Khiếu
nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong
Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 30 Hiến
pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá
nhân”. Việc Hiến pháp ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của công dân cho
thấy vị trí, vai trò quan trọng của quyền năng pháp lý này. Xét trên phương
diện lý thuyết thì thực hiện khiếu nại, tố cáo chính là phương thức quan trọng
để công dân, cơ quan, tổ chức bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể và các
quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khiếu
nại theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ
tục Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính
nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết
định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi
đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, khiếu
nại hành chính thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên
đi khiếu nại là công dân hoặc cơ quan, tổ chức chịu sự tác động trực tiếp của
quyết định, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm
quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Còn bên bị khiếu nại là cơ quan hành
chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Mục đích
cuối cùng của người đi khiếu nại để đòi lại chính quyền và lợi ích hợp pháp của
mình khi họ có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi hành chính trái pháp
luật xậm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chính họ.
Theo
khoản 1 điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: Tố cáo là việc cá nhân theo
thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân
nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và
lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như vậy, chủ thể thực hiện
quyền tố cáo theo quy định trong Luật Tố cáo chỉ là cá nhân. Khác với khiếu
nại, chủ thể khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại còn
chủ thể thực hiện quyền tố cáo chỉ quy định cho đối tượng là cá nhân nhằm cá
thể hóa trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật
thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định
của pháp luật. Mục đích của việc tố cáo có thể để bảo vệ lợi ích Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Và mục đích cuối cùng
của việc tố cáo là xử lý hành vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, đảm bảo kỷ
cương pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh.
Việc
hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại,
tố cáo của công dân là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức
và cá nhân có thẩm quyền. Qua phân tích, đánh giá thời gian qua cho thấy các
cấp, các ngành đã tập trung con người, điều kiện vật chất và thời gian, công
sức cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo có
nội dung phức tạp kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì chi phí
càng tốn kém hơn từ ngân sách Nhà nước. Có nhiều nguyên nhân phát sinh khiếu
nại, tố cáo, trong đó có một số nguyên nhân từ phía người khiếu nại, tố cáo như
người khiếu nại, người tố cáo trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, hoặc có
trường hợp người khiếu nại, tố cáo bị mua chuộc dụ dỗ, hoặc cố ý khiếu nại, tố
cáo sai dẫn đến khiếu nại, tố cáo sai, hoặc sai một phần.
Trên
thực tế có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo trong quá trình xử lý đơn, xác minh
giải quyết, qua phân tích, giải thích của người có thẩm quyền có tình, có lý,
có tính thuyết phục, người khiếu nại, tố cáo nhận thức được vấn đề đã tự nguyện
rút đơn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: làm sao để người khiếu nại, tố cáo tự
nhận thấy được nội dung khiếu nại, tố cáo của mình là sai, hoặc sai một phần để
tự nguyện rút đơn trong quá trình giải quyết; căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục
trong rút khiếu nại, tố cáo được thực hiện như thế nào…
Luật
Khiếu nại năm 2011 đã quy định khá đầy đủ vấn đề này. Khoản 3 điều 2 của Luật
Khiếu nại quy định “rút khiếu nại” là việc người khiếu nại đề nghị cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chấm dứt khiếu nại của mình. Điểm l khoản
2 điều 12 quy định người khiếu nại có quyền “rút khiếu nại”. Về trình tự thủ
tục rút khiếu nại, theo quy định tại điều 10 của Luật Khiếu nại năm 2011: Người
khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu
nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có
chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến
người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông
báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Luật
Tố cáo năm 2011 chưa đề cập cụ thể về “rút tố cáo” mà mới chỉ quy định
việc rút tố cáo tại điều 6 Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30 tháng 9 năm 2013
của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết tố cáo. Tuy nhiên,
trên thực tế nhiều trường hợp, trong quá trình tố cáo, người tố cáo có thể tự
mình nhìn nhận hoặc được cơ quan tiếp nhận, người xác minh hoặc người giải
quyết tố cáo phân tích về việc tố cáo đó là không có cơ sở, không đủ căn cứ,
không đủ bằng chứng nên có nguyện vọng được rút tố cáo. Việc rút tố cáo trong
những trường hợp này là cần thiết để tránh tố cáo sai, ảnh hưởng đến uy tín của
người bị tố cáo. Trên thực tế theo Báo cáo số 3537/BC-TTCP ngày 30 tháng 12 năm
2016 của Thanh tra Chính phủ về việc Tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại,
Luật Tố cáo cũng cho thấy, qua quá trình giải quyết tố cáo chỉ có 12,4% tố cáo
đúng; 28,3% tố cáo có đúng, có sai; 59,3% tố cáo sai . Do đó, Luật Tố cáo năm
2018 đã bổ sung quyền mới của người tố cáo đó là rút tố cáo được quy định tại
điều 33: Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một
phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố
cáo. Việc rút tố cáo phải được thể hiện bằng văn bản. Người giải quyết tố cáo
ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi người tố cáo rút toàn bộ nội
dung tố cáo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều 33 của Luật Tố cáo năm
2018, cụ thể: Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố
cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác
định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố
cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo
vẫn phải được giải quyết.
Như
vậy cùng là việc rút khiếu nại và rút tố cáo nhưng hậu quả của việc rút khiếu
nại và rút tố cáo là khác nhau: khi người khiếu nại rút khiếu nại tại bất cứ
thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và việc rút khiếu nại tuân theo trình
tự Luật Khiếu nại quy định thì người giải quyết khiếu nại sẽ ra quyết định đình
chỉ giải quyết khiếu nại, chấm dứt việc giải quyết khiếu nại. Còn trong tố cáo không
phải người tố cáo rút đơn tố cáo là người giải quyết tố cáo ra quyết định đình
chỉ ngay như trong giải quyết khiếu nại, mà người giải quyết tố cáo cần phải
xem xét nếu thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ
xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng
việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ
việc tố cáo vẫn phải được giải quyết mà không tiến hành đình chỉ.
Để
công dân nhận thức đúng, tự nguyện rút khiếu nại, rút tố cáo trong quá trình
khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thì quá trình phân công cán
bộ, công chức tiếp nhận, xử lý đơn, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo là
một vấn đề quan trọng vì những người trực tiếp làm việc, giải quyết các vấn đề
với người dân, mỗi hành vi ứng xử, mỗi việc làm đều liên quan đến quyền và lợi
ích của người dân. Do đó, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này phải rèn luyện tinh
thông nghiệp vụ, chuyên môn, có kiến thức hiểu biết sâu, rộng về chính sách,
pháp luật của Nhà nước và kiến thức thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo
đức tác phong để quá trình xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn hướng
tới việc người khiếu nại, tố cáo tự nguyện rút đơn khi nhận thức được khiếu
nại, tố cáo của mình không đúng, từ đó nhanh chóng chấm dứt giải quyết khiếu
nại, tố cáo./.
Phạm Thị Hường – GV Khoa
Nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)