(ThanhtraVietnam) – Vấn đề đất đai nói chung và thu hồi đất nói riêng đặc biệt là đất nông nghiệp đang và chắc chắn sẽ là những vấn đề phát sinh khiếu kiện gay gắt, khó giải quyết. Quá trình đô thị hóa đang và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, sự gia tăng dân số ngày càng gây thêm áp lực lên quỹ đất hạn hẹp.
Nghị quyết Trung ương 12 vừa qua cũng nêu rõ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế là bắt buộc, trong đó giảm tỷ lệ kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ là một định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế và tất yếu dẫn đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Việc thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp là công việc khó khăn, phức tạp, đặc biệt khi đã nảy sinh khiếu kiện, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành hết sức thận trọng, bao gồm cả trước, trong quá trình thu hồi đất và kể cả những vấn đề hậu thu hồi đất. Mặc dù vậy, cần nhận thức rằng việc nảy sinh các khiếu kiện, thậm chí là khiếu kiện gay gắt trong quá trình thu hồi đất là điều không thể tránh khỏi và đòi hỏi ý thức trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tốt các khiếu nại, bảo đảm lợi ích của người dân góp phần giữ vững ổn định xã hội, điều kiện quan trọng cho sự phát triển đất nước. Tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, tỷ lệ rất lớn các vụ khiếu nại, tố cáo xảy ra trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là thu hồi đất đai. Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, xin nêu ra một số giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực này.
Một là, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, giảm bớt khiếu nại tiếp về đất đai.
Cho đến nay, chưa thấy có nghiên cứu về chất lượng giải quyết khiếu nại nói chung và khiếu nại về đất đai, khiếu nại về thu hồi đất nói riêng, vì vậy khó có tiêu chí để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, một thực tế có thể coi là nghịch lý, các cơ quan có trách nhiệm đã cố gắng nhiều trong việc giải quyết, tỷ lệ các vụ việc được coi là “đã giải quyết” luôn đạt tỷ lệ rất cao, thường trên 80% những vụ việc thuộc thẩm quyền nhưng số vụ việc khiếu nại về đất đai không có chiều hướng giảm mà lại tăng lên không ngừng. Điều đó có thể lý giải bởi tình trạng tiếp khiếu. Nói cách khác, dù vụ việc khiếu nại đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng nó không được chấm dứt mà người khiếu nại tiếp tục khiếu nại đến cấp cao hơn. Điều này cho thấy chất lượng và hiệu quả giải quyết khiếu nại còn chưa “bền vững” hay nói cách khác chất lượng giải quyết không cao. Vậy thì một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của giải quyết khiếu nại nói chung và giải quyết khiếu nại về đất đai nói riêng là tỷ lệ các vụ việc tiếp khiếu trong số các vụ việc được coi là “đã được giải quyết”. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều trong đó có việc người có thẩm quyền, do sức ép về trách nhiệm giải quyết, đã chỉ quan tâm đến ban hành quyết định giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn luật định mà chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả của việc giải quyết, chưa quan tâm đến phương án giải quyết của mình có khả thi hay không? Có được người khiếu nại chấp nhận hay không? Chưa quan tâm đến việc tìm ra sự đồng thuận giữa các bên trong tranh chấp. Đặc biệt là chưa cố gắng thuyết phục người khiếu nại chấp nhận phương án giải quyết của chính mình. Nói một cách tiêu cực là giải quyết cho “xong chuyện”, cho hết trách nhiệm. Đây chính là vấn đề cần quan tâm và có biện pháp nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết thuộc thẩm quyền của mình. Đây cũng phải coi là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại trong khi tiến hành thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính nói chung và đất đai nói riêng.
Hai là, tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại về thu hồi đất.
Đối thoại là khâu vô cùng quan trọng trong giải quyết khiếu nại, đặc biệt là khiếu nại về thu hồi đất đai. Khi xảy ra khiếu nại tức là đã hiện hữu một mâu thuẫn cần giải quyết. Trong việc giải quyết tất cả các mâu thuẫn thì đối thoại luôn là điều quan trọng. Đối thoại trước hết mang lại cho những người liên quan có được đầy đủ thông tin từ nhiều phía về vụ việc có tranh chấp. Đối thoại còn là cơ hội để các bên trong tranh chấp “thuyết phục” lẫn nhau bằng lý lẽ của mình và cuối cùng đối thoại giúp tìm ra một giải pháp có tính đồng thuận, một kết cục ít tốn kém nhất và bảo đảm hiệu lực thi hành của các quyết định giải quyết. Chính vì nhận thức ngày càng tốt hơn về ý nghĩa của sự đối thoại mà pháp luật đã ghi nhận và coi đó như là một khâu bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, nhận thức và quy định của pháp luật hiện nay chưa thực sự đầy đủ. Đối thoại mới chỉ được coi là một trong những thủ tục cần thiết mà chưa thấy đó là một phương pháp, thậm chí là một nguyên tắc quan trọng cần được tôn trọng và thực hiện trong giải quyết khiếu nại. Vì thế, pháp luật vẫn “loay hoay” với việc thực hiện nghĩa vụ này, khi thì lần đầu là bắt buộc, lần hai là cần thiết và ngược lại. Ngoài ra, việc ủy quyền đối thoại, Luật quy định phải là người có thẩm quyền giải quyết (người đứng đầu cơ quan hành chính), trong khi một số văn bản dưới luật lại có xu hướng cho ủy quyền…vv và vv. Theo chúng tôi, bản chất của việc giải quyết khiếu nại là việc tự “sửa chữa” của cơ quan đã ra quyết định hoặc tự “xem xét lại” của người khiếu nại, cho nên đối thoại phải được đề cao như một nguyên tắc và được thực hiện trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp. Điều này cần được ghi nhận trong Luật Khiếu nại và thể hiện cụ thể trong các văn bản dưới luật. Điều đó có nghĩa việc đối thoại có thể được thực hiện nhiều lần với nhiều chủ thể tham gia ngoài người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Ba là, tăng cường sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, đặc biệt là sự tham gia của Hội nông dân; mở rộng sự tham gia của luật sư và các tổ chức, cá nhân khác trong việc tư vấn cho người khiếu nại .
