Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong kiểm soát TSTN và các văn bản của Thanh tra Chính phủ về kiểm soát TSTN. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có nhiều điểm mới về kê khai, xác minh tài sản thu nhập. Trong đó, các quy định về xác minh tài sản, thu nhập được coi là bước đột phá của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Từ năm 2020, cả nước đã triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
Theo Báo cáo tổng kết 2023 của Thanh tra Chính phủ, kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập: 328.766 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; có 8.574 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 06 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập là 3.446 cơ quan, tổ chức, đơn vị.Thống kê của Thanh tra Chính phủ, sáu tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 202.826 người kê khai tài sản; 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 04 cán bộ bị kỷ luật do kê khai không trung thực.
Tuy nhiên, việc xác minh tài sản, thu nhập mới bắt đầu thực hiện từ năm 2022, sau khi các cơ quan, tổ chức đơn vị đã triển khai thực hiện việc kê khai lần đầu và hàng năm theo quy định Luật Phòng chống tham nhũng 2018. Mặc dù việc xác minh tài sản thu nhập đã được thực hiện đồng bộ, đi vào nề nếp, nhưng trong quá trình thực hiện, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định.
1. Về căn cứ tiến hành xác minh: Hoạt động xác minh tài sản, thu nhập là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, do cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện. Do vậy, việc thực hiện xác minh phải được tiến hành khi có các căn cứ do pháp luật quy định. Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 chỉ thực hiện xác minh tài sản, thu nhập khi có 3 căn cứ: một là, phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết; hai là, theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; ba là khi có hành vi tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 mở rộng hơn các căn cứ tiến hành xác minh, theo đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
– Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
– Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;
– Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
– Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Như vậy, có thể thấy Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mở rộng phạm vi cho việc tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Việc xác minh tài sản, thu nhập có thể được tiến hành khi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phát hiện hành vi kê khai không trung thực, giải trình không hợp lý; khi có những tố cáo được thụ lý, hoặc khi có các yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo luật định. Điều này tạo ra cơ chế giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau, huy động sự tham gia của nhiều bên độc lập, nhiều chủ thể vào giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập.
Tuy nhiên việc xác định khi nào được coi là “có dấu hiệu rõ ràng” về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, hay thế nào là “giải trình không hợp lý” ở căn cứ thứ hai vẫn còn định tính, cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng căn cứ này khi tiến hành xác minh.
2. Về thẩm quyền xác minh: Đối tượng xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã được mở rộng. Vì vậy, trách nhiệm tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập cũng được phân công, phân cấp cho nhiều cơ quan khác nhau. Cụ thể, Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm 8 cơ quan, gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội.
Về cơ bản, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đều thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định về thẩm quyền tại Điều 30 và Điều 31 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và theo hướng dẫn tại Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành theo Quyết định 56/2022 của Bộ Chính trị… Tuy nhiên hiện nay, do nhu cầu thực tế đối với một số cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đối tượng thuộc phạm vi và lĩnh vực quản lý lớn (như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng), nên phân cấp cho các đơn vị trực thuộc thực hiện hoạt động xác minh (như Quyết định số 511/QĐ-BTC ngày 27/3/2024 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của Bộ Tài chính, Quyết định số 444/QĐ-TCT ngày 11/4/2024 của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế về việc ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của Tổng cục Thuế). Giải quyết được thực tế vướng mắc nhưng lại chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, có được phân cấp không, được phân cấp đến đâu nếu có? Ví dụ: cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là Bộ Tài Chính, nhưng phân cấp cho Tổng cục Thuế, tổng cục Thuế phân cấp xuống đến các Cục thuế địa phương thực hiện việc xác minh), như vậy, trách nhiệm, phạm vi, thẩm quyền đến đâu, chế độ chịu trách nhiệm như thế nào? Điều này cần được hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng việc áp dụng không thống nhất trong hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
3. Về phạm vi xác minh: đây là vấn đề gặp nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập nhất. Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN) hiện hành cũng chỉ đề cập đến quyền “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung xác minh” (điểm b, Khoản 2 Điều 31 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018) mà chưa có quy định cụ thể phạm vi được xác minh đến đâu, xác minh trên những gì bản kê khai thể hiện hay xác minh bên ngoài bản kê khai để kiểm tra xem đối tượng có giấu giếm hay tẩu tán tài sản không. Tài sản phải kê khai thì nhiều và đa dạng, vậy xác minh đến đâu là đủ để kết luận về tính trung thực của người kê khai? Các quy định hiện hành chưa quy định rõ về phạm vi nên hiện nay việc xác minh vẫn lúng túng, mỗi địa phương, bộ ngành thực hiện một cách khác nhau.
