doanh. Văn hoá trong kinh doanh là việc sử dụng các nhân tố văn hoá vào hoạt động kinh doanh của chủ thể, là loại hình văn hoá mà các chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, hình thành nên những kiểu kinh doanh ổn định và đặc thù của họ.Văn hóa kinh doanh chính là một yếu tố (chủ yếu) cấu thành văn hóa doanh nghiệp. Cũng như một tập thể xã hội muốn đoàn kết và có trật tự thì không thể thiếu văn hóa. Một doanh nghiệp muốn hoạt động hiệu quả sẽ không thể thiếu yếu tố “văn hóa kinh doanh”.
Dưới góc độ của Luật Phòng, chống tham nhũng, Dự thảo có những quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong việc xây dựng liêm chính trong tổ chức, doanh nghiệp mình, đồng thời khuyến khích các chủ thể xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Việc đảm bảo liêm chính, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng, góp phần hiệu quả vào việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực này. Cụ thể:
– Đối với tổ chức xã hội: Dự thảo luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của các loại hình tổ chức xã hội trong việc xây dựng chế độ liêm chính trong tổ chức mình, theo đó:Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sáchnhà nước (gọi chung là tổ chức xã hội) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động của tổ chức mình; phải công khai các khoản đóng góp của hội viên, các khoản huy động, tài trợ và việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp, huy động, tài trợ đó; Khi phát hiện hành vi tham nhũng thì tổ chức xã hội phải xử lý theo quy định của điều lệ của tổ chức mình; nếu vụ việc phức tạp thì phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xác minh, kết luận, xử lý hành vi tham nhũng; trường hợp hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theoquy định của pháp luật tố tụng hình sự.
–Đối với doanh nghiệp: Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp nói chung trong việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, cụ thể:Doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp mình nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Trong điều lệ, quy chế hoạt động, doanh nghiệp có trách nhiệm quy định về cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và các hành vi tham nhũng khác. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên của mình xây dựngmôi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng, minh bạch; tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.
5. Việc thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra
Bên cạnh việc chịu sự thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật nói chung, Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc duy trì, thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền đối với tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức này, cụ thể như sau:
– Đối với tổ chức xã hội: Thanh tra Bộ Nội vụ, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức xã hội theo quy định của Luật này.
– Đối với doanh nghiệp: Cơ quan thanh tra nhà nước các cấp thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp về mặt thẩm quyền, tránh chồng chéo, xung đột, đảm bảo trình tự, thủ tục, nội dung thanh tra, Dự thảo giaoChính phủ quy định chi tiết về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp nói trên.
Tóm lại, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước là 1 một vấn đề mới, đột phá của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, thể hiện sự nhạy bén của cơ quan tham mưu xây dựng luật, đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn đặt ra cũng như yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoàinhà nước, thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng và được kỳ vọng là cú hích hiệu quả trong cuộc đương dầu với vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay./.
TS. Trần Đức Lượng
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)