Cần có quy định về sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong giải quyết khiếu nại về thu hồi đất, bởi lẽ, đây là lực lượng đại diện cho quyền lợi của các hội viên. Các tổ chức này vừa có thể tham vấn cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết nhưng đồng thời cũng có thể đóng vai trò là “trung gian hòa giải” để hạn chế sự xung đột giữa người có đất thu hồi đi khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khiếu nại về đất đai nói chung và về thu hồi đất nói riêng vừa phức tạp vừa nóng bỏng do nhiều nguyên nhân như đã được phân tích. Chính vì vậy mà sự tham gia của các thiết chế có tính chất “trung gian” là rất cần thiết để làm giảm bớt tính chất gay gắt của những vụ việc này. Sự tham gia của các thiết chế này có nhiều ý nghĩa cho quá trình giải quyết. Trước hết, mang lại những thông tin thiết thực, cụ thể cho cơ quan và người có thẩm quyền trong việc xác định những vấn đề mang tính lịch sử hình thành của diện tích đất bị thu hồi, xác định đối tượng thuộc diện đền bù giải tỏa. Sự vào cuộc của các thiết chế trung gian, trước hết là các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương cơ sở sẽ tạo ra sự thống nhất giữa Nhà nước và người có đất bị thu hồi nhờ việc làm cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa cũng như lợi ích nhiều mặt của các công trình, dự án sẽ được triển khai sau khi thu hồi đất. Sự tham gia của các thiết chế trung gian rất quan trọng trong việc tư vấn cho người dân mỗi khi có thắc mắc khiếu nại xung quanh việc thu hồi đất. Điều này đã được minh chứng qua sự tham gia của luật sư tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương. Những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ và có lẽ nên tiếp tục mở rộng sự tham gia không chỉ của luật sư mà còn có thể gồm cả những người vốn là các công chức hành chính có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về quản lý đất đai, những người nguyên là cán bộ thanh tra có thực tiễn trong việc giải quyết khiếu nại thuộc lĩnh vực này…
Bốn là, đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm việc giải quyết khiếu nại của các ngành các cấp, thực hiện phương châm giải quyết các tranh chấp hành chính từ cơ sở tránh vượt cấp lên Trung ương.
Trong vài năm trở lại đây, thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nói chung và giải quyết khiếu nại về đất đai nói riêng ngày càng được chú trọng. Đây là một định hướng hết sức đúng đắn trong chỉ đạo công tác thanh tra của Chính phủ và của Thanh tra Chính phủ, thể hiện đúng vai trò của cơ quan thanh tra trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, hiệu quả của các cuộc thanh tra trách nhiệm nói chung chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các quy trình quy phạm để đưa thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại vào nề nếp quy củ nhưng điều khiến cho hiệu lực của hoạt động này chưa cao chính là các kiến nghị qua các cuộc thanh tra thường chung chung, đặc biệt là chưa chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và trên thực tế chưa cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm từ các kiến nghị của hoạt động thanh tra này. Thậm chí có những nơi việc báo cáo, làm việc với Đoàn thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ được “khoán trắng” cho thanh tra địa phương khiến cho nó trở thành công việc “nội bộ” của các cơ quan thanh tra. Cần thấy rằng, cơ quan thanh tra dù giữ vai trò quan trọng đến đâu thì thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại vẫn luôn thuộc về những người đứng đầu cơ quan hành chính. Hiệu quả hiệu lực của công tác này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của họ, đặc biệt là người đứng đầu cấp chính quyền cơ sở, nơi phát sinh các khiếu nại, nhất là đối với khiếu nại trong thu hồi đất mà việc giải quyết luôn phải đề cao phương châm “thấu lý, đạt tình”. Theo chúng tôi, ngoài việc đánh giá hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại qua các con số, các cuộc thanh tra trách nhiệm, dứt khoát phải có kết luận về trách nhiệm người đứng đầu và khi cần có cả những hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Như thế, hoạt động thanh tra trách nhiệm mới có hiệu quả thực sự.