Ví dụ, cùng là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, xác minh tài sản là đất đai nhưng có cơ quan phát công văn gửi tới cơ quan quản lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 63 tỉnh, thành, có cơ quan chỉ lấy thông tin nhà đất tại địa phương nơi vợ/ chồng người có nghĩa vụ công tác, hay cư trú. Hay cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được xác minh phạm vi đến đâu, xác minh tất cả tài sản kê khai hay chỉ những tài sản có giá trị lớn như: Nhà, đất, tiền trong ngân hàng, xe máy, ô tô… Việc xác định phạm vi xác minh phải được quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất.
4. Về trình tự, thủ tục xác minh: Các bước thực hiện quy trình xác minh hiện nay đã được quy định tại Điều 44 Luật PCTN bao gồm 6 bước: Ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập; Yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình; Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập; Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập; Kết luận xác minh tài sản, thu nhập; Gửi và công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Trong quá trình tiến hành xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần ban hành nhiều văn bản, từ Quyết định xác minh TSTN, đề cương yêu cầu người được xác minh báo cáo giải trình đến văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu của các cơ quan quản lý tài sản… Để đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong thực hiện quy trình xác minh, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình cũng như có các mẫu văn bản thực hiện trong quy trình xác minh (như Thông tư 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra – đang sửa đổi; Thông tư 0/2021/TT-TTCP quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh…)
5. Khiếu nại kết luận xác minh
Việc xác minh tài sản, thu nhập đã được thực hiện từ 2022, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng xác minh tài sản, thu nhập và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác xác minh tài sản, thu nhập. Đồng nghĩa với việc, sau khi xác minh tài sản, thu nhập, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ phải ban hành các Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Tại khoản 5 Điều 49 Luật PCTN 2018 quy định: “Người được xác minh có quyền khiếu nại Kết luận xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về khiếu nại”. Do đó, khi thấy không “tâm phục khẩu phục” với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập của mình, người được xác minh thực hiện việc khiếu nại. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định của pháp luật khiếu nại hiện hành, việc giải quyết khiếu nại Kết luận xác minh còn gặp khó khăn. Theo quy định của Luật Khiếu nại, người khiếu nại sẽ chỉ thực hiện việc khiếu nại đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính và Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Tuy nhiên, Kết luận xác minh tài sản thu nhập có thể được coi là một Quyết định hành chính để trở thành đối tượng của khiếu nại không, thì phải xem xét xem có đủ yêu cầu của một Quyết định hành chính không. Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (KLXM) do cơ quan có thẩm quyền ban hành, có đối tượng áp dụng cụ thể, nhưng nội dung của Kết luận xác minh lại chỉ dừng ở mức độ kiến nghị xử lý (nếu có vi phạm về nghĩa vụ kê khai trung thực), chưa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được xác minh, (giống như Kết luận thanh tra, dù có kết luận là có sai phạm, nhưng nội dung văn bản chỉ dừng ở mức độ kiến nghị xử lý). Do vậy, chưa đủ căn cứ để nhận diện KLXM tài sản, thu nhập là Quyết định hành chính, là đối tượng của khiếu nại. Hơn thế nữa, nếu coi đây là đối tượng của khiếu nại thì việc phân định thẩm quyền giải quyết là rất khó khăn. Luật PCTN không quy định cơ quan nào là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cấp trên, cấp dưới thuộc quyền quản lý trực tiếp, (mà chỉ liệt kê các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm 08 cơ quan tại Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018) để giải quyết lần 1, lần 2 theo quy trình giải quyết khiếu nại. Do vậy cần hướng dẫn cụ thể quy định này theo hướng coi KLXM là đối tượng của kiến nghị, người được xác minh chỉ khiếu nại Quyết định xử lý hành vi vi phạm quy định về kê khai tài sản trung thực nếu có (giống như Kết luận thanh tra, điều này đã kịp thời được điều chỉnh trong Luật Thanh tra 2022, theo đó đối tượng thanh tra chỉ kiến nghị kết luận thanh tra thay vì khiếu nại Kết luận thanh tra như Luật Thanh tra 2010 quy định trước đây) thì hợp lý và khả thi hơn.
Có thể nói, trong 6 năm thực hiện Luật PCTN 2018 và hơn 4 năm thực hiện công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập, chúng ta đã ghi nhận các kết quả của công tác này, ý thức của các cán bộ, công chức đã được nâng lên đáng kể, khắc phục tình trạng kê khai hình thức như trước đây. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số vướng mắc. Do vậy, cần kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tổng kết và sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập nói riêng và phòng ngừa tham nhũng nói chung trong thời gian tới./.
TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy
Trưởng khoa Nghiệp vụ II
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)