Có thế nói, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở luôn được Cấp uỷ Chi bộ và Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng quan tâm thực hiện. Cấp ủy Chi bộ và Lãnh đạo cơ quan thường xuyên chỉ đạo Văn phòng và các phòng Nghiệp vụ thực hiện, quán triệt đến toàn thể công chức, đảng viên, người lao động trong cơ quan các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo khác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở. Cấp ủy Chi bộ Thanh tra tỉnh đã gắn thực hiện QCDC với việc quán triệt, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân.

Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các văn bản đến công chức, người lao động được tổ chức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt pháp luật sáng thứ Hai hàng tuần, các cuộc họp giao ban, họp sơ kết tháng, quý, 6 tháng của cơ quan. Qua công tác tuyên truyền, quán triệt, nhận thức của đảng viên và công chức cơ quan về thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nét trong việc tham gia ý kiến đóng góp vào việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chung của cơ quan; việc góp ý kiểm điểm tập thể, cá nhân Lãnh đạo cơ quan Thanh tra tỉnh và Cấp ủy, đảng viên trong Chi bộ.

Về việc công khai, dân chủ, Thanh tra tỉnh đã tiến hành công khai đầy đủ các nội dung theo đúng quy định. Các kế hoạch, chương trình công tác hàng tháng, quý, năm luôn được niêm yết công khai hoặc gửi đến từng công chức qua hệ thống liên thông văn bản hoặc hộp thư điện tử công vụ. Trong đó, trọng tâm là công khai các kết quả đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; các vấn đề liên quan đến quyền lợi của cán bộ, công chức; công tác tổ chức, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo bồi dưỡng; các chế độ chính sách (lương, thi đua khen thưởng); về kinh phí hoạt động, việc thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, trang thiết bị; tinh giản biên chế… gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí tại cơ quan. Khi xây dựng các quy chế, quy định để áp dụng trong cơ quan đều công khai đến toàn thể công chức, người lao động được biết nhằm đảm bảo việc công khai, dân chủ và tạo sự thống nhất trong tổ chức và triển khai thực hiện.

Các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản liên quan đến hoạt động ngành Thanh tra… đều được phổ biến, quán triệt đến công chức vào sáng thứ Hai hàng tuần và trong các cuộc họp của Chi bộ, của cơ quan để công chức biết, giám sát, thực hiện và tham gia trao đổi ý kiến. Ngoài ra, căn cứ các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh đã tiến hành công khai Kế hoạch thanh tra năm 2022 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật như: Quyết định số 2822/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng; thực hiện công khai các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ngành và thực hiện công khai kết luận thanh tra; quyết định giải quyết khiếu nại… trên Trang thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định.

Về công tác cải cách hành chính, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các mặt công tác khác; trong đó có công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính. Việc triển khai được thực hiện đồng bộ trên các mặt, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, đến việc tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể về công tác cải cách hành chính như: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; về cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số.

Việc tăng cường công tác dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác cải cách hành chính, bảo đảm định hướng dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi, dễ hiểu, dễ thực hiện; hạn chế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân và tổ chức. Công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện QCDC cơ bản được triển khai, thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, các nội dung cụ thể. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn thể công chức, người lao động về vị trí, vai trò của công tác cải cách hành chính; góp phần giúp cơ quan và công chức, người lao động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Lãnh đạo cơ quan đã tham gia tiếp công dân định kỳ của HĐND và UBND tỉnh tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh. Trong kỳ, tại cơ quan Thanh tra tỉnh tiếp 31 lượt với 61 công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh. Tiếp nhận 268 đơn, qua phân loại đã hướng dẫn người dân khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết 03 đơn, chuyển 03 đơn và lưu 262 đơn do không đủ điều kiện xử lý… Nội dung qua công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai; bồi thường giải phóng mặt bằng… Qua đó, đã giải thích các quy định của pháp luật, hướng dẫn công dân chờ kết quả giải quyết của UBND tỉnh; gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

Tổng số đơn KNTC được UBND tỉnh giao thẩm tra, xác minh, rà soát, tham mưu giải quyết, xử lý là 149 đơn (kỳ trước chuyển sang 19 đơn, phát sinh trong kỳ 130 đơn), gồm: 74 đơn khiếu nại và 75 đơn tố cáo. Thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công chức Thanh tra tỉnh đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân gắn với công tác dân chủ trong quá trình tham mưu giải quyết, nên từ đầu năm đến nay đến nay thông qua công tác kiểm tra, xác minh, đối thoại đã có 08 vụ công dân tự nguyện rút đơn và được UBND tỉnh ban hành xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh luôn tạo điều kiện cho công dân đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thực hiện quyền giám sát đối với công chức trong thi hành công vụ.

