Cái tuổi ngoài 80 cùng với những căn bệnh cố hữu của người già đã khiến sức khỏe của tôi đã không còn được như mong muốn. Thế nhưng, sự tha thiết và tâm huyết với Ngành, cộng với tình cảm với ngôi trường mà mình đã một thời sẻ chia gian khổ, gắn bó nghĩa tình, nên tôi cũng xin ghi lại vài dòng về những gì trí nhớ còn lưu giữ được. Hi vọng qua vài dòng ngắn ngủi của tôi sẽ giúp bạn đọc có thể khái quát được phần nào hình ảnh của một ngôi trường từ những ngày mới thành lập.Tôi sinh ngày 16/8/1929 tại phố Hàng Than – Hà Nội, được kết nạp Đảng ngày 5 tháng 6 năm 1948. Sống trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, tốt nghiệp xong trung học tôi tham gia làm tự vệ ngay tại khu phố nhà mình ở. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nghe theo tiếng gọi của Đảng tôi lên đường tham gia kháng chiến giải phóng đất nước. Một thời gian sau đó tôi được Huyện uỷ Đông Anh và tham gia vào công tác tại địa phương. Vài năm sau, theo sự điều động, tôi tiếp tục chuyển sang Tây Bắc công tác. Mãi đến năm 1971 tôi mới quay trở về Hà Nội và được nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Tôi tham gia công tác trong ngành Thanh tra cho đến năm 1993 thì nghỉ hưu.
Ban đầu, tôi được cử về công tác ở Vụ Nội chính văn xã của Ủy ban Thanh tra với nhiệm vụ chuyên theo dõi về công tác y tế, văn hóa, xã hội. Năm 1979, tôi được điều chuyển về Trường CBTT để công tác với vị trí là Hiệu phó của Trường và sau đó được đề bạt lên Hiệu trưởng. Như thế, kể cũng đã có 14 năm tôi gắn bó với ngôi trường này. Điều phải nói đầu tiên là Trường ngày ấy với bây giờ khác nhau nhiều lắm. Trường CBTT thuở ban đầu cũng không nằm ở vị trí hiện nay mà nằm lui vào phía trong hơn một chút. Cơ sở vật chất thời ấy hầu như không có gì . Ngoài dãy nhà cấp bốn, chúng tôi có thêm một khu nhà trước là của địa chủ cũ, sau này Cách mạng thu hồi và giao cho Nhà trường quản lý. Đường đi lối lại cũng rất khó khăn. Lực lượng lãnh đạo, cán bộ, giảng viên tổng cộng có 30 người. Cùng chung hoàn cảnh toàn quốc, đời sống của anh em lúc bấy giờ rất khó khăn, đồng lương giáo viên lại eo hẹp, cơ sở vật chất thiếu và cũ. Thế nhưng vượt lên trên tất thảy, mọi người đã sống và làm việc theo đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch “Thanh tra là cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Mỗi cán bộ, giảng viên đều luôn một lòng kiên định đi theo nghề, bám trụ với ngành, quyết tâm đào tạo, bồi dưỡng nên một lực lượng thanh tra Việt Nam vững mạnh.
Với nhiệt tình nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ giảng viên, Trường CBTT đã đào tạo được một lượng lớn cán bộ thanh tra cho ngành. Hàng năm chúng tôi đều mở được ít nhất là 8 khóa đào tạo cho cả ngoài Bắc và trong Nam. Mỗi khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kéo dài 3 tháng. Điều kiện học tập vất vả, khó khăn nhưng cả cán bộ, giảng viên lẫn học viên đều nỗ lực hết sức mình với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ. Chính bởi thế, thành quả của chúng tôi đạt được cũng rất đáng để tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên tự hào. Những đóng góp mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của Nhà trường đối với ngành là điều không thể phủ nhận.
Tại thời điểm này, Trường CBTT có một yêu cầu rất bức thiết là phải làm sao đào tạo thật nhanh cho đội ngũ cán bộ thanh tra trên toàn quốc vì lúc đó sau khi giải phóng, mọi địa phương đều thành lập ra cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra lúc này còn non trẻ nên đội ngũ cán bộ thanh tra chủ yếu được chọn từ địa phương, là những anh em, đồng chí đã tham gia chiến đấu thì được đưa vào. Chính bởi thế mà về phần nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Trường CBTT có nhiệm vụ quan trọng là phải ngay lập tức đào tạo cho đội ngũ cán bộ thanh tra này từ chỗ không biết về công việc thanh tra đến chỗ biết công việc thanh tra để có thể tiến hành công việc. Việc này tưởng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản bởi thời gian đào tạo thì ngắn, trong khi nghiệp vụ thanh tra thì nhiều. Làm sao chỉ với từng ấy thời gian học tập thôi nhưng có thể trang bị được đầy đủ kiến thức nhất cho anh em, đồng chí thì phải đòi hỏi sự khéo léo của giảng viên cũng như sự ham học của học viên. Nhìn lại thời điểm ấy, tôi thấy Trường CBTT đã làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Ngành giao phó.
