Thời
gian qua, đã có tình trạng một số cán bộ thanh tra không chấp hành nghiêm nội
quy, quy chế của ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ, vi phạm các quy định
của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Để chấn
chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của cán bộ thanh tra, tăng
cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt
động công vụ và uy tín của người làm công tác thanh tra và ngành Thanh tra,
Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 về
việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành
Thanh tra.
Qua
một năm thực hiện Chỉ thị số 769/CTT-TTCP tại các Bộ, ngành và địa phương với
nhiều giải pháp được thực hiện như: rà soát, sửa đổi quy chế làm việc cơ quan,
đơn vị theo hướng rõ ràng và minh bạch hơn, có cơ chế kiểm soát đối với cán bộ
thực thi công vụ; quán triệt Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra; chấn chỉnh,
tăng cường trách nhiệm và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, của
cán bộ trong thi hành công vụ; tổ chức thêm đường dây nóng và hộp thư điện tử
để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng
nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp… Ngành Thanh tra đã hoàn
thành tốt nhiệm vụ chính trị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, của lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương, góp phần củng cố
lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị – xã
hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển… Tuy nhiên,
vẫn còn những hạn chế nhất định như: một số cuộc thanh tra có chất lượng chưa
cao, còn kéo dài khi xây dựng báo cáo kết quả và kết luận thanh tra, … Những hạn
chế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hạn chế, yếu kém về đạo
đức công vụ, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ thanh tra. Trong phạm vi bài viết
này, tác giả nêu một số khía cạnh liên quan đến việc triển khai một cuộc thanh
tra:
1.
Quan tâm đến việc nắm tình hình và xác định nội dung thanh tra
–
Việc nắm tình hình trước khi quyết định thanh tra là cần thiết trong những
trường hợp như: cuộc thanh tra về việc thực hiện một chủ trương, chính sách hay
lĩnh vực công tác lớn, phải tiến hành trên diện rộng, liên quan đến nhiều cấp,
nhiều ngành; cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều đầu mối, nhiều cấp
quản lý có trách nhiệm liên quan; để kết luận, đánh giá cần có sự tham gia của
nhiều cơ quan chức năng. Việc nắm tình hình có thể thực hiện bằng nhiều phương
pháp theo quy định pháp luật về thanh tra, trong đó có nội dung được quy định
tại Điều 16, Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính
phủ. Khi triển khai thanh tra làm tốt được nội dung này sẽ khắc phục được việc:
gia hạn thời gian thanh tra, bổ sung thành viên Đoàn thanh tra, chồng chéo
trong thanh tra (như: với các cơ quan: kiểm toán, kiểm tra, thanh tra khác).
Tuy
nhiên, cần phải có chế độ kiểm tra, giám sát đối với công tác nắm tình hình để
không xảy ra tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ
chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu; yêu cầu cung cấp những
thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao; có thể nhận hối lộ của đơn vị
để không đề xuất thanh tra về nội dung nào đó…
– Khi
ban hành Quyết định thanh tra và Kế hoạch tiến hành thanh tra cần xác định đúng
nội dung thanh tra, đảm bảo nội dung thanh tra trọng tâm, trọng điểm, vì từ nội
dung thanh tra người ra quyết định thanh tra sẽ xác định chọn Trưởng đoàn thanh
tra, cùng Trưởng đoàn xem xét: về thành phần Đoàn thanh tra; thời kỳ thanh tra;
thời gian thanh tra; lựa chọn phương pháp thanh tra; tổ chức tiến hành thanh
tra theo nhóm hoặc cho từng thành viên Đoàn thanh tra để cuộc thanh tra đạt
hiệu quả cao nhất.
2.
Bồi dưỡng và lựa chọn Trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra
– Trưởng đoàn thanh tra: Trưởng đoàn được ví
như một nhạc trưởng của dàn nhạc hoặc dàn hợp xướng. Trưởng đoàn là người
lãnh đạo, quản lý Đoàn thanh tra, có quyền quyết định về các vấn đề liên quan
đến nội dung, phương pháp thanh tra, tổ chức thực hiện cuộc thanh tra. Theo quy
định của Luật Thanh tra, Trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm cao nhất trước tập
thể, trước Người ra quyết định thanh tra.
Nếu
Trưởng đoàn thiếu bản lĩnh, kém kỹ năng chỉ đạo và điều hành, yếu về chuyên môn
nghiệp vụ, không am hiểu về lĩnh vực thanh tra, thiếu kỹ năng phân tích và tổng
hợp thì việc triển khai thanh tra sẽ lúng túng, để tình trạng cản trở hoạt
động bình thường của đơn vị được thanh tra; gây ra hiện tượng sách nhiễu, vòi
vĩnh đối tượng thanh tra; đối tượng thanh tra có thể phát sinh tâm lý tiêu cực,
phản ứng chống đối Đoàn thanh tra; phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ Đoàn
thanh tra; chất lượng cuộc thanh tra sẽ kém; báo cáo và kết luận thanh tra sẽ
không đảm bảo tiến độ đúng quy định.
