(ThanhtraVietnam) – Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
2. Một số vấn đề đặt ra và phương án sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng
2.1. Về minh bạch tài sản, thu nhập
Một là, về mục đích của minh bạch tài sản, thu nhập.
Pháp luật hiện hành xác định “mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng”. Với mục đích được đặt ra khá “khiêm tốn” và “thận trọng” nêu trên, nên phần nào cũng đã chi phối và hạn chế tính hiệu quả của biện pháp này. Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), có cơ sở để cho rằng mục đích này đã cơ bản đạt được mặc dù minh bạch tài sản, thu nhập vẫn được đánh giá là hình thức, hiệu quả thấp. Mục đích nêu trên có thể phù hợp ở giai đoạn mới bắt đầu triển khai các quy định về minh bạch tài sản nhưng đến nay đã không còn đáp ứng được yêu cầu của công tác PCTN và kỳ vọng của nhân dân. Để hướng tới kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tăng cường phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng theo Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì mục đích này cần phải được điều chỉnh cho phù hợp, không chỉ mang ý nghĩa phòng ngừa, ngăn chặn mà còn là biện pháp phục vụ cho việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Với tinh thần đó, dự thảo Luật PCTN đã điều chỉnh, bổ sung quy định mới: “Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập, quản lý và công khai bản kê khai, xác minh, giải trình, kết luận, xử lý tài sản, thu nhập khôngđược giải trình một cách hợp lý nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng”.
Hai là, về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Pháp luật tuy đã quy định 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập như đã nêu trên nhưng diện đối tượng này vẫn còn hẹp hơn nhiều so với đối tượng là “người có chức vụ, quyền hạn” trong khu vực công. Mặt khác, việc mở rộng phạm vi PCTN sang khu vực tư cũng đặt ra vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thuộc khu vực này.
Do đó, để kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập trong xã hội thì nhất thiết phải mở rộng diện kê khai tài sản tiệm cận với đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, do việc thực hiện kê khai tài sản còn hình thức, thủ tục kê khai nặng nề; việc theo dõi, quản lý thủ công… đã dẫn đến một số quan điểm phải thu hẹp diện kê khai tài sản để nâng cao hiệu quả quản lý. Nhưng nếu thực hiện theo quan điểm này thì sẽ là “bước lùi” trong việc tiến tới kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn nói riêngcũng như kiểm soát toàn xã hội nói chung và chưa quán triệt đẩy đủ tinh thần mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản đã thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X, kết luận Trung ương 5, Khóa XI.
Vì vậy, phương án sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi là mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, quy định tất cả các cán bộ, công chức ngay khi được bầu, tuyển dụng đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Đối với khu vực ngoài nhà nước, bổ sung đối tượng phải kê khai là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân; người làm việc trong các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Ba là, về tài sản phải kê khai.
Pháp luật hiện hành đã quy định 9 nhóm tài sản phải kê khai. Xét trên phương diện sở hữu có thể chia thành các loại sau:
– Tài sản thuộc sở hữu (bao gồm cả tài sản đang đứng tên người khác) của người kê khai, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của người kê khai tài sản.
– Tài sản không thuộc sở hữu nhưng đang đứng tên người kê khai, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của người kê khai tài sản.
– Tài sản không thuộc sở hữu, cũng không đứng tên nhưng đang thuê, đang quản lý hộ, giữ hộ nếu tổng thời gian sử dụng tài sản đó từ 6 tháng trở lên.
Dự thảo Luật PCTN sửa đổi tiếp tục duy trì quy định về việc người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Bốn là, về thời điểm, hình thức kê khai.
Quy định của pháp luật hiện hành về việc phải kê khai tài sản hàng năm theo một mẫu thống nhất và mỗi lần kê khai đều phải kê khai lại nhiều nội dung, thông tin đã kê khai từ những năm trước cho dù không có biến động đã thể hiện sự rườm rà, hình thức của việc kê khai tài sản, thu nhập và phần nào bộc lộ hạn chế, yếu kém của các cơ quan quản lý trong việc quản lý, theo dõi việc kê khai kê khai, tài sản.
Để khắc phục vấn đề này và để phù hợp với việc mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản bao gồm tất cả các công chức khi bổ nhiệm vào ngạch, dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã điều chỉnh căn bản về thời điểm và hình thức kê khai tài sản, thu nhập, bãi bỏ việc kê khai tài sản hàng năm. Các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản sẽ thực hiện việc kê khai lần đầu (có thể hiểu là kê khai đầu vào). Sau đó, mỗi khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ mới hoặc cóbiến động tăng thêm về tài sản, thu nhập của mình,của vợ hoặc chồng,con chưa thành niên với giá trị từ 200 triệu đồng trở lênsẽ thực hiện việc kê khai bổ sung và không phải kê khai lại những thông tin đã kê khai trước đó.
Năm là, về quản lý việc kê khai.
