Ngày 05/8/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 20, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo. Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo thống nhất kết luận một số nội dung sau đây:
Về tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, nhưng dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế – xã hội. Công tác xây dựng Đảng và PCTN tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là chỉ đạo đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế; gắn phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung ương và địa phương, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt cao hơn năm trước, nổi bật là:
1. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp.
Trong 06 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Nhất là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, trong đó có 10 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 01 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 07 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm.
2. Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân. Qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Trong 06 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 07 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 01 vụ án/07 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 02 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/20 bị cáo. Khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 04 vụ án trọng điểm: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; (4) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
3. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành được quan tâm; nhất là đã chủ động, kiên quyết hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện, chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; điển hình như Thanh tra Chính Phủ chuyển 26 vụ, Bộ Tài chính chuyển 95 vụ, Ngân hàng Nhà nước phát hiện, xử lý 05 vụ việc/05 người… Cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 27 cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, 16 cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân do tham nhũng, tiêu cực; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố mới 16 vụ án/19 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
4. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các địa phương qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế như: Khánh Hòa 07 vụ/08 bị can; Thanh Hóa 07 vụ/16 bị can; Bắc Ninh 06 vụ/22 bị can; Nam Định 05 vụ/10 bị can; Phú Thọ 04 vụ/10 bị can; Thái Nguyên 04 vụ/06 bị can; Quảng Nam 04 vụ/07 bị can; Nghệ An 03 vụ/08 bị can; Hà Tĩnh 03 vụ/07 bị can, Tây Ninh 03 vụ/07 bị can… Nổi bật là, một số địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận đồng tình, đánh giá cao như Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Phú Yên, Sơn La…
5. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.
6. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và PCTN, góp phần tạo cơ sở chính trị – pháp lý đồng bộ, khả thi để PCTN hiệu quả. Nhất là đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế mới xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án: (1) Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án. (2) Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng.
7. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong PCTN
Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tập trung tuyên truyền, lan tỏa về kết quả nổi bật của công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII; về quyết tâm phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng, Nhà nước; phản bác các luận điệu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung làm tốt công tác hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn và giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, việc tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương của cán bộ, đảng viên; tổ chức giải báo chí toàn quốc với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí lần thứ 3.
8. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả
Đồng chí Tổng Bí thư, trưởng Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản, hiệu quả hơn, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2021
Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2021; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2021 kết thúc điều tra 02 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 06 vụ án, xét xử sơ thẩm 09 vụ án, xét xử phúc thẩm 07 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 05 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; (2) Vụ án “Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; (4) Vụ án “Đưa hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; (5) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
2. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Nhất là, khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 – 2017 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
3. Quan tâm chỉ đạo việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và PCTN, nhất là khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán kiến nghị, đề xuất; hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và các đề án khác theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
4. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN, tiêu cực. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.
5. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; điều chỉnh phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.
Ban Chỉ đạo đã xem xét, cho ý kiến và quyết định các vấn đề sau:
1. Cho ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực. Đề án xác định đối tượng của công tác phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị; trọng tâm chỉ đạo phòng, chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp, đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận chỉ đạo giao Ban Nội chính Trung ương tiếp thu hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
2. Thống nhất ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Quy định gồm 05 chương, 24 điều, quy định về mục đích, nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát; thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể, đối tượng kiểm tra, giám sát; quy trình kiểm tra, giám sát; tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn của đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực.
3. Kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc việc xử lý 01 vụ việc, 02 vụ án.
Theo: Noichinh.vn
Nguồn: https://thanhtra.gov.vn/
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)