–
Thành viên Đoàn thanh tra: căn cứ vào năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, kinh
nghiệm của mỗi thành viên Đoàn, Trưởng đoàn sẽ có sự phân công công việc phù
hợp, mỗi thành viên Đoàn đều đảm nhiệm một phần việc nào đó, phải có kế hoạch
và phối hợp với các thành viên khác để thực hiện tốt nhiệm vụ được
giao. Nhưng trong quá trình thanh tra, trường hợp năng lực, trình độ, kinh
nghiệm của thành viên Đoàn còn yếu kém và hạn chế nếu gặp tình huống có nhiều
thông tin, tài liệu sẽ không có khả năng nhận định về bản chất vấn đề được kiểm
tra; khi nội dung thanh tra phức tạp, đối tượng thanh tra chống đối (như: đối
tượng thanh tra không làm việc, không cung cấp hồ sơ, không ký biên bản, cố
tình báo cáo sai sự thật…) thì thành viên Đoàn sẽ không có kỹ năng xử lý tình
huống nên kết quả kiểm tra không nhận định và đánh giá được sai phạm. Dẫn đến,
thành viên Đoàn không tổng hợp được kết quả thanh tra, hoặc Báo cáo kết quả
thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn chưa đầy đủ, chưa chính xác, chưa rõ, sẽ
làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra và kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra.
3.
Xử lý hành vi chống đối trong quá trình thanh tra
–
Hành vi chống đối thường xảy ra khi có hành vi vi phạm, sai phạm nhưng đối
tượng cố tình muốn che giấu, với biểu hiện thường là: cố tình không cung cấp hồ
sơ, tài liệu; sửa chữa hoặc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu; cố ý thuyên chuyển, kỷ
luật, điều động người có liên quan trực tiếp đến nội dung thanh tra; hối lộ,
mua chuộc, đe dọa cán bộ thanh tra hoặc hối lộ cấp trên để che đỡ khuyết điểm,
sai phạm cho mình hoặc can thiệp trái pháp luật vào cuộc thanh tra; xúi giục,
xuyên tạc để kích động quần chúng hiểu sai sự thật, hiểu sai mục đích cuộc
thanh tra và có khi dùng cả bạo lực chống lại người thi hành công vụ … Trong
thời gian qua, nhiều báo chí đã thông tin về một số cuộc thanh tra có
cán bộ thanh tra gặp phải những hành vi chống đối nêu trên, mà rõ nhất việc hối
lộ, mua chuộc cán bộ thanh tra.
–
Nếu cán bộ thanh tra không có đạo đức công vụ, thiếu bản lĩnh sẽ vi phạm quy
định về những điều cấm theo quy định của Luật Thanh tra, của Luật Phòng, chống
tham nhũng, như: vòi vĩnh, nhận tiền, nhận hiện vật có giá trị hay đề nghị một
hình thức nào đó (như: đi du lịch hay khám bệnh ở nước ngoài; xin việc cho
người thân; đề nghị đơn vị cho người quen tham gia 1 phần của dự án …), từ đó
theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cán bộ thanh tra sẽ làm sai lệch bản chất
hoặc bỏ qua sai phạm của đối tượng thanh tra; làm lộ thông tin, tài liệu về Kế
hoạch tiến hành thanh tra, về kết quả thanh tra. Đây chính là một trong những
biểu hiện của vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thậm chí là vi phạm pháp
luật.
Do vậy, cán bộ thanh tra không những cần nâng
cao nghiệp vụ chuyên môn mà luôn phải rèn luyện bản lĩnh, đạo đức công vụ, đồng
thời cần làm tốt công tác tư tưởng tại nơi được thanh tra, nhất là với những
người có trách nhiệm để họ hiểu rõ mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra và
trách nhiệm của họ, trên cơ sở đó phân hoá đối tượng, hạn chế nhân tố tiêu cực,
phát huy nhân tố tích cực, góp phần vào kết quả cuộc thanh tra.
4.
Sự quan tâm của người đứng đầu, người ra quyết định thanh tra
Theo
kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc do yêu cầu quản lý, người đứng đầu hay người
ra quyết định thanh tra tại cơ quan, đơn vị thanh tra (gọi chung là người chủ
trì) phải làm việc để nghe Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo về
tiến độ, về công việc, về dự thảo kết quả và kết luận thanh tra… Qua các buổi
làm việc này, người chủ trì không những nắm bắt được công việc triển khai có
đảm bảo mục đích và yêu cầu của cuộc thanh tra hay không, mà người chủ trì còn
xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời cá nhân có hành
vi vi phạm hay thiếu trách nhiệm trong quá trình thanh tra, đồng thời qua làm
việc người chủ trì có thể phản biện các nội dung được phát hiện trong quá trình
thanh tra, để chỉ đạo Đoàn thanh tra tiếp tục làm sâu, làm rõ bản chất, củng cố
hồ sơ, chứng cứ chặt chẽ và đối chiếu lại quy định pháp luật. Nếu người đứng
đầu hay người ra quyết định thanh tra không coi trọng, quan tâm đúng mức đến
cuộc thanh tra nào đó thì chất lượng, hiệu quả và tiến độ cuộc thanh tra sẽ
không tốt.
Lời
kết:
Trong
tình hình hiện nay, cán bộ thanh tra phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ
như kim chỉ nam trong hoạt động công vụ, Bác dạy: “Thanh tra là tai mắt của
trên, là bạn của dưới”. Người cán bộ thanh tra phải có phong cách, phương pháp
làm việc khoa học, đổi mới; sâu sát công việc; coi trọng nguyên tắc, kỷ cương,
kỷ luật; phân tích xử lý vấn đề khách quan, công tâm, có lý, có tình, có tính
thuyết phục cao… Bác dạy rằng: Cán bộ thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm,
uy tín và giàu bản lĩnh. Đồng thời, phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách
mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ chuyên môn.
Thực
tiễn cho thấy: việc nâng cao đạo đức công vụ, nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ
thanh tra là đặc biệt quan trọng, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính,
thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về
việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn
chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
trong giải quyết công việc, Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Tổng
Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với
công chức, viên chức ngành thanh tra./.
TS. Trịnh Văn Toàn, TTVC, Phó Hiệu trưởng – Trường
Cán bộ Thanh tra
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)