Quy định hiện hành gắn việc quản lý bản kê khai tài sản với công tác quản lý cán bộ. Về cơ bản, cán bộ thuộc cơ quan nào sẽ do cơ quan đó tự quản lý, theo dõi. Việc công khai cũng tiến hành trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị, nên nhìn chung đã tạo sự “khép kín” trong quản lý, theo dõi việc kê khai tài sản, thu nhập. Hiện chỉ có những trường hợp thuộc diện cấp ủy đảng quản lý (chiếm khoảng 20% số người kê khai tài sản) thì còn có thêm sự quản lý, theo dõi của cơ quan kiểm tra đảng cùng cấp. Mặt khác, việc giao gần như toàn bộ trách nhiệm quản lý, theo dõi về kê khai tài sản, thu nhập cho đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tạo gánh nặng cho đơn vị này, trong khi họ còn thiếu cán bộ, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra để có thể phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc tổ chức kiểm tra, xác minh.
Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã có sự thay đổi căn bản với việc quy định về các cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập, bước đầu hình thành các hệ thống quản lý tập trung việc kê khai tài sản trong đó:
Thứ nhất, ở Trung ương quản lý theo mô hình “bán tập trung”.
–Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại các Ban của Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có sử dụngNgân sách nhà nước.
– Ngoàinhững ngườiđã đượcỦy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát nêu trên thì:
+Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tạiBộ, cơ quan ngangBộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
– Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toánNhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Kiểm toánNhà nước.
– Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác trong Công an,Quân đội.
– Đơn vị phụ trách công tác tổ chức – cán bộ tại các Ban của Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có sử dụngNgân sách nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ dưới 0,7.
Thứ hai, ở địa phương quản lý theo mô hình tập trung với 2 hệ thống quản lý:
– Ủy banKiểm tra tỉnh ủy, thành ủy kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
– Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tài sản còn lại.
Để phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, nhất là trong việc theo dõi sự gia tăng bất thường về tài sản của người kê khai, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có trách nhiệm gửi 01 bản kê khai cho bộ phận tổ chức – cán bộ và 01 bản kê khai cho cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền quản lý tập trung.
Xuất phát từ thực tế quản lý bản kê khai bằng biện pháp thủ công trong những năm qua đã làm hạn chế hiệu quả theo dõi, giám sát, kiểm tra, xác minh về tài sản, thu nhập, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã quy định việcxây dựng cơ sở dữ liệu về bản kê khai tài sản, thu nhậptrong đóThanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tích hợp, xây dựng, thống nhất quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước; Thanh tra Chính phủ chủ trì, điều phối và hướng dẫn cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập.
Sáu là,về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Do bãi bỏ việc kê khai hàng năm mà chủ yếu việc kê khai gắn với công tác bầu, bổ nhiệm cán bộ nên việc công khai tài sản, thu nhập cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Dự thảo Luật PCTN sửa đổi quy định việc công khai gắn liền với công tác bầu, bổ nhiệm, đồng thời nêu 2 phương án liên quan đến hình thức công khai đang thực hiện hiện nay. Phương án 1, công khai tại Chi bộ đối với đảng viên và không duy trì việc công khai tại cơ quan, tổ chức đơn vị như hiện nay. Phương án 2, vẫn duy trì việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc như quy định hiện hành.
Bảy là, về việc xác minh tài sản, thu nhập.
Thứ nhất, về các trường hợp tiến hành xác minh.
Qua 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc xác minh về tài sản, thu nhập ít được thực hiện. Giai đoạn trước năm 2013 do điều kiện xác minh còn hẹp nhưng ngay cả sau khi sửa đổi Luật PCTN, mở rộng thẩm quyền chủ động xác minh thì kết quả xác minh cũng rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân là pháp luật không quy định cụ thể những trường hợp đương nhiên phải xác minh mà không cần phải có tố cáo hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Khắc phục hạn chế nêu trên, dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã quy định việc xác minh khi có căn cứ cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tài sản, thu nhập được kê khai không minh bạch mà không giải trình được một cách hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập mà người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan hoặc khi người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xét thấy cần xác minh tài sản, thu nhập của người được dự kiến bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm dưới 0,9 trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định “cứng” việc xác minh về tài sản, thu nhập khi tiến hành bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ đối với người được dự kiến bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ được hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên.
Thứ hai, về quyền hạn của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Để bảo đảm cho việc tiến hành xác minh được thuận lợi, dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã quy định cụ thể quyền của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, dữ liệu nhằm làm rõ nội dung xác minh. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, cơ quan công an, thuế, hải quan, quản lý nhà đất, ngân hàng thương mại và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung xác minh có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung xác minh khi có yêu cầu của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp; Áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung xác minh hoặc ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, chuyển dịch thu nhập và cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập.
Thứ ba, về kết luận xác minh tài sản, thu nhập và xử lý vi phạm phát hiện qua xác minh.