Năm là, tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện chủ trương giải quyết các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP và 2100/KH-TTCP. Nghiên cứu việc xem xét, giải quyết lại các quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai đã có hiệu lực pháp luật.
Trong những năm gần đây, Chính phủ chú trọng đến việc giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, tập trung vào Kế hoạch 1130 ngày 10/5/2012 và Kế hoạch 2100 ngày 19/09/2013 của Thanh tra Chính phủ. Thực chất, đây là việc xem xét lại những vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng không chấm dứt do công dân tiếp tục khiếu nại gay gắt, kéo dài. Bên cạnh việc đôn đốc rà soát để chấm dứt các vụ việc giải quyết theo đúng pháp luật, trong các phương án giải quyết có đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho công dân trên cơ sở vận dụng các chính sách xã hội, ngoài những đền bù bồi thường theo quy định của pháp luật. Cách giải quyết như vậy đã góp phần chấm dứt nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài do quyền lợi của người dân được quan tâm hơn. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra khả năng xem xét lại nhiều vụ việc đã có hiệu lực pháp luật và có nguy cơ phát sinh thêm nhiều vụ việc mới phát sinh từ những vụ việc đã được giải quyết trước đó do công dân có sự so sánh thiệt hơn về lợi ích. Vì vậy, mặc dù đã giải quyết một phần lớn số vụ việc tồn đọng kéo dài trước kia, nhưng thực tế thì số lượng vụ việc tồn đọng, kéo dài phức tạp vẫn có xu hướng tăng thêm. Đã đến lúc, chúng ta cần có sự tổng kết về việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài qua việc thực hiện Kế hoạch 1130 và 2100 để rút ra những bài học kinh nghiệm, những ưu điểm nhược điểm trong các phương án giải quyết đã được áp dụng. Đặc biệt là tìm ra những điểm có thể cần phải sửa đổi bổ sung quy định để “luật hóa” việc giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nhằm bảo đảm trật tự kỷ cương và hiệu quả giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sáu là, chuyển việc giải quyết các khiếu nại về đất đai nói chung và về thu hồi đất nói riêng sang cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân.
Không thể phủ nhận những ưu điểm rõ ràng của phương thức giải quyết các khiếu kiện bằng con đường tố tụng tại cơ quan tư pháp. Chính vì vậy mà định hướng chuyển mạnh việc giải quyết các tranh chấp hành chính sang cơ chế Tòa án là tất yếu và hết sức đúng đắn. Định hướng này được thể hiện qua các lần sửa đổi các đạo luật liên quan đến khiếu nại hành chính và tố tụng hành chính với hai biểu hiện quan trọng.
Thứ nhất, ngày càng mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đã từng bước được mở rộng qua các lần sửa đổi pháp luật về tố tụng hành chính, từ 07 loại việc (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 1996), đến 11 loại việc (Pháp lệnh sửa đổi năm 1998), 22 loại việc (2004) và đến khi Luật Tố tụng hành chính được ban hành, Tòa án nhân dân đã có thẩm quyền giải quyết đối với mọi khiếu kiện hành chính.
Thứ hai, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân thông qua việc gỡ bỏ điều kiện thụ lý các vụ kiện hành chính phải qua giai đoạn khiếu nại hành chính bắt buộc (tiền tố tụng) trước khi khởi kiện tại Tòa án.
Không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là số lượng vụ việc khiếu nại tại cơ quan hành chính vẫn gấp nhiều lần so với vụ việc được khởi kiện tại Tòa án. Lý do chủ yếu của tình trạng này là do Tòa án thụ lý và giải quyết trên cơ sở hồ sơ và căn cứ duy nhất là quy định của pháp luật, trong khi cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại gần như mọi việc, nhất là việc “hỗ trợ” ngoài quy định của pháp luật, điều mà cơ quan tư pháp không thể mang đến cho người khiếu kiện. Tuy nhiên, cần xác định những việc hỗ trợ như thế chỉ mang tính nhất thời, khi mà pháp luật của chúng ta chưa bảo đảm sự công bằng, hợp lý, khi mà tình trạng quản lý đất đai còn thiếu chặt chẽ, hồ sơ giấy tờ chưa hoàn thiện. Mặt khác, một điều kiện hết sức quan trọng để Tòa án có thể thụ lý các vụ kiện về đất đai chính là việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cứ quan trọng để Tòa án có thể giải quyết các tranh chấp đất đai. Với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, mọi tranh chấp được giải quyết bởi một hệ thống cơ quan tư pháp độc lập với trình tự công bằng, minh bạch và khách quan thì cần thiết phải tăng cường năng lực của cơ quan xét xử hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về quản lý đất đai, tiến tới mọi khiếu kiện có thể được giải quyết tại Tòa án. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp trong lĩnh vực đất đai như hiện nay./.
TS. Đinh Văn Minh
Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)