Về kết quả tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động; kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị và kết quả hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân, việc tổ chức Hội nghị công chức, người lao động hàng năm được thực hiện theo đúng quy định. Hàng năm, khi tiến hành tổ chức Hội nghị công chức, người lao động đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan và Công đoàn cơ sở trong việc xây dựng chương trình, bố trí thời gian, phân công thực hiện các nội dung theo đúng quy định. Kết thúc Hội nghị đã đề ra Nghị quyết và thực hiện ký kết giao ước thi đua giữa thủ trưởng cơ quan và Công đoàn cơ sở theo đúng quy định. Căn cứ các chỉ tiêu Nghị quyết hàng năm, cơ quan phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện các nội dung đã đề ra, trong đó có các nội dung về thực hiện QCDC ở cơ sở như: Chính quyền, Công đoàn phối hợp thực hiện tốt QCDC, nội quy, quy chế cơ quan; thực hiện tốt công tác thanh tra nhân dân; bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, công chức, lao động. 100% công chức, người lao động, đoàn viên Công đoàn tham gia giám sát đảm bảo thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách đối với đoàn viên và công chức, người lao động, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo sai quy định. Tích cực hưởng ứng các phong trào, các đợt thi đua do Thủ trưởng cơ quan và Công đoàn phát động. Kết quả trong năm đã thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra.

Về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt đến toàn thể công chức, đảng viên và người lao động cơ quan nội dung cơ bản của Nghị định; trong đó, tập trung nội dung tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, hội nghị người lao động và những vấn đề mới nảy sinh.

Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ luôn đảm bảo kịp thời, đúng chủ trương, chính sách và được toàn thể công chức cơ quan thực hiện nghiêm. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của công chức cơ quan về điều kiện lao động và quan hệ lao động; góp phần giúp cơ quan và công chức, người lao động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Hàng năm, Lãnh đạo Thanh tra tỉnh luôn quan tâm đến việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, tổ chức Hội nghị công chức, người lao động và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh kịp thời, nhằm hạn chế những hiểu lầm, bức xúc trong công chức, người lao động cơ quan. Tại Hội nghị công chức, người lao động hàng năm, công chức, người lao động cơ quan đều được phát biểu ý kiến cá nhân, đóng góp những ý kiến vào nhiệm vụ chung của cơ quan. Qua đó, giúp cho công chức, người lao động cơ quan phấn khởi yên tâm công tác, phát huy được vai trò trách nhiệm trong mỗi công chức; góp phần tạo không khí phấn khởi, đoàn kết; động viên toàn thể công chức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng hướng đến tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở, đảm bảo việc tổ chức thực hiện đúng quy định, đi vào thực chất, góp phần xây dựng cơ quan và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Gắn với công tác cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra liêm chính, dũng cảm đi đầu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục nâng cao vai trò chỉ đạo của Cấp ủy, sự phối hợp của Chính quyền và các đoàn thể trong tổ chức thực hiện QCDC ở cơ quan Thanh tra tỉnh. Phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách về thực hiện QCDC ở cơ sở. Chú trọng tuyên truyền Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban bí thư về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 30-CT/TW; Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các Đoàn thể chính trị xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về MTTQ và các Đoàn thể chính trị xã hội tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đầy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ và các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở.

Thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung các Quy chế trong hoạt động của cơ quan; tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của từng công chức thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tổ chức cán bộ; công khai, minh bạch các quy định trong tổ chức hoạt động để tạo điều kiện cho công chức giám sát, tham gia ý kiến trong xây dựng cơ quan và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Văn phòng, các phòng nghiệp vụ và các tổ chức đoàn thể trong tổ chức sinh hoạt hàng tháng, ngoài nội dung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổng hợp ý kiến phản ánh của công chức về thực hiện QCDC ở cơ sở để kịp thời báo cáo lãnh đạo cơ quan chỉ đạo xử lý.

An Khang
(Nguồn: ThanhtraVietNam)