Theo quy định hiện hành, kết luận xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập được sử dụng để xử lý người có hành vi kê khai tài sản không trung thực. Tuy nhiên do chưa có cơ sở pháp lý xử lý tài sản bất minh nên trong trường hợp qua xác minh đã kết luận được những tài sản không được kê khai hoặc giải trình nguồn gốc tăng thêm không hợp lý thì kết luận đó cũng không được sử dụng để xử lý đối với tài sản. Để khắc phục hạn chế này, Luật PCTN sửa đổi quy định:Kết luận xác minh tài sản, thu nhập là cơ sở để xử lý vi phạm và xử lý tài sản, thu nhập không được kê khai, không được giải trình một cách hợp lý theo quy định của Luật này. Người có hành vi không trung thực trong minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập bị xoá tên khỏi danh sác ứng cử; không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến; bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Tám là, về việc xử lý tài sản không minh bạch.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử lý tài sản không minh bạch. Thiếu hụt này đã góp phần làm cho biện pháp minh bạch về tài sản nói chung và việc xác minh về tài sản nói riêng trở nên hình thức, kém hiệu quả.
Do đó dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định quan trọng liên quan đến việc quản lý, xử lý tài sản không minh bạch, cụ thể như sau:
–Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tài sản, phong tỏa tài khoản, kiểm soát tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc chuyển dịch tài sản, thu nhập; có quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp cần thiết để quản lý tài sản, thu nhập không được kê khai hoặc không được giải trình một cách hợp lý; yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuếđối với những khoản thu nhập tăng thêm mà không kê khai.
– Đặc biệt là đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về nguồn gốc của phần tài sản, thu nhậpđó theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự.
2.2. Về thu hồi tài sản tham nhũng
Việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng, thi hành án hình sự về cơ bản đã được quy định khá chặt chẽ trong pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. Tuy nhiên, còn có một số trường hợp vẫn gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng cơ chế này để thu hồi tài sản tham nhũng. Ví dụ như tài sản tham nhũng bị trộn lẫn với tài sản hợp pháp, không tách bạch được hoặc khi vụ án hình sự có tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài…
Để khắc phục hạn chế nêu trên và tăng cường hiệu lực thu hồi tài sản tham nhũng, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã tiếp cận theo hướng quy định việc xử lý tài sản tham nhũng bằng những biện pháp phi hình sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quankiểm tra Đảng, thanh tra nhà nước,Kiểm toán Nhà nước phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng.
Thứ hai, tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước. Đối với tài sản tham nhũng không xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản tham nhũng bị trộn lẫn với tài sản khác không thể phân định được thì được sung công.
Nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng theo tinh thần Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã bổ sung quy địnhViện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan đầu mối quốc gia trong việc hợp tác với nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng; chủ trì thực hiện việc cung cấp thông tin, tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam và tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.
Ngoài ra, còn một số ý kiến khác như cần mở rộng diện tài sản chịu sự kiểm soát, đồng thời với việc quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập cần phải kiểm soát cả tiêu dùng của người kê khai tài sản, do hiện nay tình trạng sử dụng tiền mặt phổ biến khiến cho việc che giấu thu nhập dễ dàng hơn. Người kê khai tài sản vẫn có thể kê khai không có tài sản gia tăng lớn nhưng thực tế lại tiêu dùng lớn, quá mức so với thu nhập. Tuy nhiên, dự thảo Luật PCTN sửa đổi chưa có quy định để kiểm soát tình trạng này. Phương án được đề xuất là những người thuộc diện kê khai tài sản khi tiêu dùng những khoản lớn (Ví dụ từ mức 20 triệu đồng), phải thực hiện thông qua tài khoản. Bên cạnh đó, cần nội luật hoá Điều 20 Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Vì thực tếtrước đây nguồn hình thành tài sản cá nhân trong xã hội nước ta khá phức tạp. Nhưng qua 10 năm thực hiện Luật PCTN, có cơ sở để nhận thức rằng những tài sản có nguồn gốc phức tạp đã “ổn định” hoặc chuyển hoá hoặc đã được kê khai, công khai. Những tài sản tăng thêm sau này không thể đánh đồng với những tài sản giai đoạn trước vì không khó để xác định nguồn gốc, trừ khi đó là tài sản bất hợp pháp hoặc do tham nhũng mà có. Do đó, khi việc kiểm soát thu nhập đầu vào, tài sản hiện hữu và tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện đồng bộ thì dễ dàng nhận biết tài sản tăng thêm là hợp lý hay bất hợp lý. Vì vậy, có cơ sở để xem xét nội luật hoá Điều 20 của Công ước,người có chức vụ, quyền hạn mà không giải trình được một cách hợp lý về lý do tăng tài sản thì tài sản tăng thêm đó phải bị tịch thu và người đó phải bị xử lý trách nhiệm hình sự./.
Ths. Ngô Mạnh Hùng
Phó Cục trưởng Cục CTN – Thanh tra Chính phủ
Nguồn http://thanhtravietnam.vn
Cơ quan chủ quản: Thanh tra Chính phủ
Giấy phép hoạt động: 46/GP-BC
cấp ngày: 06/5/2015
Nơi cấp: Bộ Thông tin và Truyền thông
Bir hesabınız yoksa, gerekli bilgileri doldurarak Mostbet web sitesine kaydolabilirsiniz.
© 2021 Bản quyền của Trường Cán bộ Thanh tra. Design by tcsoft.vn
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
(Ghi rõ nguồn https://truongcanbothanhtra.gov.vn nếu sử dụng thông tin từ Website này)