Mấy hôm trước, tôi đọc báo Thanh tra thấy viết Trường CBTT vừa khai giảng một lớp Thanh tra viên cho nước bạn Campuchia. Đây là dấu hiệu đáng vui mừng. Điều này thể hiện uy tín của Nhà trường đang ngày càng được nâng lên không chỉ dừng lại trong nước nữa mà cả ở ngoài nước. Thế nhưng, không phải đây là lần đầu tiên Nhà trường đào tạo cho các học viên là người nước ngoài. Trường CBTT từ những năm 1980 cũng đã có những lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra kiểu như thế. Tôi nhớ không nhầm thì sau khi nhận chức Hiệu trưởng Trường CBTT, trong khoảng 5,6 năm Trường đã mở lớp cho cán bộ của Campuchia để đào tạo về công việc thanh tra. Hình thức đào tạo này là vừa mở lớp dạy cho cán bộ Campuchia ở ngay tại nước bạn vừa đưa cán bộ Campuchia sang thực tập ở Việt Nam. Hoặc có những lớp họ học ở bên ấy nhưng lại về Việt Nam thực tập. Lúc đó chúng tôi cũng đã thực hiện công tác đào tạo giảng viên về chuyên ngành thanh tra cho họ ở ngay tại Campuchia. Tổng cộng Trường CBTT thời ấy cũng đã đào tạo được 150 cán bộ cấp tỉnh cho nước bạn. Điều này đã khiến tình cảm của hai nước Việt Nam – Campuchia thêm gắn bó, hữu hảo.
Để có thể thực hiện được việc này, trước khi có chương trình bồi dưỡng, đào tạo phía Trường đã phải cử đoàn cán bộ sang bên bạn để nghe, khảo sát, nắm tình hình của họ. Nghe họ báo cáo xem tình hình của họ như thế nào để trên cơ sở đó mình mới có thể biên soạn giáo trình cho phù hợp.
Nhưng lại có một khó khăn là lực lượng cán bộ, giảng viên của mình còn quá ít. Giảng dạy trong nước đã thiếu, lại còn đưa ra nước ngoài giảng dạy nữa thì lấy đâu ra người. Trước yêu cầu đó, Ban giám hiệu trường đã phải gồng mình, khắc phục khó khăn bố trí phân công liên tục, gối nhau để đảm bảo làm sao mình vừa có người giảng dạy ở nhà lại vừa sang dạy cho họ được.
Về tài liệu nghiên cứu, học tập, tôi có xem xét một số tài liệu bây giờ Trường đang sử dụng và thấy mặc dù có sự sửa đổi nhưng về căn bản vẫn là tài liệu gốc từ trước đây đã viết. Những tài liệu gốc ban đầu thời chúng tôi sử dụng được lấy lại từ tài liệu của Liên Xô và có xen kẽ với tình hình thực tế ở Việt Nam. Tài liệu chủ yếu vẫn là các quan điểm về công tác thanh tra, hiểu thanh tra như thế nào và đi vào các bài nghiệp vụ thanh tra như thanh tra toàn diện, thanh tra diện rộng, xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bao nhiêu bước để giải quyết khiếu nại, tố cáo… những người viết sau cũng bổ sung dần dựa trên cái gốc đó.
Nhắc đến khó khăn nhưng cũng không thể không nhắc đến thuận lợi. Thuận lợi của Trường CBTT hồi ấy chính là sự quan tâm của Lãnh đạo Ngành. Mặc dù điều kiện chung bấy giờ ở đâu cũng khó khăn, thế nhưng Trường CBTT vẫn cứ được ưu tiên hơn một chút và do đó, học viên theo học tại trường cũng có được điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập tốt hơn. Tôi nhớ mùa đông lúc đó trời lạnh lắm. Như các trường khác làm gì có chăn bông cho học viên sử dụng, thế nhưng tại trường CBTT thì vẫn mua đủ chăn bông cho học viên nằm, không bị lạnh. Cứ 4, 5 người một phòng cũng có cơ sở vật chất đầy đủ, có trang bị quạt vào mùa hè. Chỗ ăn, chỗ ở đều khá hơn so với các đơn vị khác. Có y sĩ, y tá để chăm sóc học viên chu đáo. Do đó các học viên hầu hết đều yên tâm học tập, kết quả học tập vì thế cũng đạt cao.
Năm nay, Ngành Thanh tra chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngành. Hòa chung không khí đó, Trường CBTT cũng đang khẩn trương hoàn thành những kế hoạch đề ra để kịp về báo công trong ngày vui của toàn Ngành. Tôi xin chúc toàn thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của Nhà trường mạnh khỏe, hạnh phúc và công tác tốt. Chúc cho Trường CBTT ngày càng lớn mạnh, trở thành cái nôi chất xám của toàn ngành Thanh tra.
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)